Nguyễn Lan Anh
Khi tôi về nhà, ba tôi ra mở cửa. Người nhìn tôi ngầm hỏi kết quả nộp hồ sơ thế nào. Tôi xuê xoa: “Chờ đợi, phải chờ đợi!”. Ba tôi ngồi, chăm chú đọc mấy tờ báo. Tôi biết, người đang đọc trang quảng cáo tuyển nhân viên rồi sẽ khoanh tròn lại bằng mực bút bi đỏ. Tôi sẽ “nghiên cứu” những dòng chữ đó để rồi lại lao đi, bồn chồn nộp hồ sơ.
Tôi mệt. Thú thực, tôi mệt. Không hiểu sao, lúc tinh thần xuống cấp, tôi lại muốn mình là con gái. Tôi thì thầm, niệm Phật cầu mong kiếp sau được làm thân gái. Ý muốn là thế, nhưng không có nghĩa kiếp này mệnh đàn ông của tôi đã hỏng. Nó vẫn hoạt động tốt. Ban đêm, khi ba mẹ ngủ, tôi giả vờ học tiếng Anh. Bật vi tính suốt đêm, lên Internet tải mấy đĩa sex bạn bè tôi gửi qua email. Gì chứ những vụ sốt dẻo như diễn viên đóng phim sex, bạn bè tôi, những đứa online 24/24 giờ lúc nào chả cập nhật superhot (siêu nóng hổi)! Bạn tôi cá cược rằng, đến đàn bà con gái trong công sở còn xem những thứ ấy như một lũ khát nước nữa là đực rựa tụi mình. Thế nhưng, tôi cũng biết ý. Chờ ba mẹ đi ngủ, tôi mới lọ mọ lang thang trên xa lộ ảo mênh mông...
Cũng đến lúc, sex chỉ còn là một thú tiêu khiển nhàm chán. Nhàm chán đến mệt mỏi. Tôi không thích tò mò nhiều. Đôi khi còn buồn nôn, bởi những gì là vẻ đẹp, đã bị bản năng biến tấu xuống cấp như những loài thú vật. Những lúc ấy, chúng gây cho tôi sự phản cảm. Tôi bỗng cáu tiết với bản thân. Làm sao ta phải tò mò, phải nhìn thấy những hình ảnh này? Từ đó, tôi ít khi ham la cà đến những trang web kia đầy rẫy, nhan nhản trên net.
Khi ba mẹ tôi hỏi: Sao con không chịu làm việc? Tại sao con có thể bỏ một chỗ mà rất nhiều người đang thèm khát? Con không biết rằng, con đã bao nhiêu tuổi rồi sao? Tôi muốn hét lên rằng: “Tôi chẳng biết, tôi chẳng nói, tôi chẳng thấy...”. Trả lời làm sao cho những người thế hệ trước hiểu rằng: Đó chỉ là tạm ngưng để rồi tiến. Tôi nghĩ, sao ba mẹ tôi không sinh thêm một đứa con nữa? Nó sẽ thế chân tôi, chịu tất cả sự quan tâm, yêu cầu, ước nguyện của ba mẹ tôi. Nó sẽ nghe những bài học trước bữa cơm, những lời thất vọng, ta thán về những điểm chưa đạt tới. Nó sẽ thay thế tôi, phấn đấu trở thành một đứa trẻ hoàn hảo, có phẩm chất của những thần đồng, những đứa trẻ xinh ngoan, chăm chỉ. Thế cho nên, từ nhỏ, tôi đã khao khát mẹ sinh em bé...
