![]() |
Các bác sĩ pháp y là những người khoác blouse trắng trung thực, giàu lòng yêu thương con người, đầy tinh thần trách nhiệm mỗi khi thừa hành trọng trách với sứ mạng là một giám định viên pháp y trên những xác người, trên thi thể người sống nhằm tìm ra sự thật trước mỗi hành vi xấu xa tội ác, trước một nỗi oan, hàm oan khó lý giải, làm sáng tỏ những điều còn ngờ vực liên quan đến cảnh ngộ, số phận con người...
Thật không mấy dễ dàng để tiếp xúc, trò chuyện một cách nhỏ giọt với những bác sĩ pháp y chuyên mổ xác người. Một lẽ đơn giản là họ chẳng muốn hé răng nói về những công việc thầm lặng của mình, bày tỏ những nỗi niềm vui buồn của cái nghề mổ xác, mà đến nay thiên hạ vẫn còn thiên kiến, thậm chí bè bạn đồng nghiệp và cả những người gần gũi thân yêu cũng chưa hiểu đúng về nghề nghiệp của họ.
Một bác sĩ thuộc thế hệ đầu tiên ở nước ta cầm dao giải phẫu tử thi, từng có hơn ba chục năm mổ xẻ người chết, tâm sự không giấu giếm rằng thật ra cái nghề này chẳng ai thích làm. Cả mấy chục con người trong đơn vị do ông phụ trách, họ đến với nghề nghiệp ấy là do tổ chức phân công, do cuộc sống điều chuyển, thu nạp những con người nhiệt thành, tâm huyết, yêu nghề, giỏi nghề...
Bác sĩ nào cũng nói rằng cái nghề giải phẫu tử thi sao mà nghiệt ngã quá. Đối với các bác sĩ pháp y hình sự thì lại càng phức tạp, cực nhọc, vất vả bội phần. Bất kể ngày đêm, dông bão, nắng mưa, nơi vùng sâu vùng xa, thành phố hay thôn quê, cứ nơi nào xảy ra án mạng, người chết có nghi vấn là đội quân này phái người tới. Mổ xác ngay tại hiện trường, mổ xác ngay tại nhà nạn nhân. Có khi phải khai quật tử thi đã chôn sâu vùi chặt lên để giải phẫu. Vậy mà đâu có được an thân cầm dao thực thi phận sự. Những người nhà đối tượng và cả những nạn nhân quá khích hò nhau lật cả xe của đội khám nghiệm tử thi. Họ cầm gậy, cầm dao rượt đuổi bác sĩ pháp y, dứt khoát không cho động đến thân xác người chết.
Gặp những trường hợp như thế, các bác sĩ pháp y nơi đây kể rằng ngoài lý lẽ công việc, mỗi người tự biết tìm cách vượt qua rào cản khủng khiếp ấy bằng chính thái độ sống chân thành của người cầm dao mổ, chia sẻ nỗi đau cả với người chết lẫn người sống có quan hệ máu thịt thân thiết ràng buộc. Tự tay mình đốt lên vài nén hương thơm cho người đã khuất, làm vơi dịu nỗi đau những người thân yêu của kẻ xấu số, và cũng để lòng mình nhẹ nhõm trước khi bắt tay vào việc. Các anh tâm niệm, người chết khi nằm xuống là nạn nhân hay đối tượng có hành vi gây ra tội ác... xét đến cùng họ vẫn là một con người, một kiếp người rất đáng thương cảm. Với cách hành xử bao dung như thế mà các bác sĩ giải phẫu tử thi “thoát hiểm” nhiều phen.
