Chiều tối 21/3, dọc con ngõ nhỏ chừng 100 m ở khu phố Hoàng Văn Thụ, phường Hữu Nghị (thành phố Hoà Bình), 8 gia đình có con bị đuối nước buồn bã chuẩn bị lo hậu sự cho các em. Tiếng kèn đám ma vang lên khắp nơi. Dòng người mặc áo đen cầm nhang lặng lẽ đi bộ qua từng nhà có trẻ gặp nạn.
Nhà cách sông Đà chừng 1 km nên các em nhỏ ở khu dân phố được đánh giá "khá bạo nước và nhiều em biết bơi". Khu ven bờ sông Đà hàng năm cũng thường có người đuối nước song chưa bao giờ có nhiều trẻ em cùng chết đuối một lúc như vậy.
Đứng sâu trong góc sân nhìn gia đình tổ chức tang lễ cho các bạn, em Xa Đình Hoàng (9 tuổi, một trong hai học sinh may mắn thoát nạn) vẫn không tin và "chẳng hiểu chuyện gì xảy ra". Chưa đầy 10 phút, tám người bạn của em đã bị dòng nước cuốn đi.
Nhớ lại buổi chiều định mệnh, Hoàng nhỏ giọng nói, vì được nghỉ học nên khoảng 15h, 10 nam sinh, từ 10 đến 15 tuổi, rủ nhau ra sông Đà chơi bóng nước. Tại bờ sông thuộc địa phận phường Thịnh Lang, 9 em nhảy xuống sông nghịch bóng, còn một em ngồi trên bờ do không biết bơi.
Sau chừng 15 phút, quả bóng bất ngờ bị dòng nước đẩy ra xa. Cùng lúc này, cả 9 em đang cách bờ khoảng 10 m bắt đầu có dấu hiệu đuối nước nên hò nhau bơi vào bờ. Hoàng cách bờ gần nhất nên nhanh chóng bơi vào đầu tiên, thoát được dòng nước cuốn.
"Em vừa lên bờ thì thấy các anh đang ngấp ngoải kêu cứu", Hoàng nói và cho hay tiếng kêu thất thanh rồi tắt dần sau chừng 10 phút.
Bơi ngay sau Hoàng là Bùi Đinh Gia Bảo (14 tuổi). "Anh Bảo còn cách bờ khoảng 2 m thì bất ngờ bị nước cuốn đi cùng 7 bạn còn lại. Em hoảng sợ nên chạy đi gọi người đến cứu. Lúc em cùng người lớn quay lại, dòng nước đã lặng thinh, không thấy mọi người đâu", Hoàng kể.
Hoàng cho biết thêm cả nhóm từng vài lần ra sông nghịch bóng nước song chưa bao giờ "thấy dấu hiệu bất thường". Nhóm cũng có vài người không biết bơi.
Nhận tin báo, Công an tỉnh Hoà Bình điều động hơn 40 chiến sĩ cứu nạn cứu hộ cùng nhiều phương tiện đến hiện trường tìm kiếm các nạn nhân.
Khúc sông từng có nhiều người chết đuối
Là dân bản địa, ông Nguyễn Xuân Thành (60 tuổi) thốt lên: "Chưa bao giờ phường Hữu Nghị có nhiều người chết đuối trong cùng một ngày như vậy. Thật quá thương tâm".
Lúc ông ra hiện trường, thi thể các em đang được đưa dần lên bờ.
"Cả 8 em đều không bị trôi xa mà tụm lại ở vòng tròn xoáy có đường kính chừng 100 m. Sau gần một giờ, công tác cứu hộ đã hoàn tất", ông Thành nói và phán đoán do mắc vào vòng xoáy quá mạnh nên các em không thể thoát.
Đoạn sông nơi 8 học sinh gặp nạn là khúc cua của sông Đà, rộng chừng 600 m, cách thuỷ điện Hoà Bình khoảng 2 km. Dòng nước ở đây được dân bản địa đánh giá "chảy không siết". Tuy nhiên ở đó có một hố sâu, nước chảy xoáy khá mạnh. Đoạn sông này năm nào cũng có người đuối nước nên chính quyền đã cắm biển cấm nhưng gần đây tấm biển bị nước lũ cuốn trôi.
Cô Hoàng Thị Hà (giáo viên trường Tiểu học Hữu Nghị) cho hay nhà trường chỉ dạy chính khoá buổi sáng, buổi chiều các em học tự do. 8 em gặp nạn đều là bạn cùng trường lại gần nhà nhau nên chơi rất thân. "Chúng tôi rất đau lòng và không dám nghĩ các em lại rủ nhau ra sông chơi nguy hiểm như vậy", cô Hà nói.
Chiều 21/3, Ủy ban Quốc gia về Trẻ em có công văn gửi UBND các địa phương chỉ đạo các đơn vị chức năng triển khai thực hiện biện pháp phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em nói chung và phòng, chống đuối nước với trẻ em nói riêng. Quý I/2019 xảy ra liên tiếp các vụ đuối nước gây tử vong cho trẻ em tại một số địa phương. Đề nghị các địa phương đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân về phòng, chống đuối nước trẻ em. Tuyên truyền, vận động gia đình giám sát trẻ, đặc biệt trong mùa mưa bão và mùa nước nổi; chủ động đưa trẻ em đi học bơi, học kỹ năng an toàn trong môi trường nước; phổ biến kiến thức, kỹ năng về phòng, chống đuối nước trẻ em cho người dân và trẻ em. Tổ chức kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về an toàn giao thông đường thủy; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm... |
P.D.