Bây giờ tôi không còn tức giận, không còn hỏi tại sao, chỉ thấy lòng nặng trĩu một nỗi buồn, hay nói đúng hơn, một nỗi thất vọng... ê chề.
Tôi khẽ bước xuống giường, mặc áo khoác vào, đi xuống lobby của hotel. Ngồi một mình giữa phòng ăn chập chờn bóng tối, tôi bắt đầu viết. Tôi cần phải viết nếu không tôi sẽ nổ tung (tiếng Anh gọi là therapeutic writing).
...7h giờ sáng, phái đoàn nghệ sĩ từ Mỹ đáp máy bay xuống phi trường Sydney. Trong đó gồm có Nguyễn Hưng, Lưu Bích, Mạnh Quỳnh, Hạ Vy, Trịnh Hội và tôi. Ra khỏi Immigration chúng tôi gặp ngay anh bầu Thuần với tin "sốt dẻo" đầu ngày là, tối nay ở Sydney không có show vì rạp hát Revesby Workers Club đã tự động cancel (huỷ bỏ) và không cho chúng tôi diễn.
Chúng tôi ngơ ngác nhìn nhau, một vài người hỏi: "Tại sao vậy anh?". Anh Thuần trả lời: "Tại vì show kỳ này có ca sĩ trong nước nên cộng đồng ở đây chống đối, đòi biểu tình và làm áp lực với Revesby nên Revesby đã cancel show mình". Anh Nguyễn Hưng hỏi: "xa, show này có ca sĩ trong nước hả anh? Ai vậy?".
Anh Thuần trả lời: "Có Lưu Chí Vỹ và hai hài là Tấn Beo và Tấn Bo. Lưu Chí Vỹ là một ca sĩ nhỏ mới nổi trong nước còn Tấn Beo, Tấn Bo là con của chú Tấn Tài, một nghệ sĩ cải lương nổi tiếng của miền Nam".
MC Kỳ Duyên. |
Tôi thắc mắc hỏi tiếp: "Sao kỳ vậy anh Thuần? Đặng Thế Luân và Băng Tâm rút tên ra khỏi chương trình nghe nói là tại vì anh Trúc Hồ và chị Thy Vân không cho đi, mà sao Asia (Trung tâm âm nhạc ASIA của người Việt ở California) mời Tấn Tài được mà không cho ca sĩ đi hát vì có Tấn Beo, Tấn Bo? Asia mời bố được tại sao anh không mời con được?". Anh Thuần lắc đầu cười méo: "Ở đời là vậy đó Duyên ơi.... làm sao tôi biết được?".
Mọi người im lặng, phân vân không biết phải làm sao. Hạ Vy lên tiếng: "Show cancel sao anh không nói cho tụi em biết để tụi em khỏi mất công bay sang đây?". Anh Thuần phân trần: "Đến chiều hôm qua khi mấy em lên máy bay rồi, anh mới biết chắc là Revesby đã cancel. Nó hủy mình mà không thèm nói cho mình biết.
Mấy ngày trước anh có nghe tin đồn là Revesby đã nói với cộng đồng là nó sẽ cancel. Nhưng khi anh gọi nói chuyện với nó để có một câu trả lời chính thức, vì mình là người book (đặt) chỗ, là người có contract (hợp đồng) với nó thì nó không chịu nói chuyện với mình. Cuối cùng, anh phải nhờ luật sư can thiệp.
Luật sư của anh phải qua lại mãi mới có được một copy (bản sao) của bức thư mà Revesby viết gởi cho cộng đồng, chứ cũng không phải gởi cho mình, chính thức nói là sẽ cancel show mình. Lúc đó thì quá trễ, mình không trở tay kịp".
Từng làm một luật sư, tôi ngứa nghề: "Nhưng nó làm vậy nó không sợ mình kiện nó vì "breach of contract" (Vi phạm hợp đồng) sao?". Anh Thuần nhún vai đùa: "Chắc nó sợ biểu tình hơn sợ mình kiện".
Tôi hỏi tiếp: "Mà cho dù có biểu tình thì có sao đâu mà tụi nó sợ vậy?". Tôi đã từng có mặt trong nhiều chương trình văn nghệ ở Mỹ bị biểu tình vì lý do này hoặc lý do nọ, nhưng chương trình vẫn được diễn. Nếu có cancel là do ban tổ chức cancel chứ chưa bao giờ nghe nói rạp hát cancel cả.
Có lần ban tổ chức định hủy, rạp doạ kiện ngược lại nên ban tổ chức đành tiếp tục cho diễn. Những cuộc biểu tình vẫn thường xuyên xảy ra ở Mỹ nhưng tôi chưa bao giờ thấy điều gì đáng tiếc xảy ra. Thường thì những người biểu tình đứng ở ngoài và văn nghệ vẫn diễn ra ở trong.
Anh Thuần trợn mắt: "Dân đi biểu tình ở Sydney dữ lắm, Duyên chưa biết đâu. Có lần ban tổ chức bị đập nát hết xe, chưa hết họ còn ném phân vô đầy xe. Còn những người đi coi show bị ném trứng, bị xịt nước mắm, ai cũng sợ hết!".
Tôi rùng mình: "Như vậy là "khủng bố" rồi chứ đâu phải là biểu tình". Anh Thuần nói: "Thật ra đó chỉ là một nhóm nhỏ cực đoan thôi - Ngừng một chút anh tiếp - nhỏ nhưng họ quậy dữ lắm!".
