Phạm Hiền
"Một lần, ba tôi bảo rằng cứ theo đường này đi về phía Tây mãi sẽ gặp núi. Đi về phía Đông mãi là gặp biển. Tôi gật gù nói lớn lên con sẽ đi hết đường này, từ núi tới biển. Ấy vậy mà tôi chưa đi trọn con đuờng quê mình để đến núi và đến biển thì vội rẽ sang đường quốc lộ đi xa. Có phải vì vậy mà những con đường ấy cứ theo tôi mãi?" (Đặng Nguyễn Đông Vy).
Tháng 7, tôi về, ban mai óng ánh cả một góc sân mùa hạ, cây thầu dầu bên con suối rụng những cánh hoa trắng li ti trong cái nắng nhẹ nhàng của buổi sớm. Má vẫn ngồi đó, trước hiên nhà. Má cười rất tươi và ôm lấy tôi như ngày xưa. Tôi biết rằng tôi mãi là đứa con gái út nhõng nhẽo, chẳng thể nào tỏ ra làm người lớn khi ở bên má được.
Tháng 7 tôi về trong ánh nắng ráng chiều hanh hao, tôi ngồi một mình trước sân nhà nghe gió thổi xào xạc, vẩy vào không gian mênh mông mùi rạ nồng nàn. Ngày xưa, mỗi ráng chiều, tôi thường ngồi trước hiên nhà nhìn những đàn chim bay cao trong làn khói lam chiều man mác, lắng tai nghe gió thổi ào ạt, vài chiếc lá vàng rơi nằm chỏng chơ trên thảm cỏ để nắng chiều ngẩn ngơ.
Trong những tia nắng vàng ươm mỏng mảnh kia, chợt nhận ra quanh tôi một thứ hương kỳ lạ, khi thấy thơm vô cùng, song có khi lại phảng phất như chợt đi, lại chợt tràn ngập, như người phụ nữ biết ẩn tàng cái đẹp kín đáo, dịu dàng, làm ta ngây ngất. Không hiểu vì sao, tôi không thể nào quên được khung cảnh ấy, mùi hương ấy. Và không biết từ lúc nào, mỗi ráng chiều đi qua đều để lại trong tôi những cảm xúc rất lạ lùng.
Tháng 7 tôi về, ra đồng, cánh đồng trải dài mang theo hương thơm của bắp trổ hoa. Những chú chim sẻ đồng lích chích tìm những con sâu lẩn trốn trong thân cây. Những chú bò vàng đi lững thững, rống lên từng giọng khê nồng cỏ úa. Cái nắng đốt lửa của miền gió lào cát trắng làm con suối cạn nước, những túp lều bé xinh được lũ trẻ dựng lên làm chỗ trú trong mùa nắng cháy. Và kia, trường làng tuổi thơ nằm bên con mương dẫn nước về cho từng thửa ruộng. Mặt trước ngôi trường là cánh đồng, sau lưng là dãy núi cao.
Mặt trời, sao mi đỏ lửa để em ta nhìn chùm phượng vĩ như phẩm đỏ mà phấp phỏng suốt mùa thi. Ve sầu ơi, có điều chi mà reo tha thiết thế? Mùa thi, từng lớp học trò ra đi, vẫn còn đó bóng dáng những người xưa bên trường làng sóng sánh ánh hoàng hôn. Còn gì tuyệt hơn khi ta được trở về trong khu vuờn tuổi thơ. Sự trong trẻo, tinh khôi vẫn còn vương vấn đâu đây.
Tháng 7 tôi về, con đường đi vào mộ ngoại được đổ đất cao hơn, không còn lầy lội, ổ gà như ngày trước. Trong ánh nắng liêu xiêu có bóng dáng những con người xưa tìm về để được sẻ chia, được xoa dịu nỗi đau khi phải sống trong một chiếc rọ giả dối. Ngôi nhà từ khi vắng bóng ngoại đã cũ nhiều, trước nhà không còn cây bưởi, không có giậu mồng tơi, không có giàn mướp, sau nhà, cây chay cũng không còn ra trái. Thời gian sẽ xói mòn đi tất cả nhưng có những mảng ký ức sẽ gắn chặt trong tâm hồn ta.
Tháng 7 tôi về, đêm xuống, ánh trăng ngà loang loáng đổ trên sông, con dế lạc loài cất tiếng du ca trầm bổng rồi tưng tửng nhảy như kẻ rồ dại, kẻ cuồng si. Nhớ hai câu thơ của Hàn Mặc Tử:
Trăng nằm sóng soài trên cành liễu
Đợi gió đông về để lả lơi.
Tôi không đủ một tâm hồn yêu và "điên" cùng trăng như Hàn Mặc Tử, tôi yêu trăng theo cách riêng của mình. Yêu những đêm hạ, đêm thu, mùa trăng, mùa gió thoảng hương cỏ mật. Yêu vẻ liêu trai của đất trời. Chúng ta không nhớ những ngày tháng, chúng ta nhớ những khoảnh khắc. Những gì quý giá nhất của cuộc đời nằm trong những ký ức mà chúng ta đã lãng quên.
Vài nét về blogger:
Bài đã đăng: Vô hình; Ở phía trước lốc cốc nắng; Những ngày ngọt tháng 6, Sài Gòn, xúc cảm ngày mưa; Tháng 7 về; Nợ đời; Tháng 12; Tháng tư; Bâng khuâng ngày cuối tuần; Đã có nắng cho vừa lòng em; Trà hoa nữ.