Hình ảnh nữ công nhân dọn rác ngồi nghỉ trong đêm được Facebooker Nguyễn Tuấn Anh đăng tải trên mạng xã hội kèm theo chia sẻ: "Nghề này thật có nhiều cái nhất: âm thầm nhất, cống hiến nhất, vất vả nhất, và... bạc nhất. Những công nhân dọn rác lặng lẽ giữa đời thường mặc cho cuộc sống có xô bồ, ồn ào đến đâu, họ vẫn thế, sáng bắt đầu từ 4 - 5 giờ cho đến tận đêm. Từ khi gà gáy, khi mà mọi người vẫn say sưa trong giấc ngủ, rồi đến khi những đứa con nhỏ tỉnh giấc, ngơ ngác: 'Mẹ ơi?'.
Mặc cho mưa gió rét buốt hay nắng nóng ngập đầu họ vẫn thế, người thì vội vàng đi tìm chỗ trú mưa hay vội vàng phi xe thật nhanh về với ngồi nhà ấm cúng, người thì ung dung trong căn phòng nhỏ di động của mình mặc nắng mưa nhưng với họ, nắng mưa là chuyện của trời. Họ không cho mình cái quyền được nghỉ ngơi, chỉ có một suy nghĩ mau mau hết ca rồi về. Đáng ghét thay, họ bình thản với nắng vỡ đầu, với mưa ngập trời. Bình thản một cách đáng ghét, rồi đáng thương.
Mặc cho kẻ ngược người xuôi, mặc cho xã hội này có thay hình đổi dạng như robot biến hình, họ vẫn thế. Nhưng ai là người công nhận cái cống hiến của họ cho xã hội này? Lương 2 - 3 triệu đồng/tháng, làm việc với thứ mà mọi người bỏ đi và phải lượm nhặt lại thật gọn gàng. Tôi chẳng hiểu chính trị, cũng chẳng giỏi kinh tế nhưng tôi âm thầm thấu hiểu cho những gì xã hội này bỏ quên".
Bài viết sau khi đăng tải đã nhanh chóng thu hút sự quan tâm của cộng đồng. Phần lớn đều tỏ ra cảm thông, ghi nhận đóng góp âm thầm của những người công nhân vệ sinh môi trường đối với xã hội: “Tối 30 Tết, mình đi hái lộc ở chùa về vẫn thấy một tổ lao công ngồi bên đường. Thực sự cảm phục họ. Nhỏ thôi nhưng tôi nghĩ điều đơn giản nhất để ghi nhận cống hiến của họ chính là tôn trọng họ, vứt rác đúng nơi quy định”, một tài khoản cho biết.
Facebooker Soi Foong cũng chia sẻ: “Mẹ tôi cũng làm nghề này, không có gì ngại ngần, không có gì xấu hổ với bạn bè hết. Mẹ nuôi 2 anh em tôi, anh thì ra trường, tôi thì năm 2, bà không bao giờ để tôi thua thiệt và mặc cảm với bạn bè bao giờ”.
Cũng có ý kiến lại cho rằng: “Thật ra vẫn có những công việc, nghề nghiệp âm thầm khác. Mỗi công việc lại có những đặc điểm, tính chất riêng. Đề cao công việc nào nhất cũng chỉ mang tính chất chủ quan, tất nhiên mình không phủ nhận sự vất vả của những người lao công, mong rằng ghi nhận sự vất vả đó mọi người sẽ có ý thức hơn với môi trường, bớt cho họ phần nào nhọc nhằn trong công việc”.
Maruko Chan