Nghe mấy anh kể, có những vụ ba lô đồ nghề lương ăn khoác vai lội bộ ba bốn ngày đường xuyên rừng xuyên núi mới tới hiện trường khám nghiệm. Xác chết đã trương phình, hôi thối khủng khiếp, họ phải mổ ngay dưới mưa tầm tã, sấm chớp ngang trời. Có vụ mổ xẻ trong đêm với ngọn đèn nhòe nhoẹt ánh sáng giữa đồng không mông quạnh. Có vụ dân tình xúm xít đứng nhìn bác sĩ đi dao trên xác người chết, hoảng quá có anh chàng to béo lực lưỡng ngất xỉu, đổ gập xuống như bị ai đốn ngã nằm đè lên người bác sĩ, và đè lên cái xác chết đàn bà đặt nằm trên cỏ.
Những chuyện như thế kể mãi không hết, mỗi khi nhớ lại ai nấy cười vui nhưng kẻ ngoại đạo thì cứ thấy nôn nao trong lòng, cay cay nơi khóe mắt. Mãi đến tận bây giờ ta vẫn chưa có được những nhà xác đủ phương tiện để các bác sĩ pháp y làm nghề. Vẫn chưa có những chiếc xe chở xác đưa về các trung tâm giải phẫu tử thi. Giá địa phương nào cũng có những thứ này thì đỡ bao nhiêu nhọc nhằn, sức lực; giảm thiểu được bao nhiêu ô nhiễm độc hại về tâm lý, tinh thần, cuộc sống môi sinh. Thật khó mà hiểu nổi, mỗi ca mổ xác như thế có khi phải khai quật tử thi đã chôn cất nhiều ngày lên khám nghiệm giải phẫu, bác sĩ pháp y được nhận không quá 150.000 đồng tiền bồi dưỡng độc hại.
Đã gần ba chục năm trong nghề nhưng ca mổ xác đầu tiên đối với bác sĩ Quy thì mãi mãi là một kỷ niệm khó quên. Đó là một buổi chiều chạng vạng ven đô thành phố, người dân phát hiện có một xác chết nổi lập lờ dưới ao cuối làng. Cái ao cạn nước mùa hè trâu đầm khó mà chết đuối. Người chết có thể bị giết rồi thả xuống ao phi tang. Cái xác trương phềnh như con bò mộng, dân làng vớt lên đặt trên bờ ao đắp chiếu chờ các bác sĩ pháp y tới.
Cuộc giải phẫu tử thi không mấy phức tạp để xác định nạn nhân - người đàn ông xấu số này đã bị giết trước khi ném xuống ao, nhưng sau vụ này cái xác chết ấy cứ đeo bám, ám ảnh anh hoài. Sự việc bắt đầu từ lúc anh mở manh chiếu phủ trên người nạn nhân, chềnh ềnh một cái xác to đùng, đứng ở góc độ nào cũng thấy hai con mắt trợn trừng nhìn anh như muốn hỏi: Ai là kẻ giết tôi? Một tuần anh bỏ cơm. Một tuần liền mất ngủ. Đêm đêm cứ nhắm mắt vào là thấy con người ấy hiện ra với hai con mắt ngầu đỏ chứa chất bao điều uất ức nhìn anh... Trong giấc ngủ chập chờn nằm bên vợ có lúc mê sảng anh hét toáng lên như có bàn tay vô hình nào đó bóp cổ mình. Vợ hỏi thì anh cứ ẫm ờ trả lời là đêm qua anh bị bóng đè ú ớ muốn kêu mà không kêu lên được.
Chuyện ấy rồi cũng qua đi. Cho đến lần anh cùng các cộng sự khám nghiệm, giải phẫu tử thi khai quật ngoài vùng mỏ có liên quan trong một vụ án mạng mới thật sự nảy sinh xung đột quyết liệt trên con đường lựa chọn nghề nghiệp của mình. Cái xác vùi dưới lòng đất đã nhiều ngày sau khi khai quật, khỏi nói về sự ô nhiễm xú uế kinh hoàng, mà còn làm mấy tay nhát gan hồn xiêu vía bạt. Mấy ông bên kiểm sát, điều tra lảng xa hết, chỉ có mình anh và người phụ giúp đắc lực xoay quanh với cái xác đã rữa ra nơi nghĩa địa ào ào gió thổi. Hôm sau trở về đơn vị, lúc ngồi vào bàn ăn tập thể, một số anh em ghê ghê có ý né mình. Tệ hại nhất là khi lộ chuyện biết chồng đi mổ xác, đêm vợ không cho chui vào màn ngủ, nói vỗ vào mặt anh: "Tưởng cao đạo đi tu nghiệp ở nước ngoài về, ngỡ canh hầu vương tướng gì té ra ông lại đi làm cái nghề mổ xác man di như thế".