Tôi ngán ngẩm thầm nghĩ, đúng là "một con sâu làm rầu nồi canh". Nãy giờ Lưu Bích ngồi đăm chiêu bây giờ mới lên tiếng: "Bích thấy buồn quá. Gần một năm rưỡi nay mới qua lại đây, Bích muốn gặp lại khán giả của Bích". Lưu Bích thở dài nói tiếp: "That's the only reason why I came here. (Đó chính là lý do để tôi đến đây). Bích không có biết gì về mấy chuyện cộng đồng, politic (chính trị) gì cả. Bích chỉ muốn hát cho khán giả của Bích, không có tiền cũng hát! And now I can't even do that!". (Vậy mà giờ tôi không thể làm được như thế).
Câu nói của Lưu Bích làm tôi nảy ra một ý kiến: "Anh Thuần, Revesby không cho mình làm tại sao mình không kiếm một chỗ nào khác để mình làm, một chỗ nhỏ nhỏ độ mấy trăm người thôi được không?".
Anh Thuần nói ngay: "Không được. Anh đã nghĩ đến chuyện đó rồi nhưng luật sư của anh nói với anh là nếu anh muốn kiện tụi Revesby, anh phải chứng minh được là mình có những thiệt hại tài chánh. Nếu bây giờ không làm chỗ này anh dọn qua chỗ kia, những thiệt hại sẽ chẳng bao nhiêu, mà anh muốn tụi nó phải chịu hết. Luật sư anh nói case này clear (Vụ kiện này rõ) lắm, mình nắm chắc phần thắng, không những sẽ đòi hết tiền bồi thường mà có thể còn được tiền phạt nữa, nhưng mình phải kiên nhẫn".
Nghe anh Thuần nói vậy mọi người lại cụt hứng ngồi im. Bỗng anh Thuần nói tiếp: "Anh không làm nhưng nếu tụi em muốn hát, sao tụi em không tự tổ chức lấy?". Chúng tôi đồng lòng quyết định: "Vậy thì dễ quá. Không có ca sĩ trong nước. Quyết định vậy đi! Tụi mình chỉ làm một đêm văn nghệ thân mật để gặp gỡ những khán giả yêu mến của mình.
Mọi người cảm thấy hứng khởi, ăn cho nhanh để còn về khách sạn lo cho chương trình tối nay. Check-in hotel (lấy phòng khách sạn) xong là Trịnh Hội bắt đầu gọi ngay các bạn bè ở Sydney.
Khoảng hai giờ chiều Trịnh Hội mở cửa bước vào reo lên: "We got a Place!" (Chúng mình có nơi diễn rồi). Tôi mừng rỡ: "Thật không? Ở đâu vậy?". Mắt Trịnh Hội sáng ngời: "Pioneer Seafood Restaurant ở Yagoona! Mà em biết gì không? Mới ra thông báo đã có một người gọi tới đặt ngay 7 bàn!".
6h-6h20 phone reng (tôi biết đúng 6:20 vì tôi canh từng phút). Trịnh Hội nhấc phone: "Hi Dũng... yes... really... ok. Dũng nói vậy là Hội hiểu rồi". Tắt phone, Trịnh Hội quay sang tôi cười buồn: "Sẽ có biểu tình. Ngay cả khi đã nhận được giấy trắng mực đen của mình xác nhận là không có mặt 3 người ở Việt Nam qua".
Một lần nữa các ca sĩ lại tụ tập trong phòng tôi. Mạnh Quỳnh đề nghị: "Hay là tối nay mình kéo nhau ra Pioneer ăn đi. Ít nhất mình cũng gặp gỡ, nói chuyện, chụp hình với khán giả của mình cho họ đỡ buồn". Nhưng Trịnh Hội lắc đầu ngay: "Không được".
Tôi hỏi ngược lại: "Không có văn nghệ, mình ra ăn uống hoà đồng với khán giả cũng không được luôn sao?". Trịnh Hội cắt nghĩa: "Tối nay ở đó sẽ có biểu tình. Nếu mình có mặt ở đó thì những khán giả mà đến đó vì mình, những người yêu nghệ sĩ, họ sẽ bênh vực mình và có thể vì vậy bên biểu tình và bên bênh vực mình sẽ có chuyện xảy ra. Có thể sẽ có đụng độ.
Thế là tối hôm đó ở Pioneer Seafood không có văn nghệ.
Không có ca sĩ trong nước.
Không có ca sĩ ngoài nước.
Không có khách đến ăn (vì nhà hàng sợ quá phải đóng cửa).
Nhưng ... vẫn có hơn một trăm người đứng biểu tình. Biểu tình trước một nhà hàng đóng cửa!
Hôm nay chúng tôi, những nghệ sĩ hải ngoại, đã bị bịt miệng bởi những bàn tay vô hình cho là mình đại diện cộng đồng. May mà chúng tôi chỉ muốn lên tiếng hát chứ chưa dám lên tiếng đả phá ai. May mà chính chúng ta là những thành viên trong một cộng đồng vỗ ngực tự hào cho là mình đang tranh đấu cho tự do, nhân quyền, và bác ái.
Đây là câu chuyện thật cần được nói ra, vì sự bất công đang xảy ra trong cộng đồng, sự đánh phá, bôi nhọ cá nhân và cuối cùng thì nghệ sĩ chúng tôi bao giờ cũng là những nạn nhân không có tiếng nói. Xin quý vị hãy giúp chúng tôi có tiếng nói!
Nguyễn Cao Kỳ Duyên
(Theo Lao Động)