Giữa đám đông, một phụ nữ trút bỏ quần áo, ngồi như tượng giữa giảng đường, sinh viên nam nữ với giá vẽ, bút màu nhìn chị chăm chú rồi cặm cụi vẽ.
Chị Nhung trạc 30 tuổi có gương mặt sắc nét, nước da bánh mật và thân hình hơi thô. Khác với mọi người, khi được hỏi về công việc, nét mặt chị lo lắng, sợ sệt. Gia đình chị cũng không biết chị làm nghề gì, mặc dù hàng tháng cuộc sống của họ đều trông vào số tiền chị kiếm.
Ngày chị bước chân vào nghề làm người mẫu vẽ là cuộc đấu tranh tâm lý dữ dội của chị. Một cô gái ven đô quanh năm chỉ biết đến ruộng vườn, có chồng và hai con, không thể nghĩ có ngày mình lại đi làm mẫu vẽ.
Thế rồi, chị lọt vào mắt xanh của một họa sĩ. Ông hứa xin cho chị đi làm người mẫu vẽ. Tưởng chỉ đùa cho vui, ai ngờ hôm sau ông đến và dẫn chị đi xin việc thật. Ban đầu làm mẫu, chị được mặc quần áo bình thường. Sau theo yêu cầu chương trình học, chị phải khoả thân.
Bước qua cái ranh giới của những mặc cảm định kiến với chị thật chẳng dễ chút nào. Chị Nhung tâm sự: "Em sợ trong đám sinh viên kia có người quen. Họ mà loan tin cho cả làng xóm ở quê biết thì em chỉ còn cách chuyển đi chỗ khác sống".
Nhiều lúc chị muốn trốn chạy công việc mình đang làm, để trở lại những ngày lam lũ sớm tối với gánh hàng rau bán nơi chợ đuổi. Tiền kiếm được tuy không nhiều, vợ chồng vẫn vui vẻ, hạnh phúc, tâm lý thảnh thơi. Chị Nhung khát khao trở lại những tháng ngày ấy. Nhưng khi chị có quyết tâm bỏ nghề cũng là lúc người chồng mắc bệnh nặng, hai đứa con đang tuổi ăn tuổi học luôn thiếu thốn đủ thứ.
Căn nhà tuềnh toàng lại hiện lên trong tâm trí khiến chị không thể thực hiện được ý định bỏ nghề. Từ nhiều năm nay, chị gánh vác mọi việc trong gia đình. Thế nên chị đành làm tiếp công việc luôn làm lương tâm chị cắn dứt này.
Dù hơn mười năm chung sống nhưng chồng chị vẫn đinh ninh vợ mình đóng than tổ ong ở Gia Lâm. Vì thế, hàng ngày rời giảng đường đại học, chị lại vục tay vào đống than ven đường, bôi lem luốc lên quần áo đi về nhà để không ai phát hiện ra những việc hàng ngày mình vẫn làm.
Người mẫu nam cũng không khả quan hơn. Họ cũng giấu công việc mình đang làm với gia đình, bạn bè.
Sau hai lần thi đại học không đỗ, cậu thanh niên tên Chính quyết tâm kiếm việc làm ở Hà Nội để tiếp tục thi đại học. Chính làm mẫu vẽ, một tháng kiếm 500.000 đồng chỉ đủ cho cậu đóng tiền nhà, ăn uống tằn tiện.
Anh Bình buồn rầu kể, khi biết anh làm mẫu khoả thân, cô người yêu không ngần ngại tuyên bố chia tay.
Hơn chục năm hay, anh vẫn mặc cảm về nghề nghiệp. Anh không dám yêu ai. Đến nay, hơn 50 tuổi mà anh vẫn sống độc thân. Gần 20 năm cống hiến cho nghệ thuật, anh có trong tay những gì. Không hợp đồng lao động, không bảo hiểm, chế độ lương cũng không có. Tóm lại, anh là người tự do cả về công việc lẫn gia đình. Phải chăng vì duyên số, vì yêu nghệ thuật mà theo nghề cha.
Những người có hoàn cảnh khó khăn bất đắc dĩ mới phải làm người mẫu vẽ. ấy vậy, cũng có người tiền bạc không thiếu nhưng lại dấn thân vào nghề này.
Chị Cúc ngoài 30 tuổi, thân hình cao ráo, khuôn mặt đẹp, thanh thoát, ăn mặc sang trọng. Chị tâm sự: "Tôi muốn lưu lại thời xuân sắc của mình qua nghệ thuật vẽ tranh". Có nhiều hoạ sĩ vẽ chân dung chị nhưng chị chưa ưng bức nào. Nói là hy sinh vì nghệ thuật thì cũng không hẳn, âu cũng là cái thú thích làm mẫu vẽ.
Công việc gì cũng có những tai nạn nho nhỏ, nhưng với nghề làm người mẫu vẽ thì chuyện không còn nhỏ nữa. Đã có anh chồng đạp cửa xông vào giảng đường đấm tát vợ liên tiếp đến đổ cả máu mặt. Sau lần đó hai người ra toà ly hôn.
Có lần trong người hầm hập ngấy sốt, lại không mảnh vải che thân, chị Nhung vẫn gắng gượng ngồi, chỉ còn mươi phút nữa là lớp học kết thúc. Đột nhiên chị cảm thấy choáng váng, đầu óc quay cuồng rồi gục xuống sàn. Đám sinh viên nhốn nháo "người mẫu ngất rồi".
Chẳng kịp mặc quần áo cho chị, mấy nữ sinh viên xúm lại, kéo mền trùm lên người chị rồi khiêng chị đến phòng y tế trường. "Mình bị như thế này nhiều lần rồi. Mùa hè còn đỡ, mùa đông mới thực sự mệt mỏi. Trong khi mọi người khăn mũ trùm kín mít, người mẫu vẫn phải cắn răng chịu lạnh. Mặc dù mỗi phòng học đều trang bị lò sưởi điện mini cho người mẫu, nhưng cũng chẳng thấm tháp gì. Sinh viên ra vào lớp liên tục, gió lùa lạnh thấu xương mà vẫn phải ngồi bất động, nên người mẫu bị cảm ngất là chuyện bình thường", chị Nhung nói.
Khi hỏi về niềm vui trong công việc, cả tổ người mẫu trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp đồng thanh nói: "Cũng chẳng có gì vui. Cũng là bần cùng lắm chúng tôi mới phải làm nghề này".
(Theo Đời Sống Pháp Luật)