![]() |
Anh Két trong phòng liệm sau khi thay quần áo cho người chết. |
Trong số ít những nghề phải tiếp xúc với xác người (như pháp y, vớt xác, trang điểm xác…) thì coi nhà xác là nghề “sát” với tử thần ở tần suất cao nhất.
Men theo dải hành lang hun hút dài trong Bệnh viện Nhi đồng I (TP HCM), PV Thanh Niên tìm tới nhà đại thể nhỏ bé ở cuối khuôn viên, cạnh cổng sau bệnh viện. Một không gian sạch sẽ, vắng vẻ và... mát lạ thường. Người trực nhà xác kéo mạnh cánh cửa sắt; căn phòng màu trắng toát hiện ra. Mở tiếp hai lần cửa nhôm, tôi được dẫn vào phòng lạnh. Người trực nhà xác tên Hùng "giới thiệu": "Hôm nay có hai cháu, một cháu quê Bình Dương mới sinh 1 ngày thì mất; một cháu quê Hóc Môn được 41 ngày. Cả hai gia đình đã chuyển đi. Còn lại một cháu bị bỏ rơi, ướp 3 ngày nay chưa ai nhận".
Trong tiếng máy chạy xè xè của tủ ướp, anh Hùng mở cánh cửa thép. Khói lạnh phun ra... Ở trong hộc, hài nhi bị bỏ rơi được quấn khăn trắng toát, nằm gọn gàng. Hài nhi là một bé trai. Anh Hùng phân bua: "Tôi không sợ ma đâu!". Anh kể, mỗi lần trực nhà xác, trên các khoa có ca nào "đai" (chết) là điện thoại xuống, anh phải lên tận nơi nhận về. Với các ca dưới 2 tuổi, anh... bế xác mang xuống. Với ca 3-4 tuổi, anh dùng băng ca nhỏ để đẩy, với ca trên 5 tuổi, phải dùng băng ca lớn. Anh kể: "Nhỏ gọn thì... bế cho lẹ, đi lại dễ dàng!".
Giở cuốn sổ ghi nhận tử vong, anh Hùng cho biết: Trong tháng 7, nhà xác tiếp nhận 58 ca, 51 ca chuyển ngay (gia đình nhận xác nhập quan luôn), 4 ca phải ướp trong phòng lạnh dài ngày, 2 ca bị bỏ rơi, 1 ca tiếp nhận từ cô nhi viện. 4 trong 58 ca này thuộc loại B... Anh nói: "B... là ký hiệu dành riêng trong bệnh viện chỉ những ca nhiễm HIV. Chúng tôi dùng ký hiệu này để tránh tai tiếng cho bệnh nhân và người nhà".
Nhà tang lễ Nguyễn Tri Phương nằm sát mặt đường An Bình thuộc khuôn viên một ngôi chùa lớn có từ xưa. Đây là nhà tang lễ điển hình ở TP HCM. Tại đây có một phòng lạnh (thể tích trên 22 mét khối với 12 hộc, mỗi hộc chứa được 2 xác); 5 phòng liệm xác, 13 phòng quàn. Tại phòng lạnh, nhiệt độ luôn được giữ dưới mức 0 độ C. Với xác bình thường, không được ở quá 10 ngày; xác do tai nạn giao thông, chỉ được ướp một tuần; riêng với xác nhiễm HIV, phải ướp và liệm luôn trong ngày. Tại nhà tang lễ này, tuyệt đối không được cúng bái mê tín dị đoan, không được ca nhạc ma Tây, Tàu.
