Kinh nghiệm chăm con không ốm đau của tài khoản Mẹ Thỏ chia sẻ trên Hội mẹ Việt ở Nhật thu hút sự quan tâm của nhiều phụ huynh. Mẹ Thỏ kết hôn với người chồng Nhật và đang sống ở vùng Kyushu đã gần 4 năm. Hiện, cô có hai con, Thỏ, 19 tháng tuổi, và Sóc, hơn ba tháng tuổi. Từ lúc chào đời tới giờ, hai bé ăn ngủ đúng giờ, không quấy khóc đêm và đặc biệt chưa lần nào bị ốm ở Nhật. Bà mẹ hai con cho biết, đó là nhờ áp dụng những gì học được từ khóa hai tháng dạy cách phòng bệnh cho trẻ ở Nhật.
Mẹ Thỏ cho hay ở Nhật không khuyến khích dùng các loại thuốc bổ, thuốc tăng đề kháng, dinh dưỡng vì họ ưu tiên phòng bệnh bằng cách tăng đề kháng tự nhiên cho con. Thời tiết Nhật với bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông khá tương đồng với Việt Nam nên các bệnh theo mùa về cơ bản giống nhau. Theo người Nhật, 60% trẻ mắc bệnh về hô hấp (ho, mũi, viêm phế quản, viêm phổi...) là từ chính giường hay phòng ngủ của các bé. Vì thế, việc vệ sinh phòng ngủ đặc biệt quan trọng.
Mẹ Thỏ kể ông xã cẩn thận, sạch sẽ nên hút bụi, lau phòng hàng ngày. Ba ngày một lần, cô phơi chăn, đệm. Nếu trời mưa ẩm, Mẹ Thỏ sẽ sử dụng bình xịt diệt khuẩn, xịt trực tiếp lên chăn ga, gối, đệm. Phòng ngủ nên bảo đảm độ ẩm trong phòng là khoảng 60%, vì quá khô hoặc quá ẩm cũng đều là nguyên nhân gây bệnh hô hấp cho trẻ.
Đối với trẻ đi học rồi, dễ tiếp xúc với nguồn bệnh, mẹ nên bảo vệ con bằng một loại dung dịch xịt. Trước lúc con đi học, đi chơi, mẹ xịt vào quần áo, chân tay giúp hạn chế bé bị lây nhiễm khi tiếp xúc với nguồn bệnh. Ngoài ra, mẹ cần tăng sức đề kháng cho bé bằng rau xanh và hoa quả. Hàng ngày, Mẹ Thỏ cho con ăn rất nhiều rau và hoa quả, đặc biệt là quýt và cà chua bi. Bé Thỏ ăn cơm ít nhưng uống sữa, ăn cá, rau xanh và hoa quả khá nhiều.
"Các bé hay bị đi bị lại nên sau khi con khỏi bệnh, mẹ phải giặt toàn bộ chăn, gối, phơi đệm, khử trùng đồ chơi, bát đũa của bé để tránh không nhiễm khuẩn lại từ chính những đồ vật đó", Mẹ Thỏ khuyên.
Trước và sau khi đưa con đi tiêm phòng về, Mẹ Thỏ đều xịt trùng quần áo, giày dép, chân tay cho các con để hạn chế bị lây bệnh từ bệnh viện. Một cách phòng bệnh đơn giản và hiệu quả khác là các mẹ hãy cho con uống đủ nước mỗi ngày. Uống đủ nước giúp bé có thể tự đào thải một số loại virút ra khỏi cơ thể nên ngày nào Mẹ Thỏ cũng cho bé uống trà từ ba đến bốn bình.
Nàng dâu người Việt tâm sự mẹ bỉm sữa Nhật chăm con rất kỹ càng, kiên nhẫn và đặc biệt nghiêm khắc. Mẹ Thỏ học lỏm được nhiều kinh nghiệm dạy con hay từ họ khi tham gia lớp học 20 người với mức học phí 3,5 triệu đồng. Khóa học dạy mẹ từ cách rửa tay sao cho sạch vi khuẩn, cách rửa mặt, đánh răng, đi vệ sinh đến dạy tín hiệu cho bé.
Khi cho bé ăn dặm, mẹ sẽ làm hành động nào đó đặc trưng như lấy ghế, mặc áo ăn dặm, bê bát đũa, rửa tay cho bé hay cười lớn nói: "Ăn cơm nào". Việc này nhằm tập phản xạ cho bé hiểu đã đến giờ ăn, phải ngồi ghế ngay ngắn và nói cảm ơn trước khi ăn. Với bé chưa biết nói, mẹ nhắc đi nhắc lại câu cảm ơn. Nếu con không ngồi ghế, mặc áo ăn dặm, bé sẽ không được ăn.
