Chủ nhà không có lợi thế
![]() |
Mặt sân quá tồi khiến các cầu thủ dễ bị chấn thương. |
Nếu như mùa trước, LG HN ACB có lợi thế sân nhà rõ rệt vì họ quen thuộc và thích nghi tốt hơn với mặt sân cứng queo, gập ghềnh ở Hàng Đẫy thì mùa này, lợi thế đó mất hẳn. Do phải bảo dưỡng sân và hạn chế tối đa cường độ luyện tập, thi đấu ở đây nên trước mỗi trận đấu, ban tổ chức sân chỉ bố trí mỗi đội tập 1 buổi, kể cả chủ nhà. Mà cả LG HN ACB và Hoà Phát HN đều quen với mặt sân tiêu chuẩn quốc tế ở khu Liên hiệp thể thao Mỹ Đình nên khi về Hàng Đẫy, họ cũng lạ và gặp khó khăn ngang với đội khách (chỉ lợi hơn chút ít là đã thi đấu hơn vài trận).
Chỉ tốt nước sơn
Cái "mặt ruộng" Hàng Đẫy (giới cầu thủ thường nói vui như thế) được làm mới hoàn toàn, trồng cỏ theo tiêu chuẩn quốc tế nhập từ Mỹ (giống như cỏ ở sân Thiên Trường). Sân Hàng Đẫy mới sửa trông khang trang, "xịn" hơn hẳn nhưng chỉ đẹp về mặt… hình thức. Có quá nhiều lời phàn nàn về chất lượng mặt sân từ giới cầu thủ đến các HLV khi thi đấu ở đây, bởi nó ảnh hưởng nhiều tới chất lượng trận đấu.
Như bóng đá bãi biển
Đứng từ trên cao nhìn xuống, mặt sân Hàng Đẫy loang lổ, chỗ trắng chỗ xanh. Bởi cỏ không phủ kín hết mặt sân, có quá nhiều chỗ chỉ toàn cát là cát. Mặt sân nhiều "phốt" nên trong giờ nghỉ giải lao giữa 2 hiệp, các nhân viên chăm sóc cứ phải đi giầy vải lấy chân dậm cỏ, san cát "vá" sân.
Vì phải thi đấu trên cả cỏ lẫn cát nên cầu thủ mất rất nhiều sức. Quan trọng hơn, mặt sân quá mềm khiến các pha xứ lý bóng khó khăn hơn, thỉnh thoảng lại đột nhiên hỏng rất vô duyên khiến khán giả ồ lên. Và dường như, đá ở Hàng Đẫy cầu thủ vất vả hơn, rất hay ngã vì dính "phốt". Bởi thế, theo baobongda.com.vn, nhiều cầu thủ phải tự điều chỉnh bằng cách chuyền bóng kiểu... bóng đá bãi biển, sử dụng nhiều mũi giầy và để ăn quá lên mu bàn chân.
Nguyên nhân… của chấn thương
Do mặt sân quá mềm nên khi chuyền bóng, nhiều cầu thủ xúc theo cả mảng cỏ và cát. Những pha sục cả giầy vào đất rồi ngã sõng soài xuất hiện khá nhiều ở các trận đấu nơi đây. Với mặt sân như thế, rất dễ bị lật cổ chân và tái phát chấn thương, nhất là với những cầu thủ bị chấn thương mãn tính ở đầu gối hoặc mắt cá, cổ chân…
Nguyên nhân khiến mặt sân Hàng Đẫy mới làm lại nhưng không ngon hơn là mấy thì nhiều. Do kỹ thuật trồng, chăm sóc cỏ chưa cao và không may mắn là giai đoạn cấy mặt sân, Hà Nội quá lạnh, sương muối nên cỏ mọc chậm và không đều. Thêm nữa là mật độ thi đấu quá dày (trung bình 2 trận/tuần) với 3 đội chủ nhà HP HN, LG HN ACB và Thể Công.
Ban tổ chức sân Hàng Đẫy biết thế nhưng cũng đành "bó tay", chỉ biết cách chăm sóc và chờ giai đoạn nghỉ để bảo dưỡng lại. Còn bây giờ, thôi khó thì khó chung vậy.
LG HN ACB chuyển nhà mới
Bắt đầu từ trận đấu với Hoa Lâm Bình Định chiều chủ nhật tới ở vòng 9, LG HN ACB không còn chơi ở sân Hàng Đẫy nữa. Họ sẽ chọn Mỹ Đình làm sân nhà cho đến hết mùa giải 2005. Lý do khiến LG HN ACB quyết định chia tay Hàng Đẫy là do mặt sân xấu và đang xuống cấp nhanh, ảnh hưởng trực tiếp tới chuyên môn mỗi khi đội bóng thi đấu. Chia tay sân Hàng Đẫy vì chất lượng mặt sân không đảm bảo (dù vừa mới cùng CLB HP HN và Sở TDTT làm lại mặt sân, hệ thống chiếu sáng và thoát nước mất 3 tỷ đồng), rõ ràng LG HN ACB rất chịu chơi khi chấp nhận thuê SVĐQG Mỹ Đình (giá thuê khoảng từ 60-70 triệu đồng/trận). LG.HN ACB hy vọng sẽ chơi tốt hơn, có thể cải thiện hình ảnh của mình và lôi kéo khán giả đến sân cổ vũ đông hơn nữa.