Giữa cơn mưa bất chợt, Gia Ni và Trí Khang nhận ra từng là mối tình đầu chưa kịp ngỏ lời của nhau 13 năm trước. Trao vội cho nhau mảnh giấy ghi số điện thoại rồi chạy về hai hướng, cả hai quên hỏi tên người kia là gì. Mảnh giấy ướt nhẹp, họ lạc nhau thêm lần nữa. Những ngày cuối năm Đài Bắc ủ ê và ẩm ướt, Gia Ni và Trí Khang uể oải xách ô ra phố. Nàng mang ô đỏ, chàng cầm ô xanh. Nàng luôn rẽ trái, chàng luôn rẽ phải. Họ đi lướt qua nhau cả ngàn lần nhưng chẳng hề thấy nhau, chẳng hay biết người mình mong đợi chính là hàng xóm nhà kế bên.
Nàng rẽ trái, chàng rẽ phải (Turn Left, Turn Right) chuyển thể từ bộ truyện tranh cùng tên nổi tiếng của tác giả Đài Loan Jimi. Tựa đề phim nêu bật cảnh ngộ hài hước và cũng đáng buồn của hai nhân vật chính. Vì thói quen ngược đời mỗi lần ra phố, cả hai tưởng như "lạc nhau muôn đời", dù từng phút từng giây mong ngóng người còn lại.
Mùa lễ hội cuối năm sẽ là chuỗi ngày sum họp đáng mong chờ với những ai sống cùng gia đình hay có đôi có cặp. Còn với những kẻ đơn chiếc, ấy là những ngày buồn nhất. Đặt trong khung cảnh đô thị mùa lễ, phim Nàng rẽ trái, chàng rẽ phải tiết chế không khí rộn ràng, trái lại phủ ngập màu xám của cơn mưa, gió lạnh và cảm giác lẻ bóng của từng nhân vật.
Gia Ni và Trí Khang cùng là những cá thể đơn độc giữa biển người thành thị. Họ không có nổi một người bạn, sớm tối lủi thủi đi đi về, về với cung đường duy nhất nối liền nhà ở và nơi làm việc. Chuyện mưu sinh cũng chẳng lấy gì làm vui vẻ với cả hai.
Gác lại tâm hồn tôn thờ âm nhạc, Trí Khang buộc lòng góp vui vài bản nhạc theo ý chủ nhà hàng, dù thực khách chỉ mải ăn, mải nói chứ không ai lắng nghe tiếng đàn của anh. Để không bị sa thải khỏi tòa soạn, Gia Ni nhận dịch mấy cuốn tiểu thuyết kinh dị cô chẳng thấy hay, chỉ thấy sợ đến ám ảnh. Tiếng đàn mình tâm đắc, Trí Khang chỉ biết chơi cho đàn bồ câu trong công viên nghe. Bài thơ mình mê mẩn, Gia Ni chỉ biết ngâm nga với chú mèo đi lạc ngoài phố.
Kịch bản tạo tác hai số phận đồng điệu đến lạ kỳ, và liên tục đặt họ vào những tình huống tương hợp nhưng không tương phùng để tô đậm dấu ấn của duyên phận. Những khung hình rộng mô tả hai cây dù xanh - đỏ nổi bật giữa rừng ô đen xám ngoài phố hay loạt cảnh Gia Ni, Trí Khang đứng chung một chuyến tàu điện, đi ngang cùng một góc phố, ngược chiều lên - xuống một thang cuốn trong trung tâm thương mại lộ rõ bàn tay sắp đặt của đạo diễn. Nhưng tất cả tạo hiệu quả trong biểu đạt ngụ ý. Câu chuyện tối giản với ít nhân vật, ít bối cảnh càng làm nổi bật cảm giác đơn độc của những người trong cuộc.
Điều khó chịu nhất và cũng thú vị nhất của phim là đối với mối duyên giữa Gia Ni và Trí Khang, khán giả biết, các nhân vật phụ biết, chỉ hai người không biết. Họ làm sao để nhận ra nhau, tìm thấy chân ái giữa biển người chính là yếu tố giữ chân khán giả.
