

Kết hôn năm 2017 với ông xã người Nhật, Hứa Đặng Thanh Trúc chuyển sang định cư tại xứ sở hoa anh đào và bắt đầu xây dựng tổ ấm riêng của mình. Hai vợ chồng cô thuê một căn hộ ở tỉnh Chiba (giáp ranh Tokyo) với hiện trạng ban đầu là 'trống trơn'. Tất cả vật dụng trong nhà hiện tại từ bàn ghế đến đèn điện đều do vợ chồng cô sắm sửa vì văn hoá người Nhật đa số không thích dùng lại đồ cũ của người thuê nhà trước đó. Khu bếp cũng vậy; ngoài tủ bếp được bắt dính vào tường, hoàn toàn không có những chiếc giá, kệ để gia vị, cốc chén...
Khu vực dành cho nấu nướng trong căn hộ của vợ chồng Thanh Trúc chỉ khoảng 4 m2 (2m x 2m) mà tủ lạnh, tủ để lò vi sóng, lò nướng đã chiếm hết khoảng không gian phía sau; cộng thêm với mặt trước đặt bếp nấu và bồn rửa chiếm hết chiều ngang nhà bếp, bên dưới là phần tủ có cánh để chén đĩa, các đồ lặt vặt... nên Trúc cảm thấy rất bất tiện. 'Khoảng trống để đứng nấu nướng, đi tới đi lui chỉ còn xấp xỉ 0,6 m x 2m. Không gian hẹp nên nếu cứ mở tủ để lấy gia vị trong khi nấu nướng thì thật khó chịu, chưa kể có lúc cả hai vợ chồng cùng vào bếp khiến việc nấu nướng đúng là cả một vấn đề', Thanh Trúc chia sẻ.

Xuất phát từ những bất cập đó trong sinh hoạt nên bà nội trợ người Việt đã nung nấu ý định cải tạo khu bếp từ lâu. Tuy nhiên, do chưa tìm được nguồn gỗ thích hợp và công cụ cần thiết nên việc sắp xếp lại khu bếp vẫn là ước mơ đối với Trúc cho tới khi cô nhận ra tất cả những thứ mình cần chỉ là chiếc máy cưa mini giúp cô thay đổi kích thước các thanh gỗ theo nhu cầu. Từ đó mỗi ngày, Thanh Trúc đều lên mạng tham khảo các cách trang trí nhà cửa để tìm được phong cách phù hợp hơn cả với vợ chồng cô. Cuối cùng, Trúc quyết định biến không gian sống của mình thành một farmhouse - đơn giản - ấm cúng mà trước tiên là thay đổi diện mạo của khu bếp.

Ý tưởng đã có, Trúc bắt tay vào thực hiện. Tuy nhiên, do mọi công việc và ngành học trước đó của cô gái gốc Sài Gòn đều không liên quan đến trang trí nội thất nên thời gian để tự đóng mỗi chiếc giá, kệ cũng lâu hơn. Thanh Trúc chia sẻ: 'Tôi nghĩ nếu có ai đó chỉ bảo từng bước thì chắc việc cải tạo khu bếp chỉ mất nửa ngày, nhưng vì thân con gái lại chẳng có tí kinh nghiệm gì, chỉ mày mò tự học qua mạng, cộng thêm việc phải đi tới đi lui mua gỗ, mua nguyên liệu 2-3 lần nên mất gần cả tuần, tôi mới hoàn thành. Chồng cũng hỗ trợ tôi sơn, chà nhám gỗ vào ngày cuối tuần khi anh được nghỉ làm'.

Điều khiến Trúc 'đau đầu' nhất trong quá trình cải tạo là làm sao để kệ đứng vững mà không cần đóng cố định vào tường. Và giải pháp của Trúc là: Kệ có 2 thanh gỗ trụ 2 bên, góc trên cùng của trụ bên trái cô đặt khít vào cái máy hút mùi phía trên nên nó giữ được khá chắc, còn trụ bên phải chồng cô gợi ý dùng eke nẹp dính nó vào chiếc kệ bên phải.

Trước khi lấy chồng, Thanh Trúc có tiền để dành và hiện làm thêm công việc giữ trẻ cho một gia đình người Thái, do vậy cô có thể chủ động tài chính để thực hiện kế hoạch của mình.
Chi phí cho việc cải tạo mất gần 1 triệu đồng, bao gồm tiền mua gỗ, sơn, eke, decal giả gạch, hộp gia vị... Tất cả đều được mua ở các cửa hàng đồng giá 100 yên, còn những chai lọ thuỷ tinh đựng thức ăn sau khi dùng hết Trúc sẽ rửa sạch và tái sử dụng.

Bên cạnh việc tự tay đóng các giá, kệ để đồ cho gọn gàng, Thanh Trúc cũng đề cao tiêu chuẩn 'sạch sẽ' cho căn bếp nhỏ. Trong ảnh, cô chia sẻ tấm chắn dầu mỡ mà cô rất tâm đắc và gọi đó là 'người hùng bảo vệ kệ và chai lọ phía sau, che được 95% dầu mỡ bắn ra'.

Tất cả đồ dùng trong bếp đều được Thanh Trúc sắp xếp vào các ngăn tủ, ngăn kéo hoặc trên giá, kệ.

Món đồ nào sử dụng thường xuyên sẽ được để ở trên, phía ngoài và đồ ít dùng cho xuống dưới.

Đũa, thìa được đặt trong những chiếc ngăn nhỏ cùng với ngăn kéo để dao, nạo một cách gọn gàng, ngăn nắp.

Sở dĩ chọn khu bếp là không gian đầu tiên để cải tạo bởi với Thanh Trúc, nơi đó có vai trò quan trọng nhất, nhờ nó mà bữa cơm của vợ chồng cô trở nên chất lượng hơn, việc nấu nướng cũng thuận tiện, nhanh chóng.
'Cuối tuần, vợ chồng vui vẻ, thoải mái hơn khi cùng nhau nấu nướng mà không còn cảm giác chật chội như trước đây dù diện tích bếp chẳng có gì thay đổi. Việc nấu nướng trong gia đình không phải là trách nhiệm của riêng ai mà là sự đóng góp của các thành viên trong gia đình. Việc người phụ nữ vào bếp càng nên được trân trọng hơn và họ xứng đáng có được một nơi thoải mái trổ tài nấu nướng của mình. Phụ nữ vào bếp vì đam mê chứ không phải vì bổn phận', Thanh Trúc chia sẻ.

Hiện tại, cô dâu Việt tại Nhật cũng đang ấp ủ nhiều ý tưởng để cải tạo tổ ấm của mình, bao gồm trang trí sân vườn, đóng ghế sofa cho phòng khách...
'Thời gian vợ chồng tôi bên nhau rất ít do công việc anh khá bận rộn nên những khoảng thời gian còn lại tôi muốn anh có thể thoải mái nghỉ ngơi trong chính căn nhà tuy nhỏ nhưng ấm cúng của mình', Thanh Trúc bày tỏ mong muốn.
Ảnh: NVCC