Bánh mỳ là món ăn chủ đạo đối với ẩm thực các nước phương Tây. Thực khách có thể ăn bất cứ lúc nào trong ngày, cho bữa sáng vội vàng, bữa trưa đủ chất hay bữa tối hẹn hò trong các nhà hàng sang trọng. Ở Italy, người ta thích ăn bánh mỳ tươi được làm trực tiếp từ những chiếc lò gạch, chiếc bánh khi bưng ra đĩa vẫn còn nóng hổi và giòn rụm.
Các đầu bếp chỉ làm bánh mỳ thủ công từ 4 nguyên liệu chính là bột mỳ, nước, men và muối mà không cho thêm bất kỳ thứ phụ gia nào khác để tạo mùi thơm hấp dẫn. Khi ăn, thực khách sẽ cảm nhận trọn vẹn miếng bánh mỳ bằng vị giác chứ không bị phân tâm bởi các yếu tố khác.
Loại men dùng để làm bánh mỳ được ủ lâu cho lên men hơn các loại bánh khác, thường là khoảng 24h; do đó, vị chua của miếng bánh sẽ rõ ràng và đậm nét hơn. Khi pha chế tỷ lệ, miếng bánh nở hay xẹp, giòn hay ỉu phụ thuộc phần lớn vào bàn tay điêu luyện của đầu bếp. Quá nhiều hay quá ít nước cũng khiến miếng bánh khi ra thành phẩm không có được hương vị chuẩn nhất.
Theo đầu bếp Paolo De Piaggi (người Italy, sinh sống ở Việt Nam), chiếc lò gạch và phương pháp nướng thủ công đã làm nên sự đặc biệt của lát bánh mỳ. Bằng chiếc lò này, đầu bếp có thể tự kiểm tra nhiệt độ bằng tay và quyết định thời điểm lật bánh dựa trên kinh nghiệm của mình, thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào chiếc lò nướng điện tử. Vì thế, dù khó tính đến đâu thì những thực khách sành ăn cũng sẽ bị mê hoặc.
Ban đầu, người ta sẽ làm nóng lò bằng cách ủ củi thật lâu để lò nóng đủ độ (nhiệt độ khoảng 200 đến 250 độ C). Thời gian nướng chiếc bánh khoảng từ 30 đến 45 phút và luôn có sự túc trực của người đầu bếp ở bên cạnh để kiểm tra. Các đầu bếp chia sẻ rằng, chiếc bánh không cần phải lật nhiều. Khi thời gian chưa đủ để lớp vỏ đủ cứng, lật bánh lúc này sẽ khiến nó nhanh bị xẹp và kém ngon hơn. Tới khi nào 4 mặt đều chín vàng đều thì có thể dùng ngay.
Khác với bánh mỳ Việt Nam vỏ mỏng, có nhiều bột nở, xốp và nhanh ỉu, lát bánh mỳ kiểu Italy có lớp vỏ khá dày và cứng, khi ăn có cảm giác giòn tan, để tới ngày hôm sau vẫn chưa bị ỉu. Phần ruột bánh mỳ đặc hơn nhưng vẫn có cảm giác mềm, dễ ăn. Không có mùi bơ ngậy hấp dẫn, món ăn này có mùi hơi khen khét thơm mùi khói củi. Trên một bàn tiệc đầy rẫy những món ăn nhiều thịt, ngấy mỡ thì một lát bánh mỳ chua chua do men bánh ủ kỹ sẽ khiến cảm giác ngấy được giảm xuống, ăn sẽ ngon miệng hơn.
Khi ăn, thực khách Italy thường ăn kèm bánh mỳ với bơ tỏi, dầu olive, pho mát, tinh dầu ớt hay nước sốt. Người ta thường dùng chúng cho các món khai vị, trong đó nổi tiếng nhất là bruschetta, một loại bánh mỳ lát được phủ lên trên nước sốt cà chua, dầu olive và rau húng. Một chút ngầy ngậy thơm thơm của dầu, mằn mặn của muối, thơm mùi rau húng và chua thanh của bánh mỳ và cà chua khiến bữa tiệc sào hải vị được bắt đầu dễ dàng hơn.
Ở Hà Nội, để tìm được một nhà hàng Italy có được hương vị chuẩn không dễ. Thông thường, chủ các nhà hàng ở đất nước vùng Địa Trung Hải này chỉ tin vào tay nghề của đầu bếp nước mình. Một trong những nhà hàng được nhiều người nước ngoài sinh sống tại Hà Nội truyền tai nhau nằm bên bờ hồ Tây lộng gió, mang tên Da Paolo.
Nhà hàng đã mở được 4 năm, do một đầu bếp Italy được đào tạo bài bản từ nhỏ đứng ra thành lập và điều hành. Thực đơn nhà hàng có 4 phần chủ đạo là món khai vị, súp, thịt và mỳ pasta thơm ngon bên cạnh món bánh mỳ nướng thủ công.
Điểm đặc biệt là chủ nhà hàng luôn cố gắng giữ đúng hương vị Italy nhất như xách tay tất cả các loại lá cây để chế biến món ăn mỗi khi có dịp về nước. Ông cho biết, ẩm thực Italy được tạo nên chính nhờ những loại lá cây gia vị đặc biệt này. Chúng rất khó tìm thấy ở một quốc gia nào khác, do đó, ông phải trực tiếp mang từ quê hương về Việt Nam.
Quán có vị trí đẹp, nhìn thẳng ra hồ Tây lãng mạn. Tuy nhiên vị trí hơi khuất nên không dễ nhận biết. Nhà hàng có 4 tầng. Nếu ngồi ở tầng trên cùng vào ngày cuối tuần, bạn nhớ phải đặt trước. Nếu thích ăn bánh mỳ, bạn có thể tới đây chỉ để mua mang về với giá 60.000 đồng một kg.
Xem tiếp hình ảnh nướng bánh mỳ tại nhà hàng Da Paolo |
Đường tới quán:
Nguyên Chi
Ảnh: Lê Bích