Đã đôi lần anh định bỏ nghề rẽ ngang. Nhưng qua những lần đi mổ xác, từ thực tế vô cùng phong phú của cái nghề không ít người còn nhìn nó bằng những cặp mắt méo mó, anh nhận ra rằng đây là cái nghề chẳng phải chỉ có trách nhiệm với người sống, mà còn trách nhiệm với cả người chết. Một cái nghề làm phúc, góp phần đem lại sự công bằng, bình đẳng trước pháp luật cho mọi người, cả người đang tồn tại trên cõi đời hoặc đã không còn nữa. Nó như là một phép mầu nhiệm soi rọi mọi góc khuất cuộc đời; sàng lọc sự dối trá, xấu xa tội ác lẫn lộn giấu mình khỏa lấp trong cái tốt, cái thiện và đầy lòng nhân ái.
Một bác sĩ cho biết, mấy kẻ gây ra tội ác rồi tìm cách xóa các dấu vết hoặc đổ vấy cho người đã khuất sớm muộn cuối cùng cũng không thoát được. Chúng chẳng thể ngờ rằng vài giọt máu, một chút phần mô, một mảnh sọ dính dưới gầm xe, lốp xe mà truy tìm nhận diện được kẻ gây tai nạn. Ít ai ngờ rằng một tí tẹo da xước vương trong móng tay người tử nạn lại là đầu mối khơi thông một vụ án tưởng chừng đã đi vào ngõ cụt.
Nhắc đến chuyện này các bác sĩ có mặt hôm nay không ai có thể quên được vụ hạ sát bà Phạm Thị Ngọc Ánh ở Bình Thuận với 7 nhát dao đâm hết sức dã man ở ngay trong phòng ngủ của con trai bà. Khi xảy ra án mạng, ở nhà chỉ có mình bà với cô cháu gái bà cho tá túc lấy chỗ đi học nghề làm đầu. Trong lúc đấm lưng bà và nhổ tóc sâu cho bà, cô cháu phát hiện có 30 triệu đồng giấu ở dưới đế điện thoại. Lòng tham nổi lên, cô bé chưa đầy 17 tuổi này đã dùng dao đâm bà, rồi bê đồ đạc xe máy, ti vi, đầu đĩa quẳng hết ra hè để tạo ra một hiện trường giả - sau đó mới hô hoán có cướp đột nhập. Hàng xóm nhào sang ứng cứu thì tim bà Ánh đã ngừng đập. Còn cô cháu thì máu me đầy người kêu la thảm thiết cứ ôm lấy bà mà khóc. Khám nghiệm có tới 7 nhát dao đâm trên thi thể của bà nhưng không thu được hung khí, chỉ có mỗi chiếc cặp tóc con bướm nơi giường bà nằm. Nhìn cảnh tượng ấy, cảnh sát điều tra cho rằng ngoài kẻ đột nhập còn có người hiệp lực giết bà để cướp của.
