Không biết từ bao giờ, trong cộng đồng người Hrê ở các huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi tồn tại hiện tượng "cầm đồ thuốc độc". "Cầm đồ thuốc độc" được xem như thứ bùa ngải. Ai sở hữu "đồ", người đó có khả năng giết chết người khác hoặc chiếm đoạt tài sản của mọi người thông qua những lời "niệm chú" đầy ma mị, huyền hoặc. Người ta đồn rằng, "đồ" được lấy từ chiếc râu của con hổ, đem ngâm với một loại độc dược được chiết ra từ cây rừng. Chỉ cần đem chôn "đồ" vào góc vườn người nào thì người ấy sẽ bị chết hoặc tan gia bại sản bởi người có "đồ".
Vì vậy, trong cộng đồng người Hrê, ai sở hữu "đồ" thì cả làng sẽ mang họa. Người đó sẽ bị dân làng đánh cho đến chết. Sau ngày giải phóng miền Nam, hiện tượng trên được loại bỏ dần trong đời sống của đồng bào Hrê. Thế nhưng, liên tiếp trong 3 năm qua, ở huyện miền núi Ba Tơ đã xảy ra hiện tượng nghi kỵ "cầm đồ thuốc độc" khiến không ít trường hợp phải bỏ mạng bởi tập tục hà khắc.
Theo Lao Động, đầu năm 2003, một số người ở xã Ba Liên, huyện Ba Tơ, sau khi dự một đám giỗ của làng về và bị đau bụng dữ dội. Không lý giải được hiện tượng bị ngộ độc thực phẩm này, một vài người trong làng rỉ tai nhau rằng sở dĩ bị đau bụng là do một người nào đó của làng đã có "đồ".
Mối nghi ngờ nọ đổ dồn vào ông Phạm Văn Rờ. Thế là, một cuộc họp do già làng chủ trì được tiến hành và đi đến kết luận: Phải giết thằng Rờ vì nó có "đồ". Rờ được trói chặt vào thân cây rừng, cả làng dùng roi mây và đá cuội, vừa đánh vừa ném đá vào người nạn nhân cho đến khi Rờ không còn thở được nữa!
Tội nghiệp hơn như trường hợp của bà Phạm Thị Rối ở xã Ba Trang. Nghi bà có "đồ", cả dân làng lẫn những người con và cháu của bà thi nhau đánh, đến khi chính quyền đến can thiệp, bà mới thoát chết.
Ngày 2/7, một nạn nhân khác là Phạm Văn Xa ở làng Gòi Khôn, xã Ba Dinh cũng bị "hành quyết" theo cách tương tự. Xa làm nghề lái trâu được vài năm nay. Vì muốn mua trâu với giá rẻ, Xa úp mở với người làng Gòi Khôn rằng mình có "đồ".
Xin được mấy củ măng gan của một người bạn ở huyện Minh Long, Xa đem về trộn chung với một ít rễ cây rừng rồi cho vào hũ. Chiếc hũ nọ được Xa bí mật chôn ở vườn nhà bà Phạm Thị Phần, người cùng làng. Sau đó, gã lái trâu nọ gạ mua con trâu của bà Phần với giá bằng một nửa. Bà Phần quá sợ vì nghi Xa có "đồ" nên đồng ý bán trâu cho Xa. Chưa kịp bán thì con trâu nọ lăn đùng ra chết!
Vô phúc cho Xa, cả làng Gòi Khôn đổ dồn mối nghi ngờ về gã lái trâu này. Một cuộc họp làng khẩn cấp và cái quyết định mà Xa không muốn đã được triển khai: Xa bị trói vào gốc cây, cả làng thay nhau ném đá và dùng roi mây quật vào người nạn nhân suốt 3 ngày liền.
Công an Ba Tơ hay tin, tức tốc đến giải vây. Sau khi nghe cán bộ phân giải rằng con trâu bà Phần chết là do dịch bệnh ở trâu bò đang hoành hành tại đây chứ không phải do "đồ" của Xa, bà con mới tha tội chết.
Thế nhưng, một thành viên của làng "bí mật" sang huyện Sơn Hà xem bói. Thầy bói Đinh Thị Ngoãi phán: "Thằng Xa vẫn còn "đồ", phải bắt nó nôn ra để trừ hiểm họa cho làng!". Thế là, Xa lại bị trói và đánh suốt 4 ngày (5 - 8/7). Một lần nữa, công an và chính quyền địa phương phải vào cuộc. Xa được tha tội chết khi anh ta giao nộp cho già làng hũ "đồ". Lục ra xem, mọi người mới hay là củ măng gan!
Thiếu tá Phạm Văn Lối, công an huyện Ba Tơ, cho biết: "Chuyện nghi kỵ "cầm đồ thuốc độc" vẫn diễn ra âm thầm ở các làng người Hrê. Ba năm qua, tại Ba Tơ đã xảy ra 22 trường hợp nghi có "đồ", 1 người đã bị đánh chết. Các nạn nhân còn lại do phát hiện sớm, công an can thiệp kịp thời nên thoát nạn". Bóng ma về "đồ" vẫn không thôi ám ảnh dân làng...