- Chị thay đổi gì sau 4 năm du học ở Singapore?
- Tôi đi học từ giữa năm 2015 và dự kiến tháng 4/2020 sẽ tốt nghiệp. Hiện tôi vừa chạy dự án vừa nộp nhiều bài vở nên mọi thứ khá căng thẳng. Tôi vẫn nhớ như in những ngày đầu, nhiều người nói tôi đi học như cưỡi ngựa xem hoa nhưng chỉ bản thân biết mình đã học được những gì. Bốn năm đã tạo ra một Ngân Khánh khác, không còn là người nổi tiếng với hào nhoáng ánh đèn sân khấu. Tôi sống cuộc đời một sinh viên, phải tự nấu ăn, rửa chén, giặt đồ, lau dọn nhà cửa... mà không có trợ lý bên cạnh.
Cuộc sống một du học sinh cũng thay đổi tôi rất nhiều. Trong năm đầu tiên, mọi thứ quá mới mẻ, tôi chưa tìm hiểu kỹ nên có phần tiêu xài hoang phí. Tôi thuê một căn nhà lớn, đầy đủ tiện nghi có giá đến 3.300 SGD/tháng (tương đương 56 triệu đồng). Nhân lên 12 tháng, số tiền đó đủ để tôi trang trải tiền học phí cả ba năm. Trong khi nhiều sinh viên khác chỉ thuê phòng ở ghép tầm 500 SGD. Ý thức chuyện đó, tôi quyết định dừng lại, chuyển sang sống ở căn hộ nhỏ hơn và bắt đầu học cách tiết kiệm. Ngay cả chuyện ăn uống, tôi cố gắng đi siêu thị về nấu ăn, vừa đảm bảo dinh dưỡng vừa giữ gìn ngoại hình. Đến bây giờ, ý thức tiết kiệm vẫn được tôi duy trì và đó thật sự là một thói quen tốt mà mọi người nên có.
- Ông xã Đỗ Thiếu Quân chia sẻ với chị thế nào?
- Về vật chất, nhiều người bảo tôi được chồng lo mọi thứ khi sang Singapore. Tuy nhiên, hạnh phúc hôn nhân phải đến từ vun đắp của hai bên, nếu không sẽ có sự khập khiễng. Tôi không dựa dẫm kinh tế hoàn toàn vào anh mà tự mình ổn định, cân đối việc tiêu xài, vì du học là kế hoạch được chuẩn bị từ lâu.
Ở mặt tình cảm, cả hai có những nguyên tắc liên lạc: nhắn tin hỏi thăm, thói quen gọi điện video... giúp không cảm thấy xa nhau. Chúng tôi đều cảm thấy thoải mái vì có không gian riêng để tự làm công việc riêng, miễn sao mỗi đêm đều nhìn thấy nhau, chia sẻ mọi thứ. Đó là sợi dây vô hình nhưng rất chặt kết nối tôi và chồng.
- Đi du học chỉ sau vài tháng kết hôn, chị nghĩ sao khi nói đó là thiệt thòi cho chồng chị và tổ ấm của hai người?
- Chắc chắn hai vợ chồng đã thảo luận về chuyện này. Tôi đã muốn đi du học từ năm 19 tuổi nhưng khi đó chưa có đủ điều kiện, cơ hội. Còn ông xã của tôi luôn ủng hộ người vợ có tri thức, độc lập trong suy nghĩ. Đó là lý do anh chấp nhận cho tôi đi học gần 5 năm. Singapore cũng không phải quá xa xôi, chỉ hai giờ bay chúng tôi có thể gặp nhau. Dù vậy, việc xác định ở xa nhau chứng tỏ anh rất mạnh mẽ, yêu thương vợ hết mực. Tôi rất biết ơn anh về sự hy sinh đó.
- Là vợ chồng son nhưng sớm phải sống xa nhau, anh chị làm thế nào để vượt qua cảm giác ghen tuông?
- Đúng là giai đoạn đầu, cả hai vẫn chưa hiểu hết về nhau, đôi lúc nghi ngờ hay giận hờn. Sau vài lần, vợ chồng đều hiểu những câu hỏi, thắc mắc đó không ý nghĩa gì hết.