Vụ án tắc sau nhiều tháng lần tìm dấu vết, ban chuyên án buông câu, gửi hết hồ sơ tài liệu ra Viện Khoa học hình sự Bộ Công an trông chờ vào sự cao tay của những bác sĩ pháp y và họ đã phát hiện có vết dấu răng nơi bờ vai nạn nhân qua các bản ảnh. Một cuộc điều tra ngược, nghi vấn có tới 6 đối tượng, trong đó có cháu gái tên Thơm và cả mẹ cô ta nữa. Họ lấy mẫu răng của 6 người, trong đó có cả mẫu răng của Thơm. Làm hàng loạt các biện pháp kỹ thuật, nghiệp vụ tạo mẫu răng, thực nghiệm vết cắn trên mẫu vật gần giống da người. Chụp ảnh, so sánh với dấu răng trên bờ vai nạn nhân, tìm yếu tố trùng khớp... và kết luận rằng dấu răng cắn bà Phạm Thị Ngọc Ánh trùng hợp với dấu răng thực nghiệm. Không ai khác đó chính là dấu răng của cô Thơm cháu gái bà. Viện Kiểm sát sau 2 ngày đọc mấy dòng kết luận ấy mới hạ bút phê chuẩn bắt giam cô cháu mà bà Ánh thương tình cho đến tá túc. Một vết răng trên bờ vai người chết đã cất tiếng nói.
Sống giữa một quận nội đô thành phố đến bữa cơm trưa vẫn mỗi người một cặp lồng cơm xếp đầy trên bàn như thời bao cấp tem phiếu, sổ gạo. Một bác sĩ mới về đầu quân ở đơn vị tủm tỉm cười, nói thật hồn nhiên: "Cơ quan không có bếp ăn tập thể, ra cơm bụi thích gì ăn nấy, vừa hợp khẩu vị vừa đỡ cháy túi!". Ai đó ngồi trong góc phòng chẳng nhìn rõ mặt ném ra một câu bâng quơ nghe sao mà tê tái lòng: "Mọi thứ chi tiêu trần xì trông vào đồng lương. Mỗi ca mổ tử thi sau 48 tiếng đồng hồ, bồi dưỡng 100.000 đồng... tiền đâu mà ăn cơm tiệm. Đơn vị đã mấy lần mời bên tài vụ đi thực tế một chuyến với anh em pháp y để thấy mổ xác nó nhọc nhằn, độc hại về tinh thần thể chất... thế nào mà điều chỉnh chính sách cho hợp lý... nhưng chẳng có ai chịu đi. Có vị nói toạc móng heo: Đi xem mổ xác để về tịt đẻ à. Ghê ghê bỏ mẹ...".
Chỉ còn ít phút nữa là đến giờ mỗi người ngồi vào bàn mở nắp ăng-gô thì chuông điện thoại kêu ráo riết. Giọng ai ở đầu dây gọi tới nghe ồm ồm: "PC21 Hà Tây cấp báo có một xác phụ nữ chết ở Suối Hai, Ba Vì chưa rõ nguyên nhân. Xin viện cho người giám định. 30 phút nữa có ô tô đón tại cổng cơ quan".
Một cuộc hội ý chớp nhoáng, bác sĩ Hải được lệnh đi làm ca này. Nhẹ nhàng lắm, anh đã sẵn sàng một va li xách tay đồ nghề chuẩn bị lên đường...; thanh thản kéo ghế ngồi vào bàn ăn quấy quá suất cơm bụi vừa mua trong lúc chờ xe đến.
Dường như cái nghề mổ xác này nó đã tạo cho họ một thói quen tự giác hành xử mỗi khi việc đến, lặng lẽ suy tư, tự tin, ngay thẳng và chịu trách nhiệm đến cùng trước công việc mình làm đã thành nếp sống, thói quen hằng ngày. Bản lĩnh và phẩm chất nghề nghiệp của họ đã giải thoát cho không ít số phận bị oan trái; đã nhận diện lôi ra trước thanh thiên bạch nhật diện mạo những kẻ gây tội ác tìm cách thoát tội, giũ tội hoặc đổ vấy cho người đã chết. Nhớ hôm ở TP HCM, thiên hạ cứ nháo lên về chuyện ông phó tổng giám đốc Công ty Xây dựng bị cô thư ký xinh đẹp đầu độc chết ngay tại bục diễn đàn khi ông đang lớn tiếng lên án gay gắt tệ tham ô tham nhũng... Vợ ông, một tiến sĩ hóa học đã đâm đơn tố cáo cô thư ký văn phòng là thủ phạm gây ra cái chết cho chồng mình bằng cách bỏ thuốc độc vào ly chanh đá. Bằng chứng là ông vừa cầm ly nước đưa lên miệng uống thì té xỉu, chết ngay trước mắt mọi người đang hội họp, mà không kịp đưa đi cấp cứu. Bà ta quả quyết cô thư ký đầu độc giết chồng bà để bịt đầu mối một vụ tham ô lớn...