![]() |
Nhân viên nhà xác Nguyễn Tri Phương chuẩn bị tẩm liệm thi hài. |
Khoảng 9h sáng 31/7, thi hài bà Thủy (ngụ quận 1) bị mất do xuất huyết não được chuyển đến từ Bệnh viện 115. Theo yêu cầu của người nhà, xác được ướp lại đến hôm sau mới "được giờ" tẩm liệm. 9h sáng 1/8, tổ trưởng nhà xác Phạm Ngọc Hà mở khóa cửa phòng ướp. Hai tổ viên tên Dương và Phát đẩy băng ca vào bế xác, đặt lên và đẩy ra phòng liệm. Trước sự chứng kiến của thân nhân, công việc thay quần áo cho người mất được tiến hành. Hai tổ viên lẹ làng mặc áo blue, đeo găng tay và khẩu trang. Đồ nghề của họ gồm rượu trắng, bông gòn. Đặt cạnh băng ca là một bộ quần áo mới để thay cho người mất. Họ lần lượt cởi quần áo bà Thủy. Lúc này, màu da đã chuyển dần sang tái thẫm. Cả hai tẩm bông gòn vào rượu rồi lần lượt lau lên thi hài, từ kẽ tay, bắp tay, ngực, bụng; rồi xuống mông, đùi, kẽ chân... Lau qua mặt trên, họ lật nghiêng người lau mặt dưới rồi thay quần áo mới. Khi đó, thi hài mới được luồn vào bao ni-lông trắng khử trùng. Công việc tiến hành trong khoảng 20 phút. Băng ca được đẩy ra bên ngoài cho nhân viên nhà hòm nhập quan.
Tổ trưởng Hà kể: "Kỷ lục" phòng ướp có ngày nhận... 12 ca, xác ướp chứa đầy 6 hộc. Nhưng cũng có ngày, cả phòng ướp không có xác nào. Những "ngày" như vậy một năm chỉ đến vài lần.
Theo từ chuyên môn của ngành thì công tác chăm sóc thi hài người chết được gọi là "đại thể". Những hộ lý, nhân viên nhà xác... được gọi là "đại thể viên". Tổ đại thể do anh Hà làm tổ trưởng gồm 5 người. Anh Hà làm tổ trưởng, tiếp nhận đủ thứ công việc từ văn phòng cho đến phòng ướp; gồm nhận xác, nhận giấy chuyển xác, báo cáo bệnh viện, cơ quan điều tra với những ca không tung tích; nhập sổ, làm giấy báo tử... Những công việc anh làm hằng ngày từ 16 năm nay.
Anh Hà nhớ: "Hồi đó là năm 1990, tôi xuất ngũ, trở về địa phương với khí thế hừng hực, mong được mang sức dài vai rộng đi làm giúp đỡ bản thân, gia đình. Thế rồi thời thế đưa đẩy, kiếm việc hoài hổng thấy, nghe nói bệnh viện thiếu người, tôi vô xin". Khi đó, tổ trưởng tổ nhà xác là bác La Cẩm An vừa đến tuổi nghỉ hưu. Anh Hà tặc lưỡi rồi nhận luôn việc này. Anh nghĩ, nghề nào cũng là nghề. Làm rồi sẽ quen, "Nói sợ thì tôi hổng sợ nhưng ngày đầu cũng thấy ghê, nhất là những ca về đêm hoặc tai nạn giao thông". Anh Hà kể, hồi trước, trong tổ có một nhân viên mới làm được vài ngày thì xin nghỉ. Anh kêu vô văn phòng, hỏi lý do, "Ảnh nói hết và tâm sự với tôi. Tôi động viên rồi bố trí dần dần; trước thì cho làm việc văn phòng, sau cho đi làm chung với anh em vào ban ngày; dần dà cho trực đêm; gặp ca tai nạn giao thông xác biến dạng thì tôi giao cho anh em khác. Dần dà, nhân viên này mới quen và gắn bó với nghề".
Nhà tang lễ An Bình trước thuộc Bệnh viện Triều Châu của người Hoa, giờ vẫn lấy tên văn phòng tang lễ là "Tang Nghi Quán". Nhân viên làm việc tại đây đều là người Hoa và thuộc Hội quán Nghĩa An Triều Châu. Lâm Ích, nhân viên văn phòng nói: "Tụi tôi có bốn người, hai người trực văn phòng, hai người làm nhà xác".
