9h15, tiếng chuông hết tiết học vang lên. Chị Phan Oanh mặc quần áo vào, đi xuống sân Đại học Mỹ thuật TP HCM, ngồi ghế đá nói chuyện với chị Lan, chị Hằng, những người mẫu nữ khác của trường. Các chị đều đã nhiều năm làm mẫu ở trường. Cứ sau một tiết (45 phút) làm mẫu, các chị lại được nghỉ 15 phút. Hôm nay, chị Oanh “ngồi mẫu” tại lớp Đồ họa để các sinh viên năm 3 của lớp này thực hiện bài học nghiên cứu, vẽ mẫu nữ.
Các sinh viên ĐH Mỹ thuật trong một bài vẽ mẫu. |
Ở trường, một bài học vẽ như vậy thường kéo dài trong khoảng từ 2 tuần đến 1 tháng, và người mẫu sẽ phải “ngồi” theo đúng tư thế định sẵn của bài học đó mỗi buổi sáng 4 tiết, cho đến khi các sinh viên trong lớp đều thực hiện xong bài học của họ. “Công việc cũng chẳng có gì vất vả, nhưng không phải ai cũng chịu đựng được.
Gọi là “ngồi mẫu” nhưng cũng có khi phải đứng, nằm… Hầu như trong các bài vẽ của các em sinh viên, chúng tôi đều phải thực hiện những động tác khó, lại phải giữ nguyên một tư thế đó mãi nên cũng hơi mỏi. Thực tế, có rất nhiều người làm mẫu được 1-2 buổi thì chịu không nổi, phải bỏ luôn”, chị Oanh nói.
Đối với những người mẫu vẽ chuyên nghiệp như chị Oanh, họ luôn sẵn sàng làm mẫu cho sinh viên thực hiện các bài nghiên cứu của mình. Tất nhiên, ban đầu thì ngay cả những người mẫu nam cũng ngại!
Lâm, một người mẫu nam đã 7 năm trong nghề, tâm sự: “Lần đầu tiên vào nghề, tôi làm mẫu mặc quần tắm tại một lớp luyện thi. Lúc đó tôi mới 20 tuổi. Lớp luyện thi thì rất đông học sinh, trong đó cũng có rất nhiều bạn nữ. Cũng cảm thấy hơi kỳ! Nhưng dần dà, từ những lần làm mẫu của mình, các em vẽ cũng ngày một đẹp hơn, cũng thấy vui vui. Ở nhà, tôi có rất nhiều bức tranh vẽ chính tôi, do các em tặng”.
Tại các trường có người mẫu vẽ, sinh viên phải tôn trọng người mẫu, cấm sinh viên tỏ ra bất cứ thái độ khiếm nhã nào đối với người mẫu. Quy định này luôn được chấp hành triệt để. Theo thầy Lê Tuyên, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Mỹ thuật (phòng quản lý công việc của các người mẫu trong trường), trước nay trường chưa có một trường hợp nào bị người mẫu phản ánh về việc này.
Sinh viên thực hiện nghiêm túc công việc học tập, nghiên cứu của mình. Đối với sinh viên, những người mẫu giúp họ nghiên cứu bài vẽ trên cơ sở khoa học về cấu trúc cơ thể con người, chuyện những người mẫu mặc quần áo, mặc đồ tắm hay thậm chí không mặc quần áo cũng… không quan trọng!
Để có những tác phẩm mỹ thuật đẹp như thế này, không thể thiếu người mẫu. |
Ngay từ lúc thi vào trường, các thí sinh của ĐH Mỹ thuật đã phải trải qua 3 ngày thi vẽ với người mẫu nam mặc quần tắm. Vào trường lại càng phải nghiên cứu nhiều hơn. Sinh viên vẽ mẫu già, mẫu trẻ, mẫu nam, mẫu nữ, mẫu mặc quần áo, mẫu khỏa thân, mẫu đôi…, vẽ mẫu gì thì cũng là bài học.
Họ nhìn bằng con mắt của người học vẽ, quan sát theo những hình khối, xem xét cách phối màu đậm nhạt thế nào cho phù hợp… Quan điểm của các sinh viên tạo cảm giác tin tưởng cho những người mẫu, nên làm việc một thời gian, các người mẫu có thể xác định ngồi mẫu là một nghề cũng rất đáng yêu!