Khi muốn con chú ý vào cái gì, mẹ hãy làm một chiếc ống nhòm bằng giấy. Ví dụ, mẹ muốn nhắc ổ điện rất nguy hiểm hay lò sưởi rất nóng, hãy cho bé nhìn ống nhòm vào đúng ổ điện hay lò sưởi đó để con chỉ tập trung vào ổ điện mà không thể nhìn ra chỗ khác.
Với Mẹ Thỏ, những giờ thực hành ở lớp giúp cô áp dụng vào đời sống hàng ngày. Bé Thỏ biết đi lúc 10 tháng, biết nói khi 13 tháng tuổi. Giờ khi đã 19 tháng tuổi, con tự đi giày, đánh răng, rửa mặt và xúc cơm ăn. Đến giờ ngủ, Thỏ tự động vào phòng khi thấy mẹ cầm gối và nói "đi ngủ nào".
Theo mẹ của bé Thỏ, trẻ em Nhật thường hay được người lớn khen trước khi chỉ ra lỗi sai. Khi bé mắc lỗi, mẹ sẽ không quát "con sai rồi" hay "không được thế" mà tìm ra ưu điểm để khen rồi mới nhắc tới khuyết điểm. Bé Thỏ thỉnh thoảng bị mẹ mắng vì thích leo trèo cầu thang chơi.
"Trong trường hợp này, mẹ nên bế con xuống, khen: 'Chân con khỏe nhỉ, leo giỏi ơi là giỏi'. Sau đó, mẹ cũng leo lên và làm bộ trượt chân ngã oạch xuống. Mẹ giả vờ đau đớn rồi bảo: 'Con đừng leo nhé. Leo giỏi lắm nhưng ngã đau như mẹ đấy'", Mẹ Thỏ chia sẻ.
Cô may mắn có mẹ chồng đỡ đần trông cháu và nấu ăn. Sau khi có em bé, vợ chồng cô chuyển về ở cùng nhà chồng. Nhắc tới mẹ chồng người Nhật, Mẹ Thỏ hạnh phúc khoe bà "hiền nhất quả đất" và "nếu không có bà, chắc tôi toi". Năm nay đã hơn 60 tuổi nhưng bà vẫn còn khỏe và nhanh nhẹn. Sống cùng mẹ chồng, cô dâu Việt học được nhiều điều từ cách nuôi dạy con của bà.
"Bà nội Thỏ rất chuẩn, lúc nào cũng khen trước nhắc sau. Thỉnh thoảng tôi quát con, bà khuyên không nên. Thấy tôi cho con ăn đồ nấu nhừ lâu quá, bà nhắc cho ăn đồ cứng hơn để bé tập nhai. Nếu thấy con dâu làm việc gì chưa đúng, bà thường bảo 'hay là thử làm thế này, thế kia xem sao', thay vì bắt phải làm theo ý bà", Mẹ Thỏ nói.
Nàng dâu Việt cho biết thêm bố mẹ chồng tôn trọng và không can thiệp vào cách nuôi dạy trẻ của vợ chồng cô và chỉ góp ý khi cần. Muốn rèn con tính tự lập, sự bạo dạn, cuối mỗi tuần, vợ chồng cô đưa con đi ngoại khóa. Ở Nhật, các bé mẫu giáo lớn hoặc học sinh tiểu học thường được trải nghiệm công việc của một nhà nông thực thụ khi đào khoai hay cắt lúa. Hoạt động này giúp trẻ biết tiết kiệm và quý trọng đồ ăn.
Bà mẹ hai con kể lại trường hợp người cháu họ bỏ lại cơm hoặc đồ. Mẹ bé đã dành ngày chủ nhật đưa con đi hái cà chua và con sẽ phải hái đúng nửa ngày. Dù bé mệt và muốn về nhưng mẹ quyết không đồng ý. Sau buổi đó, bé về ăn cơm ngon lành và không để thừa đồ ăn nữa.
"Mẹ cần giải thích với con: 'Cơm, gạo, thức ăn có được là nhờ các bác nông dân vất vả gấp trăm nghìn lần việc con làm lúc chiều. Vì thế, con không được lãng phí'", Mẹ Thỏ cho hay.
Hà Phương