Ngôi nhà đơn sơ của gia đình chị Hoàng Thị Lụ nay đã trở nên hoang vắng. |
Chiều ngày 4/4 chị Hoàng Thị Lụ vào rừng nhặt củi thì thấy một đám nấm mọc từ đất lên, có mầu tía, không có mũ, thấy non, chị lấy một nắm về nấu, 4 mẹ con cùng ăn thay rau. Đêm đó cả 4 mẹ con đều ngủ ngon, đến 7h ngày hôm sau (5/4) thì nhức đầu, đau bụng, đi ngoài…
Thấy chị và 3 cháu bị ốm, em chồng chị Lụ là Lục Văn Vẩy đến thăm và hỏi mới biết là tối hôm qua gia đình chị đã ăn phải nấm độc. Lập tức anh Vẩy hô hào bà con trong thôn đưa 4 mẹ con chị Lụ lên thẳng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn.
Tại đây, các bác sỹ tại khoa Hồi sức cấp cứu xác định gia đình bệnh nhân đã ăn phải nấm độc tác dụng chậm họ Amnita Phalloit (loại nấm này sau khi ăn sẽ hoại tử gan và tan máu). Mặc dù được điều trị tích cực, nhưng ngày 10/4, cháu út là Lục Thị Tươi (11 tuổi) đã chết. Sau đó lần lượt các cháu Lục Thị Phồng (16 tuổi), Lục Thị Bay (14 tuổi) và mẹ Hoàng Thị Lụ (45 tuổi) đều không qua khỏi
100% số hộ trong thôn Khuổi Đẳng là người dân tộc Nùng. Trưởng thôn Khuổi Đẳng Trần Văn Khần cho Tiền Phong biết, tại thôn Khuổi Đẳng và trên các vườn núi, trong rừng gần đó rất nhiều nấm có mầu tía, không có mũ, to bằng ngón tay cái mọc lên từ đất, ban đêm phát sáng như đom đóm và nó chỉ sống được trong vòng một ngày, một đêm. Chính 4 mẹ con chị Lụ đã ăn nấm này.
Mười một năm về trước (1994), ăn phải nấm này, anh chồng chị Lụ là Lục Văn Hý đã chết. Nhân dân trong xóm đưa tiễn anh Hý trở về, đến chiều thì con trai anh 2 tuổi cũng chết theo bố vì ăn nấm độc. Như vậy là nấm độc đã “xoá sổ” một gia đình dân tộc Nùng.
Cũng tại thôn Khuổi Đẳng, năm 1996 bố con anh Dương Văn Doỏng (46 tuổi) và Dương Thị Phương (16 tuổi) chết vì ăn nấm độc. Còn anh Lương Văn Dù, ăn phải loại nấm phát sáng vào ban đêm sức khoẻ liên tục giảm sút, sau một năm cũng qua đời. Kéo dài tuổi thọ được một năm vì anh Dù ăn rất ít, đang ăn thì người nhà đổ đi.
Bác sỹ Bế Văn Phương, Trạm trưởng Trạm y tế xã Sỹ Bình cho biết, trên địa bàn xã có 3 thôn là những thôn toàn người dân tộc Nùng có nguy cơ ngộ độc nấm cao nhất bởi nhân dân thường lấy nấm về ăn thay rau. Vì vậy năm nào cán bộ y tế xã cũng về 3 thôn để tuyên truyền vệ sinh an toàn thực phẩm.
Ngay sau khi mẹ con chị Lụ qua đời, ngày 16/4, anh Phương vội vàng về 3 thôn này để tuyên truyền “nóng” về vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt không ăn nấm lạ. Nhưng anh không có bất cứ một phương tiện gì để tuyên truyền ngoài nói “vo”.
Anh nói: “Lẽ ra phải có tranh, ảnh để chỉ cho nhân dân biết nấm nào lành, nấm nào độc mà phòng tránh”. Như vậy, trong khi dân trí ở đây còn thấp, nhiều người mù chữ, không biết tiếng Việt làm sao phân biệt được nấm độc với nấm lành, ở những vùng này, tuyên truyền như thế không có hiệu quả mà thực tế đã chứng minh.
Bác sĩ Phương cho biết thêm, tại Trạm y tế xã Sỹ Bình không đủ các điều kiện để sơ cứu ban đầu. Đó là thiếu bình ôxy và thiết bị hô hấp nhân tạo, sau khi gây nôn để thải độc phải truyền sinh tố để trợ lực, nhưng Trạm y tế xã chỉ có 1-2 chai. Do đó, không thể đáp ứng được các điều kiện sơ cứu ban đầu về ngộ độc nói chung, trong đó có ngộ độc nấm.