![]() |
Cửa biển Sông Đốc. |
Một tốp ngư phủ rời tàu lên con đò dọc làm bằng composite, gắn động cơ xe máy đâm vào kinh Thầy Tư (khóm 4, thị trấn Sông Đốc, Cà Mau). Con đò ghé vào bờ, san sát một dãy nhà lá lúp xúp cặp theo mé kinh, cửa sổ treo vải màu phất phơ vẫy gọi. Một người đàn bà mập mạp, vàng đeo đỏ cổ, rọi đèn pin vào khách và tiếp thị: “Vô đây anh Hai ơi, vui vẻ thoải mái, có hàng mới xuống. Có hàng mới ngon lành luôn”. Tại đây bên trong có vài bàn nhựa, nền đất lồi lõm. Gió sông tràn lên mát rượi.
Bốn cô gái cũng rất lẹ làng xáp vô đám khách vừa tới. Các cô tự gọi đồ ăn và rượu. Trăng thanh gió mát, sóng vỗ bờ sông ràn rạt. Một anh khoác vai 2 nàng, vừa uống vừa cười nói tíu tít.
Mới vài vòng rượu, một đôi đã dìu nhau vào phòng phía sau quán từ lúc nào. Mấy chàng trai tơ cho biết, mỗi lần ra phía sau tốn 50.000 đồng. "Xuống Sông Đốc mà gặp được em này thì như đã được về quê rồi”, người đàn ông vừa đi cùng cô gái nói sau khi trở lại bàn nhậu.
Tại con đường đối diện với bờ kinh Thầy Tư có ngã ba Sung Sướng, quán xá sầm uất và "em út" đông ngang bên kinh Thầy Tư. Cũng trăng thanh gió mát, ngư phủ rám nắng biển và các cô gái thì chân còn đóng phèn. Anh lái xe ôm mách: “Dọc theo dãy hàng quán Đang Sung, rồi quẹo ra hẻm Hết Tiền”. Đến đây mà không “hết tiền” mới là chuyện lạ.
Đêm nay, túi tiền đã vơi nên các ngư phủ không bao đò composite nữa mà lội bộ theo một con đường đất ra ngoại ô thị trấn. Vẫn gặp cơ man quán xá, trai gái tứ xứ hẹn hò. Con đường này có tên Sông Đốc - Rạch Ráng, xóm nhà lá Kinh Ranh, xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời.
Vào một quán lá thấp và chật chội, các ngư phủ gọi cà phê, mỗi ly cà phê đá 3.000 đồng. Quán chỉ vỏn vẹn có một bàn, một võng. Cô chủ quán giới thiệu tên là Sáng 34 tuổi, da ngăm đen, thân hình mập mạp.
Cô nói: “Em ở Phong Lạc lên đây cất nhà ở đại, có xin giấy tạm trú nên không bị công an phạt. Ở đây cũng ít khi công an thị trấn Sông Đốc lên vì khác địa bàn, còn xã Khánh Hải thì xa lắm. Vả lại mấy ông cũng biết rồi. Chỉ sợ cho mấy anh thôi, lỡ công an bắt mấy anh thì phạt 200.000 đồng, còn tụi em quen hết rồi, có kiểm tra sẽ có người cho hay”.
Ở đây quán giải khát kiêm luôn quán nhậu. Mồi nhắm chỉ vài ba thứ cóc ổi. Mới vài ly trong làn gió chướng se se thấy cũng la ngà. Một ngư phủ đứng dậy đi sang gian quán bên cạnh, rồi ngư phủ tiếp theo... Tất cả họ đi vào là căn phòng trọ. Nó cũng tí xíu vừa đủ trải chiếc nệm cũ, vài dụng cụ nhà bếp, bình nước lọc. Cô gái chủ phòng trọ mở lời: “Em mới thuê ở được vài tháng. Ai biết thì ghé chơi, khỏi đóng tiền phòng. Ai không biết, đến nhậu thì vừa mất tiền nhậu, vừa phải đóng cho bà chủ 20.000 đồng tiền canh chừng người lạ”.
Chính quyền địa phương cho biết, ở Sông Đốc đã phát hiện 11 người dương tính với HIV/AIDS. Thực tế nhiều gấp mấy chục lần bởi các cô gái sinh sống không ổn định và rất khó động viên đi xét nghiệm. Riêng khóm 4, thị trấn Sông Đốc nơi có kinh Thầy Tư nức tiếng ăn chơi, đã phát hiện 7 người nhiễm HIV/AIDS gồm 3 cặp vợ chồng và một cô gái.
Y sĩ Nguyễn Hải Tùng, phụ trách công tác phòng chống HIV/AIDS thị trấn Sông Đốc, phàn nàn: “Trình độ nhận thức của người nhiễm HIV/AIDS rất thấp, đời sống lại nghèo khó nên họ ít hợp tác. Trường hợp vợ chồng chị H. là một ví dụ. Họ mang virus HIV/AIDS nhưng mở quán nhậu, có tiếp viên và rất đắt khách”.
Lão ngư Đàm Văn Nguyên (Tư Nguyên), chủ 4 chiếc tàu đánh cá lớn với hàng trăm ngư phủ có quan điểm: “Đàn ông đực rựa đi biển suốt 20 ngày, cập bến, làm sao ngăn nổi tụi nó? Tàu vô, bán thứ gì cũng chạy bởi vậy ngư phủ có tiền, ăn chơi xả láng cho đã”.
Theo thiếu tá Đào Minh Đằng (Phó công an thị trấn Sông Đốc), ngư phủ hầu hết là thanh niên trai trẻ, sung sức. "Ở thị trấn này không có gì giải trí cả ngoài đến rượu và gái", ông nói.
Mỗi kỳ trăng sáng, nhất là mùa gió chướng, cửa biển Sông Đốc đón 780 chiếc tàu của ngư dân địa phương và khoảng 300 tàu của các tỉnh bạn đánh bắt trên ngư trường Cà Mau - Kiên Giang với trên dưới 10.000 ngư phủ. Chưa có cấp, ngành nào quan tâm đến nhu cầu nghỉ ngơi, vui chơi giải trí của họ.
Với người đi biển thì về tới bến là thêm một lần được về với đất liền bình yên. Nhưng ở cái ngã ba “sung sướng” cuối trời nam ấy đang chứa đầy hiểm họa chờ đợi họ sau những ngày vật lộn với biển cả.
(Theo Tiền Phong)