Sáng 2/8, Lâm Ích giở quyển sổ ghi toàn bằng chữ Tàu: "Sáng nay phòng ướp có hai ca, một tai nạn giao thông ở quận 2, đang chờ làm pháp y; một mới chuyển tới, 11 giờ nhập quan". Tôi theo Lâm Ích đi qua nhà quàn. Đã có ba đám ma người Hoa đang được cử hành tại đây. Tiếng khóc hòa vào khói hương bay nghi ngút. Tới nhà xác, Lâm Ích mở cửa phòng ướp. Xác người xấu số bị tai nạn giao thông nằm ở hộc thứ hai. Lâm Ích nói: "Phòng ướp có 6 hộc. Ngày mới làm, tôi hổng dám vô đây vì ớn quá!". Trong phòng liệm, hai nhân viên tên Két và Luần to cao đang đeo găng tay chuẩn bị thay quần áo cho thi hài mới chuyển tới. Đó là một cụ già, chết bệnh. Cửa phòng quàn khép lại. Bên trong chỉ còn ba người: Két, Luần và một người nhà bệnh nhân "dũng cảm" nhất (số còn lại sợ không dám vào).
Chừng 15 phút, Két và Luần bước ra. Thi hài người quá cố đã được thay quần áo sạch sẽ, đặt ngay ngắn lên băng ca, bên trên có phủ vải liệm màu vàng, đỏ. Két và Luần lùi lũi bước về căn nhà bỏ trống cạnh phòng liệm. Họ ngả lưng lên tấm chiếu trải sát cánh cửa sắt nối sang bệnh viện, nằm hóng gió. Ai nấy lầm lì, chẳng nói chẳng rằng. Lâm Ích kể: "Mấy ổng làm từ hồi bé loắt choắt à. Hai mấy năm rồi đó. Làm giỏi lắm, công an pháp y còn phải khen mấy ông giỏi, lăn tay lẹ làng". Cậy răng mãi, Két mới kể. Quê anh gốc ở Triều Châu, năm nay 48 tuổi, đến giờ không biết đọc, không biết viết. Két có 4 đứa con. Anh than: "Làm đây túi bụi, ở nhà chúng nó làm thuê cho ông chủ nào tôi cũng đâu biết". Két kể, một tháng, anh được 800.000 đồng tiền lương chính. Còn lại, rửa được xác nào, hai người chia nhau tiền phụ cấp độc hại: 70.000 đồng/xác. Hỏi có nhớ quê hương không? Két làu bàu: "Tiền ăn còn chẳng đủ, lấy đâu tiền về quê hương. Lúc thanh thản nhất với tụi tôi là đánh cờ, nằm hóng gió như vầy".
Đến nhà xác Bệnh viện Từ Dũ, tôi gặp anh Trần Trọng Khương. Đây có lẽ là trường hợp hiếm có tại các nhà xác ở TP HCM bởi anh Khương đã nối nghiệp cha (cũng là một nhân viên nhà xác), và làm tại đây được gần 16 năm. Anh kể: "Hồi ổng nghỉ hưu, bệnh viện thiếu người, tôi lại thấy ổng buồn vì không ai "nối nghiệp", thế là tôi vô làm. Ba tôi mới mất năm 2003". Ở giữa nhà xác vắng vẻ, nghe tâm sự của người thường xuyên tiếp xúc với tang lễ, đớn đau mà thấy buồn. "Thì cũng là nghề thôi, làm thành quen. Tôi còn hai đứa nhỏ, đứa lớn 13 tuổi chắc biết tôi làm nghề này, còn đứa nhỏ thì chưa", anh nói.
Ngày cuối cùng ở nhà xác, tôi càng chạnh lòng khi rõ chuyện một đại thể viên: Anh gắn bó với nghề, sống thanh thản cùng nghề nhưng luôn dằn vặt bởi những định kiến của xã hội. Thỉnh thoảng gặp bạn bè, anh lại được nghe "chiếu cố" một câu: "Ê, mày làm gì trong bệnh viện dzậy?". Cho đến hai năm gần đây thì bà vợ anh mới biết. Đêm nằm ngủ, nghe bả cằn nhằn hoài: "Ông làm ở đó sao không nói tui biết!". Rồi anh lại phải lén con động viên vợ. Chuyện rồi cũng qua nhưng giờ nghĩ lại đôi lúc anh còn thấy tủi...
(Tên một số nhân vật trong bài đã được thay đổi)