Net bỗng trở thành một thiên đàng còn nhiều điều phải khai phá. Cái buồn, cái cô đơn không đáng có của một thằng con trai được net dẫn dụ, vãi tung tóe trên net những nhược điểm đó của tôi. Tôi tự hào, vì coi net vừa là nơi giải trí, vừa là bãi rác khổng lồ. Kiến thức thu nhặt được trên net, có chăng, chỉ là dăm ba thứ ngôn từ mang tính chất buôn dưa lê. Ở trên net, tôi có thể dùng đến vài ba cái nick name. Nick name traichuayeu để đi tán lằng nhằng mấy cô bé 8x- thậm chí 9x. Mấy em nhỏ mà giọng đanh đá, ngây chả ra ngây, thơ chả ra thơ. Hiếm có em nào hiền lành chân chất thực sự, toàn những em trổ tài am hiểu cuộc sống bằng cách hỏi xem tôi Anh đi học hay đi làm, lương tháng bao nhiêu, hôm nào đi uống cà phê nhé. À, mà anh đi xe gì, xe Wave à? Ừ thế thì thôi vậy. Em tưởng anh đi xe gì đèm đẹp một chút, thì hôm nào em mặc váy ngắn, anh chở em đi thong dong trên phố, anh lại thấy đời tươi như con đười ươi ngay. Anh đi Wave, mà lại là Wave Alpha, đương nhiên chưa có người yêu là phải rồi!
Choáng váng mặt mày, tôi chuồn thật nhanh kẻo mấy em nanh nọc lại dạy cho bài học đời trai thế kỷ 21 phải thế nào. Dùng nick name khongcanbiet, tôi nhảy vào một chủ đề có cái tên rất khêu gợi: DÀNH RIÊNG CHO NHỮNG NGƯỜI BẠN GHÉT. Ngay đầu chủ đề có những dòng viết: “Giận, hờn, buồn, thương, là những cảm xúc tự nhiên của con người. Có những điều bạn gặp, bạn bộc lộ cảm xúc. Đó là sự tất yếu. Quả thực là may mắn, hạnh phúc thay khi bạn được tự do cảm xúc. Thế nhưng, bất hạnh thay, vì điều kiện, vì hoàn cảnh, vì tình thế, mà chính bạn phải tự kiểm duyệt cảm xúc của chính mình. Bạn phải nín, bạn phải nhịn. Thay vì được nổ, được nhổ, thì bạn phải kìm, phải nuốt. Điều đó, vô cùng có hại cho bạn. Lâu ngày, cảm xúc của bạn sẽ bị chai lì. Nếu là phụ nữ, bạn sẽ bị biến thành một người đàn bà có bộ mặt của ma-nơ-canh (manequin). Nếu là đàn ông, bạn sẽ bị biến thành một người đàn ông có bộ mặt Fantomas, hoặc người đàn ông có bộ mặt cười, hoặc bạc nhược như những hoạn quan của thế kỷ 18. Còn chần chờ gì nữa, hãy vào đây, và xả cho hết những gì làm bạn bực bội, những người bạn ghét. Để rồi, bạn hãy mở lòng, hãy nhận thấy những người bạn ghét cũng đáng thương, không đáng để bạn phải giận dữ, ghét bỏ như vậy, để bạn lại có cách ứng xử thật tốt, bao dung với tất cả. Xin mời...”.
Rất nhiều người đã viết về những gì làm họ căm ghét. Người ghét cay ghét đắng đồng nghiệp, chê đồng nghiệp “chuyên gia nịnh hót”, buôn bán, nói xấu bạn bè. Người ghét tiếng còi ô tô, người ghét tiếng rao bán báo... Hoặc, một quý bà than phiền con chó bé tí tẹo nhà hàng xóm có tên là Natasa, suốt ngày cứ chạy theo cắn váy bà. Điều quan trọng hơn, mỗi lần chủ nó quát: “Natasa, con Natasa khốn nạn kia!” là tim bà đau nhói. Đồ mất dạy thật, hồi trẻ, nhiều người bảo bà giống cô gái Nga, giống Natasa trong phim. Chắc hẳn hàng xóm căm bà cái gì đó, cố tình đặt cái tên để chửi?
