Trưa 25/2, chưa kịp thay bộ váy xúng xính dự đám cưới người thân, chị Đan Tâm, 34 tuổi, bắt tay vào xử lý 50 mâm bát đũa nằm ngổn ngang ở sân. Hơn hai tiếng sau, đống bát đũa đã được nàng dâu lấy chồng quê Nam Định dọn dẹp sạch sẽ. Chị Tâm cho biết, quê chồng chị có tục lệ, cỗ mời khách ở nhà trai và nhà gái ăn xong xuôi mới đi đón dâu. Hôm đó mọi người vội đi rước dâu và chuẩn bị đón nhà gái đến, hơn nữa, đám cưới đúng dịp Tết, người quê lại cấy lúa dịp này nên ai nấy đều bận về để ra đồng mà không giúp chị được.
Với nữ giám đốc công ty cửa nhôm nhập khẩu, việc phải một mình rửa cả núi bát như vậy là chuyện bình thường. Năm nào cũng vậy, mỗi khi lễ, Tết hay nhà chồng có cỗ bàn, chị đều một tay lo liệu nấu nướng, chợ búa và rửa hết số mâm bát ăn.
"Tôi làm việc đó như một lẽ đương nhiên và không thấy áp lực. Nhiều người không tin bảo tôi chỉ chụp ảnh đăng lên mạng để câu like nhưng thực ra, đó là công việc tôi đã làm suốt 14 năm qua kể từ khi về nhà chồng", chị Tâm nói.
Chồng chị Tâm là con trai duy nhất trong gia đình có hai người con và là cháu độc tôn 5 đời của dòng họ. Theo chị Tâm, phụ nữ, đặc biệt là các nàng dâu ở vùng quê nặng tư tưởng phong kiến như chị, thường được mặc định rửa bát, chợ búa, bếp núc là việc của họ. Những gia đình có đông nàng dâu, việc nhà sẽ được chia sẻ, đỡ đần. Chị Tâm là dâu trưởng nên phải lo liệu toàn bộ, thỉnh thoảng mới có cháu hỗ trợ. Bà mẹ ba con cho hay, giờ về quê, chị đã lên chức bà nhưng vẫn "không trốn" được bữa cỗ nào, trừ những vụ nhỏ.
Từ lúc ông xã chụp ảnh chị cùng sân mâm bát rồi đăng lên mạng, cuộc sống của chị Tâm có xáo trộn đôi chút vì bất ngờ được nhiều người quan tâm. Sinh ra và lớn lên ở thành phố Sơn La, chị được dạy về công việc bếp núc từ nhỏ nên thạo nữ công gia chánh. Vì thế, khi nhận được nhiều lời khen ngợi, chị thấy bất ngờ.
Chị Tâm nhớ lại ngày cưới cách đây hơn chục năm. Hồi đó, buổi lễ vừa kết thúc, chị chưa kịp đi rửa lớp trang điểm trên mặt hay gỡ ghim cài tóc trên đầu, chỉ thay bộ quần áo mặc nhà đã lao ra rửa bát. Xong xuôi, chị còn phải trải bạt để phơi lông gà. Lúc đầu chị hơi buồn nhưng do có sự chuẩn bị tâm lý trước nên nhanh chóng bắt tay vào công việc.
"Ngày đầu mới về làm dâu, tôi đã phải trả qua bài kiểm tra của mẹ chồng. Bà đưa cho tôi 5 con gà trống và giao làm 6 mâm cơm. Mọi người trong nhà lúc đó chờ đợi xem liệu tôi có vượt qua được thử thách này không. Nhưng chỉ một loáng, tôi đã hoàn thành. Cả nhà đi chơi về bất ngờ vì thấy mâm cỗ đã đầy đủ", chị Tâm kể.
Sau lần đó, mẹ chồng chị yên tâm giao toàn bộ công việc lớn nhỏ cho dâu trưởng.
Anh Túc, chồng chị Tâm, cho biết bức ảnh được chụp hôm đám cưới một người thân ở quê. Đi làm xa cả năm mới về quê, chị Tâm muốn thể hiện nên mời người thân lên nhà uống nước, nghỉ ngơi để tự mình dọn dẹp. Các con, cháu giúp chị cất dọn chồng bát, đũa sau khi rửa. Theo anh Túc, vợ anh thích nấu ăn, đặc biệt là các món dân tộc, và dọn dẹp. Khi đã bắt tay vào làm, chị Tâm không muốn ai động vào. Trước những phản ứng cho rằng chị Tâm "làm màu" bên đống bát đũa chỉ để chụp ảnh, anh Túc nói: "Không phải đâu. Vợ tôi khéo tay và thích phục vụ người thân yêu. Mỗi khi có khách tới nhà, tôi chỉ cần báo trước; lúc sau đã thấy cô ấy chuẩn bị cơm nước đàng hoàng". |
Hà Phương
Ảnh: NVCC