Cùng cách kể đơn giản nhưng sâu sắc của bộ đôi đạo diễn tên tuổi Đỗ Kỳ Phong - Vi Gia Huy, âm nhạc là chất liệu quan trọng đưa đẩy cảm xúc cho Nàng rẽ trái, chàng rẽ phải.
Chạng vạng ngày buồn, bên ngoài ô cửa
Tương lai liệu có ai đó chờ đợi em?
Nhìn trái, nhìn phải, nhìn phía trước
Tình yêu phải rẽ thêm mấy khúc ngoặt mới tìm đến bên em?
Em sẽ gặp được ai, sẽ chuyện trò thế nào?
Người em mong đợi còn ở tương lai bao xa?
Em nghe tiếng gió thổi từ ga tàu và biển người
Em vẫn xếp hàng đợi nhận tấm vé của tình yêu
Ca từ như lời thủ thỉ đầy nữ tính, đầy khát khao chung đôi được cất lên bởi giọng hát trong veo của diva Singapore Tôn Yến Tư, trên nền nhạc dịu dàng. Được viết riêng cho phim Nàng rẽ trái, chàng rẽ phải, bài hát Gặp gỡ thổ lộ đúng nỗi lòng của hai nhân vật, nâng đỡ thêm cảm xúc cho chuyện tình trên màn ảnh.
Dù không khí nhuốm màu buồn, bộ phim lồng ghép nhiều tình huống bi hài xảy ra với hai nhân vật, trên hành trình tìm kiếm lẫn nhau. Cách hành xử của hai nhân vật phụ (hai người theo đuổi hai nhân vật chính và gây trở ngại cho hai nhân vật chính không thể gặp nhau) được làm cường điệu, phù hợp với câu chuyện chuyển thể từ truyện tranh.
Vì tình cảnh đặc biệt, Gia Ni và Trí Khang chỉ có hai, ba cảnh xuất hiện chung khung hình. Nhưng cách xây dựng tâm lý của kịch bản tạo cảm giác họ luôn hướng về nhau. Hai diễn viên chính cũng gần như diễn xuất riêng biệt. Nhưng để truyền tải đúng cảm xúc nhân vật, Lương Vịnh Kỳ dùng tình yêu của nhân vật Gia Ni để nhớ đến bạn diễn mỗi ngày, trong thời gian quay phim.
Nữ ca sĩ nổi tiếng Hong Kong được chọn vào vai bởi dáng vẻ ngọt ngào. Cô khắc họa chân dung Gia Ni hậu đậu, mơ mộng, có chút ngốc nghếch nhưng chân tình. Kim Thành Vũ được tác giả truyện gốc Jimi nhắm vào vai nhờ phong thái lịch thiệp, lãng mạn. Chàng nghệ sĩ violin ấm áp Trí Khang là một trong những vai diễn nổi bật trong sự nghiệp của chàng thơ mang hai dòng máu Nhật - Đài.
Sau 20 năm ra mắt, Nàng rẽ trái, chàng rẽ phải vẫn trong top phim rom-com (hài - lãng mạn) đáng xem của điện ảnh Hoa ngữ. Bộ phim là lựa chọn xứng đáng mùa lễ cuối năm cũ - đầu năm mới và dịp Valentine.
Năm 2003-2004, phim nhận nhiều đề cử cho diễn viên, thiết kế phục trang, thiết kế bối cảnh tại Giải thưởng điện ảnh Kim Tượng Hong Kong, Giải thưởng Điện ảnh Hoa ngữ, Giải thưởng điện ảnh Kim Mã Đài Loan. Tách khỏi bộ phim, ca khúc Gặp gỡ cũng có đời sống riêng nổi bật, giành giải "Nhạc phim xuất sắc" tại Giải thưởng Kim Mã năm 2003 và thịnh hành đến tận bây giờ.
'Mỗi tuần một phim hay' là chuyên mục mới của Ngôi Sao, cập nhật bài viết mới tại mục Phim lúc 0h thứ 6 hằng tuần. Mỗi bài viết giới thiệu một phim nổi tiếng của Việt Nam hoặc quốc tế với chủ đề đồng nhất trong tháng. Tháng 1/2023, Ngôi Sao trân trọng giới thiệu tới độc giả loạt phim gắn liền với ngày Tết, hợp với không khí lễ hội đầu năm mới.
Phong Kiều