Thanhnkn
Thưa thầy, mấy ngày trước đây, trò đã trải lòng mình bằng Thư của học trò "hư" gửi thầy để nói lên những hạt sạn trong ngành giáo dục và có người đã nói trò hư. Trò hư thật vì một lẽ trò đã làm "chú chim sâu cất cao tiếng hót của mình vạch lá tìm sâu". Có hề gì đâu, trò chỉ mong cho mùa màng xanh tốt. Trò chỉ muốn chạm vào tim của những người "tâm đen" nhưng vô tình, nông nổi khiến thầy đau. Thầy đừng buồn mà nên mừng mới đúng. Nghề giáo viên là một nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, bởi vậy, tới bây giờ xã hội vẫn dành một ngày trong năm để cùng thầy chia sẻ.
Trò không may mắn như bao bạn khác vì thời của trò gặp phải những "thầy sâu" như vậy. Nhưng không phải giáo viên nào cũng giống như họ. Họ chỉ là số ít mà thôi. Dẫu trò chưa một lần được gặp mặt, chẳng có dịp nào được nghe thầy giảng và dù cho khoảng cách giữa thầy với trò lúc này có xa đến hàng vạn dặm đi chăng nữa, trò cũng xin được thay mặt cho hàng triệu triệu người hướng về thầy cùng đôi lời tri ân nhân ngày 20/11.
Ngày thường, người ta gặp nhau rồi hỏi: "Công việc thế nào?", "Tiền lương bổng ra sao?", "Cuộc sống thay đổi thế nào?"... Nhưng ngày 20/11 sẽ hỏi khác: "Thầy mình giờ còn dạy ở trường cũ không nhỉ?", "Sức khỏe và cuộc sống thầy lúc này đã khá hơn trước chưa?", "Mấy năm rồi không gặp thầy mà sao tóc thầy bạc đi nhiều thế?"...
Trò nhớ những ngày mưa hay mùa bão dù các trò có nghỉ học nhưng thầy vẫn đứng lớp. Từng cô cậu học sinh trong lớp, thầy nhớ tên hết, người nào hay - tốt ở điểm gì thầy cũng đều biết. Vậy nên người ta mới ví làm thầy như bậc cha mẹ. Nhưng trò hiểu rằng làm thầy cũng nhiều điều vất vả và gian nan.
"Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng gian khổ biết dành phần ai?", vì chữ "tâm" với nghề thầy chọn ngược lại: ở những vùng cao hay mọi miền của tổ quốc, chỗ nào khó khăn, nơi nào cái chữ chưa được hiện diện là nơi đó có thầy.
Trò được biết lương thầy giáo bao nhiêu năm rồi vẫn còn hạn chế, còn quá thấp so với công lao của thầy, thế nên mới có chuyện trò vô tình được nghe. Vợ người thầy đáng kính nói: "người ta làm ông nọ, bà kia, kiếm tiền như nước, còn ông - thầy giáo lương 'ba cọc ba đồng', suốt ngày quanh quẩn với học sinh, sinh viên rồi những bài giảng, không đủ nuôi thân nữa là lo cho vợ, cho con bằng người ta…". Trò ức thay thầy. Theo trò: "Mệnh nước phụ thuộc vào tài của thầy".
Thầy không những dạy cho thế hệ học trò kiến thức, hành trang vào đời mà còn dạy cho trò nhân cách làm người nữa. Nhìn vào một đất nước, nhân tố tạo nên hình ảnh, sức mạnh, văn hóa chính là con người và trò coi thầy là người họa sĩ tài hoa nhất để thể hiện bức tranh đó. Cứ mỗi một chuyến đò, mỗi một lứa học sinh đi qua, trò biết rằng trong thầy buồn lắm! Bao nhiêu năm gắn bó với các trò, vậy mà giờ đành nhìn trò lần lượt rời bến. Chẳng có cảm giác nào buồn bằng khi phải xa những người từng quấn quýt bấy lâu: "Khi ta ở chỉ là nơi đất ở, khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn".
Thay cho lời ghi lòng tạc dạ, xin được tặng thầy một món quà nho nhỏ, chan chứa tình trò:
Hò ơi... ơi hò... là hò ơi
Ai ơi qua sông nhớ người đưa đò
Trò tôi sang sông hát về chuyến đò
Ơi đò là người đưa...
Nhân dịp ngày 20/11, trò hy vọng thầy thật khỏe mạnh, lương thầy sẽ cao hơn và cuộc sống yên ấm hơn. Mong cho mọi điều tốt đẹp nhất sẽ luôn đến với thầy, thầy nhé!
Vài nét về blogger:
Bài đã đăng: Vịnh Hạ Long, kỳ quan thế giới và người ngoài cuộc; Khi chuột giật mình; Thư của học trò 'hư' gửi thầy; Chuột 84 yêu rắn 89.