- Khi trở thành ngôi sao, nhiều ca sĩ thường không muốn nhắc đến thuở hàn vi của mình, còn anh thì ngược lại. Anh có thể nói một chút về điều này?
- Tôi quan niệm như nhiều người, "nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục thì tương lai sẽ bắn vào anh bằng đại bác". Nhắc nhiều đến quá khứ, đến thuở hàn vi vì tôi tự hào về nó. Đó chính là động lực để tôi phấn đấu. Trước khi trở thành một Quang Dũng nổi tiếng, tôi nhớ mình chỉ là một thằng Thái Văn Dũng làm nghề kéo lụa, số tiền lương còm cõi chỉ đủ đắp đổi qua ngày.
Hồi ấy nhà tôi rất nghèo, bố mẹ lại đông con nên chẳng ai được học hành đến nơi đến chốn cả. Tôi mới phải khăn gói vào Sài Gòn, hy vọng sẽ thay đổi được hoàn cảnh gia đình, bớt đi những khó khăn. Tôi đi hát khắp nơi, giá nào cũng nhận. Có lần đang hát cho một đám cưới, nhìn thấy mọi người đang vui vẻ với nhau, tôi chạnh lòng và tự nhủ: "Đến bao giờ mình mới được như thế?". Đêm nào tôi cũng ngủ không được, cứ nghĩ đến chuyện nhà mình là tôi khóc. Tôi tự đặt cho mình mục tiêu: phải kiếm thật nhiều tiền.
- Vậy từ lúc "đổi đời" đến giờ, anh đã trang trải cuộc sống gia đình của mình như thế nào với thu nhập của một ngôi sao?
- Xin lỗi, tôi không thể trả lời câu hỏi này được. Vì tôi không muốn những người thân của mình có cảm giác như họ là người được ban ơn, còn tôi là kẻ ban ơn. Những gì mà tôi đã làm, chẳng cần phải tuyên bố này nọ, chỉ cần gia đình tôi hiểu là được. Hiện tại, tôi sống cùng hai người em và một chị gái.
![]() |
Ca sĩ Quang Dũng. |
- Nhưng nhiều người vẫn hay gán cho anh cái danh hiệu "Ca sĩ ki bo nhất", anh nghĩ sao?
- (Cười lớn) Thú thật, tôi rất bất ngờ khi biết được tin này. Tôi rất hiểu giá trị sức lao động nên tôi rất quý những gì mình làm ra. Bằng sự hiểu biết của mình, tôi luôn tự nhủ phải biết chi tiêu hợp lý, không quá háo thắng cũng không quá tiết kiệm.
- Nổi tiếng, liên tục xuất hiện trên các phương tiện truyền thông, chưa kể đến khoản thu nhập cao ngất ngưởng. Đó là bề ngoài hào nhoáng của nghề ca sĩ, còn thực chất thì sao?
- Tôi không phủ nhận khi nhìn vào nghề ca sĩ, ai cũng thấy nó thật hào nhoáng và bóng bẩy. Thế nhưng, khi đã chọn nghề hát làm nghiệp thì khi ấy mới thấm thía được sự gai góc và tàn nhẫn của nó. Khi xuất hiện trên sân khấu, mọi người thấy chúng tôi cười tươi và vui vẻ, thậm chí chúng tôi còn nghĩ ra đủ trăm phương nghìn cách để làm hài lòng khán giả - những người đã bỏ tiền mua vé xem chúng tôi diễn. Tuyệt nhiên chẳng một ai hiểu được khi ấy bên trong con người thật của chúng tôi mệt mỏi đến nhường nào, kể cả vắt kiệt sức lực của chính mình chỉ để làm tròn bổn phận là người của công chúng.
Sức khỏe của tôi vốn không tốt mấy, cứ thường xuyên bị viêm phổi, tắt tiếng và nói không ra lời. Nhưng lúc như vậy, tôi thèm khát được có phút giây nghỉ ngơi dưỡng sức, nhưng tôi đã không thể. Phòng trà, quán bar đã căng băng rôn, còn khán giả cũng đã bỏ tiền mua vé rồi, cho nên bắt buộc tôi phải diễn. Nếu hủy show thì mọi thứ sẽ rắc rối to. Chưa kể là bản thân tôi còn phải hứng chịu hàng tấn tin đồn sai sự thật về mình nữa. Khi ấy, tôi phải đi chích thuốc trợ sức, tối thiểu là hai mũi. Chích riết rồi trở nên quen mặt với bác sĩ luôn. (cười buồn)
- Chuyện gì sẽ xảy ra nếu chẳng may anh bị sốc thuốc?
