Cho đến nay, HSBC là NH nước ngoài duy nhất có sản phẩm dành cho khách hàng cá nhân là tín dụng tiêu dùng, tài trợ mua nhà, mua xe trả góp. Chỉ cần có thu nhập ròng hằng tháng từ 3 triệu đồng trở lên, các cá nhân VN đã có thể trở thành khách hàng của HSBC với số tiền được vay có thể gấp 10 lần mức thu nhập. Trong khi các đại gia như Citibank, Deutsche Bank, BNP Paribas, Sumitomo Mitsui Banking Corp vẫn lắc đầu “không nhận khách hàng cá nhân” thì NH Standard Chartered (SC) hứa hẹn sẽ chính thức bước chân vào thị trường bán lẻ cuối năm nay. SC đã “sắm” giám đốc phụ trách dịch vụ tài chính cá nhân, và đang ráo riết thiết kế sản phẩm để đưa ra thị trường. Hiện nay, khách cá nhân đến SC chỉ có thể mở tài khoản, gửi - rút tiền, chưa thể mở thẻ hay sử dụng các dịch vụ tín dụng khác. Tuy nhiên, những ai đã “chơi” với NH hàng ngoại đều thấy “oải” bởi một loạt quy định khắt khe của các NH này. Chị Tâm, một khách hàng đến vay tiền mua nhà của một NH, kể chị phải trả phí giải quyết hồ sơ vay 100 USD, rồi trả tiền để thuê Công ty bất động sản Hoàng Quân (theo yêu cầu của NH) tới thẩm định căn nhà thế chấp. Khi nhận thưởng từ cơ quan, chị đến NH trả trước một phần tiền gốc thì bị phạt 300.000 đồng cộng với một khoản phí (1% trên số tiền trả trước) mà NH gọi là “phí thanh toán trước hạn khoản vay” vì đã “phá vỡ hợp đồng tín dụng”. Trong khi đó, nếu vay tại các NH “nội” thì khách hàng không phải trả những loại phí này. Tuy nhiên, theo chị Tâm, điều chị thích khi giao dịch với NH ngoại là lãi suất cho vay khá hấp dẫn, chỉ khoảng 12,05%/năm, trong khi lãi vay ở các NH trong nước đã lên đến 13-14%/năm.
Theo các chuyên gia NH, mặc dù có sản phẩm bán lẻ nhưng số lượng khách hàng của các NH nước ngoài sẽ khó lòng tăng cao do “đất” của trụ sở giao dịch có hạn. Văn phòng của HSBC TP HCM tại cao ốc Metropolitan thỉnh thoảng cũng xảy ra tình trạng quá tải khi một số khách đến vay tiền phải ngồi chờ có... phòng trống để được tiếp đón. Theo quy định, muốn mở thêm một chi nhánh, NH mẹ phải mang vào VN thêm ít nhất 15 triệu USD, chưa kể khoản đầu tư để xây dựng một văn phòng đúng tiêu chuẩn. Vì vậy, để tấn công vào thị trường bán lẻ, nhiều tập đoàn tài chính đang có kế hoạch mở NH 100% vốn nước ngoài (có số vốn tối thiểu 75 triệu USD), từ đó sẽ được mở các điểm giao dịch không giới hạn. Nhưng phương án này xem ra cũng ít khả thi vì các NH nước ngoài chỉ thích tập trung ở các thành phố lớn, mà ở các thành phố như Hà Nội, TP HCM mật độ NH đã quá dày đặc, khó có thể tìm chỗ chen chân. Chính vì vậy, bỏ ra một số tiền để sở hữu cổ phần của các NH cổ phần trong nước để khai thác thị trường bán lẻ xem ra là con đường ngắn nhất. Ngoại trừ ACB và Sacombank tỷ lệ 30% vốn cổ phần dành cho nhà đầu tư nước ngoài đã được lấp đầy, các NH khác vẫn còn chỗ trống. Ngay sau khi Chính phủ ban hành quy định nới lỏng tỷ lệ sở hữu đối với nhà đầu tư chiến lược nước ngoài từ 10% lên 15%, nhiều NH nước ngoài như HSBC, OCBC, UOB... đã nhấp nhổm quay trở lại bàn thương lượng để mua thêm 5% nữa. Ông Võ Văn Châu, Tổng giám đốc NH Phương Đông, cho biết NH đang đợi văn bản cho phép chính thức của NH Nhà nước để nhận khoản tiền bán 10% cổ phần từ NH BNP Paribas (Pháp) trước khi bán tiếp 5% cổ phần cho đối tác này. NH Đông Á sau một thời gian dài đàm phán với Citibank vẫn chưa đi đến kết quả cuối cùng. Cũng như các NH nước ngoài khác, Citibank đòi có thêm điều khoản mở là chính phủ cho thêm bao nhiêu họ được mua bấy nhiêu, trong khi Đông Á lại không muốn chỉ phụ thuộc vào một đối tác. Eximbank sau thời gian dài “mặc cả” cũng đang gút những điều khoản sau cùng với một đối tác “nặng ký”, dự kiến cuối tháng năm sẽ tiết lộ danh tính “bạn đời”. (Theo Tuổi Trẻ) |