Đụng chạm đến một quan chức như thế với cái chết không bình thường và có nhiều nghi vấn gây xôn xao dư luận, làm ảnh hưởng trực tiếp đến danh dự, nhân phẩm, sinh mạng một con người. Các bác sĩ pháp y hình sự được lệnh không thể chậm trễ đứng ngoài cuộc. Giải phẫu tử thi làm tất cả những gì có thể làm nhằm truy tìm nguyên nhân cái chết, nhưng không thể có kết luận nào khác, ông Phó tổng giám đốc tử vong là do đứt mạch máu não; khẳng định không có độc chất trong cơ thể, càng không phải là một vụ đầu độc...
Nghe tin này, cô thư ký văn phòng xinh đẹp mừng quá đã bật khóc vì sung sướng, vì cảm động, vì nặng lòng mang ơn những người mổ xác, mà cô và những người thân yêu của cô tôn vinh gọi họ là những Bao Công mặc áo choàng trắng.
Theo Sức Khỏe và Đời Sống, nhờ có họ mà không ít người thoát khỏi vòng kiện tụng, oan khiên, tù tội. Không có họ thì một bác sĩ ở Bệnh viện Hòa Bình đã bị treo dao, danh dự nghề nghiệp chẳng còn chỉ bởi lương tâm thầy thuốc cố cứu sống một thanh niên bị kẻ côn đồ đánh vỡ thận khi đưa vào cấp cứu. Nhưng cắt bỏ quả thận dập nát nạn nhân vẫn tử vong vì kẻ xấu số này bẩm sinh chỉ có một thận, ông bác sĩ bị mẹ nạn nhân kiện, cho rằng vì cắt bỏ quả thận nên đã gây ra cái chết cho con bà. Người ta đòi truy tố ông ra tòa, đòi bồi thường, đòi sa thải ông làm ầm ĩ dư luận, gây sốc cho những thầy thuốc có lương tâm và trách nhiệm.
Mới đây thôi, giá không có họ thì một ông bố mất hết tính người ở xã Đại Đồng, Tứ Kỳ, Hải Dương giết con gái mới 5 tháng tuổi đã thoát tội rồi. Thật không thể hiểu nổi chỉ vì con khóc làm mất giấc ngủ đêm, mà Phạm Văn Út đã dùng khăn ấn vào mồm con, lấy tã trói hai chân con lại... mặc dù vợ van xin hắn vẫn không tha mà còn bóp mũi bẹo má con. Khi biết con chết, Phạm Văn Út đe vợ phải nói là con chết do uống thuốc quá liều.
Tử thi cháu bé đã được khai quật để tìm ra nguyên nhân cái chết. "Không có độc chất trong phủ tạng. Cháu Phạm Thùy Dương chết ngạt do bít tắc đường hô hấp". Nghe mấy lời vắn gọn rành rọt ấy của những Bao Công mặc áo choàng trắng, kẻ giết người giàn giụa nước mắt ân hận gục đầu nhận tội thì đã muộn màng...
Những bác sĩ pháp y là lực lượng không thể thiếu và quá cần cho nhu cầu xã hội trước cuộc sống con người ngày càng đòi hỏi, khát khao một sự công bằng, bình đẳng trước pháp luật, minh bạch giữa cái đúng và sai, giữa cái thật và giả, giữa cái thiện và ác.