- Đấy là điều duy nhất đến tận thời điểm này tôi chẳng bao giờ nghĩ đến. Chính xác hơn là tôi không dám nghĩ đến nó mặc dù thừa biết sẽ rất nguy hiểm nếu cứ tiếp tục lạm dụng thuốc trợ sức kiểu như thế. Nghề này là vậy, chẳng thể nào làm khác được.
- Thuộc thế hệ 8X, được đào tạo và sở hữu một giọng hát nhiều cảm xúc, Đức Tuấn đang được xem là gương mặt sáng giá của dòng nhạc trữ tình. Điều này có khiến anh phải dè chừng?
- Khi so sánh, người ta thường chọn những người cùng độ tuổi, cùng đẳng cấp với nhau. Trong khi đó, Tuấn lại nhỏ tuổi hơn tôi, và sự trải nghiệm trong nghề lại ít hơn tôi. Mặc dù bản thân tôi và Đức Tuấn cùng đi trên cùng một dòng nhạc nhưng mỗi người lại có cách thể hiện khác nhau. Vì vậy chẳng bao giờ tôi xem Đức Tuấn là đối thủ của mình hoặc phải dè chừng Tuấn cả.
Tôi đã gặp phải tình huống tương tự như thế này khi quyết định tham gia liveshow Tuấn Ngọc. Nhiều người cho rằng, tôi muốn nhân cơ hội này để đối đầu và hạ bệ Tuấn Ngọc. Thậm chí có người còn chấp nhận bỏ tiền ra để đến liveshow, không phải để xem chương trình mà chỉ muốn chứng kiến tận mắt "cuộc đối đầu" giữa tôi với Tuấn Ngọc.
Tôi nghĩ, có lẽ là do mọi người đã nhạy cảm quá thôi. Trong nghệ thuật không phải cứ người này lên thì bảo rằng người kia xuống hoặc ngôi sao này cố tình hạ bệ ngôi sao khác. Cùng một bài hát sẽ có người này hát hợp, người kia thì không. Đây là điều rất đỗi bình thường trong âm nhạc. Tốt nhất, hãy để tự bản thân khán giả cảm nhận và đánh giá. Chẳng bao giờ tôi lại nặng nề với chính mình vì những chuyện không đâu.
- Có lần anh từng lên tiếng thừa nhận mình bị ảnh hưởng nhiều từ Tuấn Ngọc về phong cách diễn lẫn thủ thuật xử lý bài hát. Như vậy, trong liveshow đó, anh hát với tư cách ca sĩ thông thường hay là fan của Tuấn Ngọc?
- Đầu tiên là chuyện lên tiếng thừa nhận mình bị ảnh hưởng nặng từ Tuấn Ngọc về phong cách diễn, thủ thuật xử lý bài hát, tôi chưa bao giờ làm như thế cả. Lý do duy nhất khiến tôi nhận lời hát trong liveshow là vì muốn có một kỷ niệm đẹp giữa hai anh em mà thôi.
Tôi rất quý anh Ngọc, nhưng điều này không có nghĩa rằng tôi là fan của ca sĩ Tuấn Ngọc. Cho nên, trong liveshow vừa rồi, tôi đã xuất hiện và hát trong tư cách vừa là đồng nghiệp vừa là đàn em của anh.
- Nghe album mới nhất của anh "Yêu", hầu hết khán giả đều có cảm giác "Yêu" chỉ là sự lặp lại của những cái cũ, thiếu đi yếu tố mới lạ, ngoại trừ mỗi bìa đĩa được anh o bế rất kỹ càng?
- Tôi lại không nghĩ như vậy. Mỗi album là mỗi phong cách khác nhau, là sự thử nghiệm mới của tôi. Như album Nguyệt được làm theo dạng world music, còn Em lại thiên về sự lãng mạn với những bản tình ca ngọt ngào. Yêu thì khác, Yêu là sự đan xen nhau giữa hai phong cách nhạc hoàn toàn khác, dòng nhạc Trịnh và Diệu Hương. Nhạc Trịnh thì giản dị, nhẹ nhàng và thanh thoát, còn Diệu Hương lại là sự day dứt, tiếc nuối.
Có thể mọi người sẽ cảm thấy nhàm chán khi tôi lại từ chối phá cách nhạc Trịnh sang một hướng khác hẳn, giống như nhiều ca sĩ vẫn thường làm. Đối với tôi, nhạc Trịnh là khuôn mẫu, là mực thước cho nên điều quan trọng khi hát là tôi phải giữ nguyên cái mộc mạc và gần gũi của dòng nhạc này để gửi đến khán giả. Tuy nhiên, nếu nghe kỹ thì hẳn khán giả sẽ dễ dàng nhận ra, tôi luôn làm mới nhạc Trịnh bằng những bản hòa âm phối khí được thực hiện rất công phu và hoàn hảo.
(Theo Sinh Viên Việt Nam)