Ồ, vậy là tôi đã có nơi để xả xú-páp rồi. Tôi nhảy vào, thổ lộ tâm tình về sếp của tôi. Không nhiều lắm, chỉ dăm ba câu bất bình. Ngay ngày hôm sau, tôi đã nhận được khoảng chục câu trả lời đồng tình hoặc kể lể về sếp của họ. Chẳng giấu giếm che đậy gì, tôi không ưa sếp trước của tôi lắm. Từ dạo, tôi làm không đúng theo ý của ông ta, rằng đã là kế toán thì phải biết tự “cân đối, điều chỉnh” theo hướng có lợi cho công ty. Lợi. OK. Lợi. Ai mà chả thích, chả biết rằng bất cứ cái gì có lợi, có lộc, là phải làm. Tôi đã làm, đã theo, đã gian dối, đã lươn lẹo; tôi đã không là tôi từ lâu, từ khi làm cho dăm ba công ty, từ khi chuyển hết công ty này sang công ty khác. Tôi không là tôi.
Ông sếp chửi đổng: “Ngu như chó!”. Trời ạ. Ở công ty, tôi đã không nói, tôi nhịn, như nhịn cơm sống. Tôi mặt trơ trán bóng khi nghe sếp quát nạt, hầm hè. Mặt mũi tôi khi nghe đến từ ngu như chó, đường tĩnh mạch ở cổ bắt đầu căng lên. Tôi nhớ đến chữ Nhẫn mà tôi đã xin được từ một tay chơi chữ trẻ tuổi ở Văn Miếu: “Nhịn được cái tức một lúc, tránh được cái lo trăm ngày... Người chưa biết nhẫn, chưa phải người hay!”. Thế là bao nhiêu nỗi nghẹn ngào ứ ở cổ nay bị dồn lại, như đường sá Hà Nội tắc cục bộ vào mùa mưa bão. Tôi bỗng trở thành người câm trong lòng thành phố. Nó chỉ được vợi bớt đi mỗi khi tôi lang thang, ngoài quán cà phê, nhìn ra mặt hồ, một khoảng trống, hoang hoác như chính khoảng trống trong lòng tôi. Khi chiều tan sở, ánh sáng trong ngày dần tắt, tôi xách xe về nhà.
Trong tôi, hiện lên hình ảnh sếp của tôi. Mái tóc pha sương. Ngày sếp được một tờ báo lăng xê gương mặt giám đốc điển hình, lương công nhân khá, cơ sở vật chất khang trang, làm ăn tiến tới... Hình như giám đốc tránh không nhắc đến tình trạng một công ty trách nhiệm hữu hạn với số vốn còi cọc đang nợ lương công nhân đến một tháng rưỡi chưa trả. Duy nhất có tôi kịp đọc tờ báo đó. Ông giám đốc đã giấu biến nó đi. Tay K., chạy vật tư hậm hực, để tao ra ngoài mua, xong dán bố nó lên trên tường kia kìa. Để tất cả cùng đọc, xem sự thực nó là cái gì. Ngay hôm sau, lại có vô số báo đến đòi phỏng vấn sếp của tôi. Cô nhà báo của địa phương đã được sếp dẫn đi Vincom mua một cái áo sơ mi cỡ kha khá tiền.
Ấy nhưng, lại ấy nhưng, sức người có hạn. Bỗng một hôm tôi nhận ra rằng, việc quái gì mình phải chịu đựng như thế, việc quái gì mình phải nhịn. Tôi phải là tôi! Tôi bỏ làm. Quyết định một cách chóng vánh.
Sếp niềm nở. Đúng là dị thường trên cả bất thường. Tôi ngắm sếp. Nụ cười của sếp hiền khô. Tôi nhếch mép cười đáp lại. Không phải, tôi không muốn cười. Nhưng bất chợt, tôi lại nửa muốn nửa không, thành ra, nụ cười không chút hoàn hảo. Sếp bảo: “Cậu Hưng, càng làm việc, tôi càng quý cậu. Đúng là làm lâu, tôi mới nhận ra. Tôi rất quý tuổi trẻ, làm được việc...”. Tôi ớ người. Vậy, từ “ngu như chó” trong một lúc nóng giận của sếp, cái từ văng ra trong một tập thể người là dành cho một số người, hoặc dành riêng ai đó, không phải tôi chăng?