Chồng tôi là người rất thẳng thắn, không giấu giếm, anh thật và thẳng đến mức làm có lúc mất lòng bạn của tôi. Anh không khéo tạo thiện cảm cho đối phương. Chính điều đó tạo cho tôi niềm tin rất lớn và yên tâm hoàn thành việc học trong bốn năm qua.
- Anh chị thường tranh cãi về vấn đề gì?
- Anh xã của tôi hơi bê bối, còn tôi thích gọn gàng. Nên thỉnh thoảng cả hai cãi vã, giận nhau. Nhưng tôi hiểu đó chỉ là điều nhỏ nhặt, mỗi người chỉ cần nhường nhịn và thay đổi vì nhau một chút. Mọi thứ sẽ ổn thỏa và hạnh phúc thôi.
- Khi nào chị dự định sinh con đầu lòng?
- Năm sau, khi hoàn thành việc học, đó là thời điểm cả hai tập trung cho việc có con. Ở tuổi 35, tôi lo ngại chuyện sinh nở muộn chứ. Hai bên gia đình đều rất sốt ruột vì luôn muốn có con cháu. Nhưng điều mình mong muốn không phải lúc nào cũng được, nhất là con cái. Khoảng cách địa lý còn là rào cản nên chúng tôi xác định không đặt áp lực đè nặng lên đối phương, ngược lại cần sự thoải mái tâm lý cho cả hai bên.
Ban đầu, tôi nghĩ chưa có con nên vợ chồng chưa có kết nối chặt chẽ hơn. Nhưng sau bốn năm, hai vợ chồng đều hiểu con cái là duyên. Có con, gia đình sẽ vui hơn, sống vì con nhiều hơn. Còn nếu chưa có, chúng ta không nên vì lý do đó mà gây mâu thuẫn cho nhau. Để duy trì hạnh phúc phải là sự cân bằng, thấu hiểu từ cả hai bên. Nếu đủ chín chắn trưởng thành, cuộc sống còn nhiều thứ để gìn giữ hạnh phúc.
- Ngoài chuyện sinh con, chị có kế hoạch nào khác sau khi hoàn tất việc học?
- Tôi vừa ra mắt dự án đưa chương trình học diễn xuất tại Australia với khóa học chuyên sâu ba tháng do Dean Carey - thầy dạy diễn xuất của Hugh Jackman trong phim Người sói - đảm nhận. Tôi có cơ duyên gặp gỡ Dean và đề nghị ông mang khóa học này về Việt Nam.
Tôi chưa từng qua trường lớp diễn xuất nào ở Việt Nam, tất cả kinh nghiệm có được đều do tích lũy qua những năm tháng hoạt động. Khi cọ xát với môi trường đào tạo bên Australia, tôi nhận thấy có quá nhiều thứ mình không biết dù đã trong nghề 10 năm. Do đó, ở dự án này, tôi mong mình sẽ xây nên nhịp cầu nối cho các bạn trẻ đam mê diễn xuất qua vai trò đối tác chiến lược, chịu trách nhiệm tuyển sinh và đưa các bạn đi học. Đây cũng là cơ hội tốt vì nhiều bạn mong ra nước ngoài nhưng không biết bắt đầu từ đâu.
- Ở Việt Nam hiện có nhiều trường đào tạo diễn xuất, vậy dự án của chị có điểm gì khác biệt?
- Khi bắt tay vào làm, tôi có tìm hiểu, thậm chí tự mình tham gia các lớp học. Họ có đội ngũ giáo viên bài bản, kinh nghiệm lâu năm trong nền công nghiệp giải trí của Australia và thế giới, đào tạo những lớp diễn viên trẻ tài năng. Các bạn trẻ sẽ được tiếp cận sát sao với giáo viên trong từng bộ môn diễn xuất: kỹ năng đọc thoại, kỹ năng biểu diễn, kỹ năng tiếng nói, hình thể...
Về học phí, chúng tôi cũng nghiên cứu và đưa ra con số phù hợp với đối tượng là các bạn đã có kinh nghiệm trong ngành diễn xuất, cần trau dồi thêm chuyên môn trong ba tháng đào tạo. Với những bạn chưa bắt đầu học về diễn xuất, trong tương lai sẽ có những khóa học dài hạn một năm hoặc 3 năm. Hiện tôi rất hào hứng và sẵn sàng với dự án đào tạo này.
Anh Tuấn