Trò chuyện với “Tây”
Nhà của Thanh Nga (ĐH Hoa Sen) mở dịch vụ cho thuê phòng trọ ngắn hạn, thu hút rất nhiều du khách nước ngoài tới thuê. Sẵn có vốn ngoại ngữ tương đối khá, Nga thường sang trò chuyện với họ.
Lần nọ, có một cặp Việt kiều hỏi bạn có thể làm oshin cho họ không. Lúc đó đang mùa hè, lại cũng muốn kiếm ít tiền tiêu xài, Nga gật đầu ngay. Ngày hôm sau, khi Nga đã sẵn sàng vào vai oshin, thì hoá ra họ cần... người trò chuyện, đưa họ đi tham quan khắp Sài Gòn, kể cho họ nghe về văn hóa, phong tục, chuyện chợ búa, bếp núc, chuyện gia đình xã hội, con người Việt Nam...
“Những ngày đầu, mình dẫn họ đi những nơi mình biết. Nhưng qua vài tuần thì trước khi dẫn họ đến tham quan một nơi nào đó, mình phải tìm hiểu trước qua sách vở và cả Internet… Lỡ họ hỏi mà không biết thì ngại lắm!”, Nga kể.
Sau ba tháng hè làm “oshin cho Tây”, kỹ năng ngoại ngữ, khả năng giao tiếp của Nga tăng lên thấy rõ, chưa kể bạn còn rành rẽ Sài Gòn xưa - nay.
Người mẫu spa
“Có muốn mỗi ngày vừa được ngồi máy lạnh, vừa được làm đẹp lại còn có tiền không?”, một gợi ý quá tuyệt từ cô bạn cùng lớp, thế là, Phương Thanh (trường Minh Khai, TP HCM) bắt đầu công việc “ngồi làm kiểng”. Mỗi ngày, Thanh ngồi từ 9h sáng đến 19h tại một thẩm mỹ viện ở Quận 3, TP HCM miệt mài làm người mẫu cho học viên trang điểm. Tiền công mỗi ngày của bạn là 50.000 và một hộp cơm trưa.
Ai nghe qua cũng nghĩ đây là một công việc đơn giản nhưng thực ra thì… Phương Thanh cho biết: “Thời tiết mùa hè thì nóng nực mà ngày nào cũng bị quá nhiều mỹ phẩm “bôi, trét” lên mặt. Thế là, chỉ khoảng một tuần ngồi mẫu, “cơm tấm” xuất hiện trên mặt mình quá trời. Thế là bà chủ ở đây cho mình tạm ngưng nghề. Mình phải ở nhà dưỡng nhan sắc đến khi hết “cơm tấm” mới trở lại làm. Từ đó mình rút kinh nghiệm, phải vệ sinh da thật kỹ sau một ngày làm người mẫu”.
Còn Hoa Hạ tiết lộ vì sao bạn kiếm được công việc “người mẫu ngồi”: Trong một lần ghé qua Nhà văn hoá Phụ nữ, thấy có lớp trang điểm tại hội trường, mình định vô học “trộm” nghề, ai dè được mời vô làm người mẫu cho họ trang điểm. Được làm đẹp “free” thế là mình chịu ngay. Sau lần đó, họ hỏi mình có muốn làm người mẫu cho họ không, vậy là mình bắt đầu công việc “ngồi làm kiểng” từ đó.
Công việc này đòi hỏi phải có làn da đẹp, lại khá tốn thời gian để “ngồi” mà mình thì còn đi học nên chỉ có thể làm vào mùa hè thôi. Công việc này có thể tìm thấy ở các beautiful salon, những tiệm spa, hoặc những trung tâm có lớp dạy trang điểm. Mình thì thường kiếm ở các beautiful salon hay những tiệm spa vì có thể được ngồi “máy lạnh” và thử mỹ phẩm “xịn”.
Phục vụ tiệc cưới
Quang Minh (trường Phú Nhuận) khoe: “Nghề này tương đối dễ kiếm lại không đòi hỏi khả năng ngoại ngữ, chỉ cần có ngoại hình tương đối khá là được, mỗi ca mình chỉ làm 4 tiếng/ngày là có ngay 40.000-50.000 tùy từng nơi. Ở các khách sạn lớn như Sheraton, New World, Sinh đôi, Rex... thì lương khá hơn.
Nơi đầu tiên mình làm là New World, do một ông anh giới thiệu. Đây là một nhà hàng lớn nên yêu cầu rất khắt khe. Tuy chỉ là công việc thời vụ nhưng để được làm nhân viên phục vụ nơi đây, mình phải trải qua hai tuần học lý thuyết, thực tập bưng bê món ăn, cách đi đứng...
Làm công việc này tuy cứ phải đi tới đi lui suốt nhưng thú vị, mình vừa có thể kiếm tiền lại còn được học qua một khoá phục vụ miễn phí nữa”.
Bán hàng ăn thời @
Với một chiếc di dộng giắt túi, một chiếc xế tàng tàng không cần đẹp mã làm phương tiện đi lại, nick luôn để chế độ online, đó chính là chân dung của Tú Uyên, SV trường Hoa Sen, mỗi khi hè đến.
Nấu ăn khéo, thế là mỗi ngày Uyên kinh doanh một món ăn độc đáo như cháo thập cẩm, bánh xèo tứ gia… Mỗi ngày, Uyên online suốt, treo status quảng cáo món ăn. Những người bạn trong friendlists của Uyên chỉ cần nhấn “send” cho Uyên là khoảng 30 phút sau được... ăn ngay.
Kinh doanh như vậy Uyên có bị lỗ chi phí giao hàng không? Bạn bật mí: “Khách hàng của mình đa số là bạn bè trong lớp và hàng xóm. Mình làm gì có “xế @” để đi, toàn đi “xế điếc”, lắm lúc đạp xe đi giao hàng cực quá trời, nhưng được cái vui vì bạn bè ăn xong đều khen tới tấp”.
Uyên còn hay buôn đồ làm điệu nữa. Bạn thường ghé các chợ đầu mối để mua những thứ làm điệu cho tuổi tím như băng đô, đồ kẹp tóc, túi xách… Mua về, bạn “tút” lại chúng bằng vài chiếc huy hiệu hoặc những tấm hình dán nghịch nghịch. Quy trình buôn bán trên mạng lại được lặp lại.
Uyên khoe: “Buôn cái này “lời” nhiều hơn, nhưng lắm lúc mua nhằm vài món không hợp “mốt”, phải “ngậm hàng” khá lâu, có khi đành lấy xài luôn”.
(Theo Mực Tím)