Các nam sinh viên ĐH Mỹ thuật có một “lễ ra mắt đàn em” được thực hiện từ tháng 7 hàng năm, khi những sinh viên tương lai đang là thí sinh. Hầu hết người mẫu cho các thí sinh thi vẽ đều là sinh viên của trường. Đó vừa là thời điểm để sinh viên chào đón đàn em, vừa là lúc để họ hiểu hết cái vất vả của người làm mẫu.
Phương, một sinh viên ĐH Mỹ thuật, cho Sài Gòn Giải Phóng biết: “Làm mẫu cũng cực lắm, có nhiều người đứng không quen, té ngay tại phòng thi. Nhưng giữa buổi thi mà té xuống cũng phải ráng đứng lên cho các em có mẫu, vẽ tiếp. Trường hợp cần thiết thì phải thay mẫu ngay”.
9h30, tiếng chuông vào lớp lại vang lên. Chị Oanh vắt chiếc áo khoác jeans lên cánh tay, quay đầu lại, nói: “4 năm làm người mẫu, tôi cũng đã có rất nhiều gắn bó với trường, lớp, với nghề nghiệp. Làm nghề này, chúng tôi phải giấu cả người thân, bạn bè về công việc của mình, cũng khổ tâm lắm. Người ta yêu những bức tranh, bức tượng đẹp, nhưng lại kỳ thị người mẫu! Quả thật, không yêu thì đã bỏ nghề rồi”.
ĐH Mỹ thuật là trường sử dụng nhiều người mẫu nhất, nhưng hiện nay các ĐH Kiến trúc, Hùng Vương hay Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật… cũng đều phải sử dụng người mẫu cho sinh viên một số khoa chuyên ngành thực hiện các bài nghiên cứu. Thầy Lê Tuyên, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Mỹ thuật, cho biết: “Trường hiện có 7 người mẫu dài hạn, là những người hưởng lương, có chế độ phụ cấp… như các cán bộ nhân viên khác của trường.
Những người này cho dù ngồi mẫu bao nhiêu giờ cũng được một khoản lương cố định. Ngoài ra, do yêu cầu công việc, chúng tôi thường xuyên mời thêm khoảng hơn 20 người mẫu khác, làm việc theo giờ, thuê giờ nào, trả tiền giờ đó. Hiện nay tại TP HCM chỉ có ĐH Mỹ thuật là có những người mẫu dài hạn, còn các trường khác đều chỉ thuê người mẫu theo giờ”.
Thù lao trả cho người mẫu vẽ tại các trường đại học, cao đẳng trong TP HCM hiện nay, theo các người mẫu vẽ, có thể coi là như nhau. Tuy nhiên, tùy theo tính chất làm mẫu mà thù lao được trả khác nhau. Mẫu ngồi, mẫu đứng, mẫu nằm, mặc đầy đủ quần áo, mặc một mảnh, hai mảnh, khỏa thân…Tùy theo trường, mức giá trả cho mỗi người mẫu có sự khác biệt, nhưng theo các người mẫu, thì ở những trường trả cao, họ quy định giờ giấc đối với người mẫu rất khắt khe, nên chung quy lại cũng thế!
Một buổi làm mẫu, người mẫu nhận được chưa đến 60.000 đồng! Đã vậy, những người mẫu làm việc theo giờ cũng không được hưởng bất cứ một khoản trợ cấp xã hội nào, không có lương hưu, hè và Tết, sinh viên nghỉ học là “hơi bị” thất thu. Nhìn chung, thu nhập của họ chưa đến 1 triệu đồng/tháng! Nói đến thu nhập của những người mẫu vẽ, một số cán bộ quản lý của ĐH Mỹ thuật trầm ngâm: “Hầu như tất cả các người mẫu làm việc theo giờ đều muốn được trở thành người mẫu dài hạn của trường, nhưng biên chế của trường có hạn, chúng tôi chưa thể tuyển thêm biên chế cho những người mẫu”.
Bỏ lại sau lưng những nỗi lo toan nghề nghiệp, chị Oanh dắt xe ra cổng. Bây giờ là lúc để người phụ nữ ấy về chăm sóc cho gia đình. Các họa sĩ vẫn cho rằng con người là nguồn đề tài, nguồn đối tượng thẩm mỹ luôn khơi gợi cảm xúc và năng lực sáng tạo nghệ thuật, nên những người mẫu như chị Oanh là không thể thiếu.