Uống một hơi hết nửa cốc chanh đường cho lại sức sau khi cho máu, Tuấn cho biết đây là một "nghề" mới của cậu. Với tấm thẻ sinh viên và chứng minh nhân dân trong tay, Tuấn đã cho máu ở hầu hết các "cửa" (các điểm cho máu, theo cách gọi của dân cho máu chuyên nghiệp). Mỗi tháng tối thiểu cậu cho tại 4 "cửa". Sau một lần cho máu, mỗi người sẽ được nhận khoản tiền bồi dưỡng là 150.000 đồng. Như vậy là đã có thể kiếm được 600.000 đồng mỗi tháng. Cứ nghĩ rằng chẳng mấy ai biết cái "nghề" này, nhưng khi theo Tuấn đến một vài địa điểm tiếp nhận máu khác PV Thanh Niên mới thấy mình lầm. Rất đông sinh viên đang "cho" máu để kiếm tiền. Phú, sinh viên ĐH Xây dựng Hà Nội, "đồng nghiệp" của Tuấn, thì quan niệm đây là cái nghề bán "vốn tự có". Cũng đúng thôi bởi máu vốn là của bản thân mình, có phải mất tiền mua đâu. Khi thấy tôi có vẻ băn khoăn về vấn đề sức khỏe thì Phú nhăn mặt: "Lo gì! Vài viên thuốc là ổn ngay thôi mà. Trước mỗi lần cho máu thì uống cốc nước chanh thật to cho máu loãng ra, cho máu xong thì uống vài viên thuốc sắt liều cao là da dẻ lại hồng hào ngay. Ban đầu cũng có chóng mặt đôi chút nhưng sau thì quen dần". Thì ra nghề nào cũng đều có mánh khóe của nó cả. Theo quy định của ngành y tế, khoảng cách giữa hai lần cho máu của một người tối thiểu phải 2 tháng rưỡi. Vậy mà trên thực tế, các bạn sinh viên này đã cho máu đến 4 lần trong một tháng, lần này cách lần khác chỉ một tuần, thậm chí có khi chỉ cách nhau 3-4 ngày. Để đối phó với sự kiểm tra của nhân viên y tế thì đã có thuốc sắt và các loại vitamin khác nhau. Các loại thuốc này có tác dụng nâng cao huyết sắc tố trong máu, chỉ tiêu mà các nhân viên y tế quan tâm. Các nhân viên y tế khó mà phát hiện ra những trường hợp vi phạm quy định này vì chỉ tiêu huyết sắc tố vẫn đủ, thậm chí còn thừa (do uống thuốc), thời gian vẫn đảm bảo vì các bạn cho ở nhiều nơi khác nhau. Vấn đề đặt ra ở đây là sức khỏe của sinh viên. Vì nhiều lý do mà nhiều bạn đã thực hiện nó một cách thường xuyên. Thực tế cũng đã có một số người ngất ngay tại nơi cho máu hay có cảm giác chóng mặt. Hậu quả trước mắt là sự mệt mỏi kéo dài dẫn đến không thể tiếp thu bài vở. Về lâu dài, nó ảnh hưởng lớn đến sức khỏe vì cơ thể luôn trong tình trạng thiếu máu. Một thực tế đáng lo ngại nữa là do thiếu nhận thức về mức độ nguy hiểm của việc làm này nên nhiều bạn vẫn quan niệm đây là một "nghề" và tự cho mình cái quyền đi "truyền nghề" cho người khác... Mỗi khi có đứa bạn nào kinh tế khó khăn tìm đến Phú là cậu ta không những "truyền nghề" mà còn truyền cả kinh nghiệm: làm thế nào để qua mắt nhân viên y tế, làm thế nào để máu của mình loãng ra, làm thế nào để trong một thời gian ngắn cho máu được ở nhiều nơi mà không bị phát hiện... Phú kết luận: "Phòng mình có 4 thằng thì 3 thằng làm "nghề" này. Nhàn lắm!". |