Về đến nhà, một lô những từ theo ngữ pháp, thường được dùng để đặt câu hỏi. Đó là “tại sao” mũ “n” lần. Đi kèm với chúng là “n” dấu chấm hỏi. Đầu tôi suýt nổ tung bởi vô số những quả bom mang hình dấu hỏi của ba mẹ tôi tung ra khủng bố đầu óc tôi.
Thử một ngày không tôi xem sao. Tất cả mọi việc đều bình thường. Thế gian này không vì thế mà mất đi một nhịp đập. Các guồng quay vẫn tiến đều. Người nào, công việc đó. Mọi chuyện, mọi người, mọi sự vật, đó là cuộc sống. Tôi cũng đang sống. Và tôi lại đi xin việc làm từ đầu. Và ba của tôi ngày nào cũng mở cửa nhìn tôi không còn hỏi tại sao.
Tối, tôi đi quanh các con phố. Ngõ nào nhỏ, tôi rẽ vào, đi luồn lách, tránh những dòng xe đi lại. Chật hẹp thật đấy, vậy ta thử đi, xem tài của ta đến đâu. Đi, đi thôi! Tôi gào lên trong ý chí. Đến quán nước, nơi một người bạn đang chờ ở đó. Hắn cười khẩy khi thấy tôi mang theo những cuốn sách dạy cách thành công trong cuộc đời. Hắn hất hàm: Quẳng đi, ông ngố ơi. Mày lật đôi bàn tay của mày ra. Đấy, nó. Cả cái này nữa. Hắn chỉ lên đầu. Chọc chọc vào đầu. Trí óc của mày. Và ghi nhớ điều này: Khôn quá cũng chết, ngu quá thì chết hẳn rồi. Thằng sống được là thằng biết lúc nào nên khôn, lúc nào nên giả ngu. Thôi, quên béng đi. Tôi nhìn hắn, nhìn vẻ lịch sự điềm đạm của hắn. Hắn nở nụ cười. Vỗ vai tôi. Chiếc cà vạt đung đưa. Làm sao biết mình sai, mình yếu, mình lầm ở chỗ nào. Mạnh dạn lên. Thế thôi cậu à.
Hắn quay ra nói chuyện đàn bà con gái. Chuyện làm ăn, chẳng cái gì liên quan đến cái gì, kể cả đàn bà. Tôi nghe rồi tôi kể cho hắn nghe chuyện tôi giấu kín trong lòng. Đó là mối tình cuồng dại, mối tình quá khứ của tôi. Nàng tên Mai. Xinh. Những ngón tay dài, đài các. Tóc nàng cũng dài, mi mắt dài. Tôi, vẫn là tôi. Tự do trong khuôn khổ. Cả nàng cũng vậy. Nàng muốn tôi trở thành một công chức, sáng sơ mi, cà vạt xanh đỏ, tay xách cặp. Chiều, loanh quanh, luẩn quẩn chờ đón con. Hạnh phúc là đấy, còn trông mong gì hơn. Thế rồi, khi tôi trở thành một người công chức mẫn cán, nhụt chí, nhụt danh dự, nhụt cả niềm tin thì nàng dần rời xa tôi. Vẫn cứ là tôi, chẳng biết tại sao em xa tôi cho dù tôi đã hỏi, đã nghìn lần tự hỏi.
Bạn tôi gật gù. Thôi, chuyện xảy ra, không giải quyết nổi thì tìm hướng khác. Không lẽ cứ vì thế mà mày không thương không nhớ một đứa con gái nào?
Chia tay thằng bạn, tôi đi thật chậm. Hít thật sâu hơi thở của thời gian. Cuối tháng 5, bằng lăng nở tím hai bên đường. Mùa hạ đã rực cháy, con tim tôi cũng vậy. Nó rực cháy trong sự mỏi mệt, trong những sự nghi ngờ, trong bước dừng để tiến. Tôi ngẫm nghĩ, thật kỹ. “Đi! Go! Allez!”. Cái ngôn từ thập cẩm ấy, chúng khuyến khích tôi. Vận mệnh nằm trong bàn tay bạn. Tôi nắm chặt tay.
Đường khuya. Ngõ vắng. Ba tôi ra mở cửa. Không nói năng gì.
Qua rồi, một ngày không tôi.