Khác với lúc 0h15, lần này hầu hết các khu vực ở TP HCM đều bị rung chuyển. Chị Mỹ Hằng, nhân viên Công ty FPT, đường Võ Văn Tần, quận 3, kể lại, đang ngồi làm trong phòng bỗng bàn làm việc của chị rung mạnh. Máy tính như nhảy lên khỏi chỗ. Rất nhiều nhân viên văn phòng tại các cao ốc gần đó đều đổ xuống đường. Họ là những người cảm nhận thấy sự rung lắc rõ nhất do ở trên tầng cao.
![]() |
Các y bác sĩ bệnh viện Columbia, quận 1, TP HCM chạy ra đường khi có động đất xảy ra lúc 14h55. |
Anh Bùi Quốc Bảo, đạo diễn sân khấu, cũng cho VnExpress biết, anh đang ngồi viết bài tại nhà riêng trên đường Cống Quỳnh, quận 1, thì thấy đất dưới chân chao đảo. Anh liền chạy ra đường, ở đó rất đông người dân đang tụ tập hoang mang, bàn tán.
Nhiều nơi khác như quận Tân Bình, Bình Tân, Phú Nhuận, quận 9, quận 2... người dân cũng cảm nhận được những rung lắc tương tự cùng thời điểm trên.
Tại thành phố Vũng Tàu, cơn dư chấn cũng diễn ra trong vài giây. Theo chị Phạm Thị Hạnh, ngụ ở đường Tú Xương, cơn dư chấn có cường độ tương đương cơn tối qua. Sau 30 phút dư chấn, nhiều người dân khu dân cư phường 4 vẫn đứng bàn tán một cách lo ngại.
Trao đổi nhanh với VnExpress, Viện trưởng Vật lý địa cầu Nguyễn Ngọc Thủy cho biết: "Đây là những cơn dư chấn đương nhiên xảy ra sau trận động đất sáng sớm nay. Và sẽ tiếp tục có những cơn dư chấn khác nữa xảy ra với cường độ thấp dần và giảm đến hết trong vòng 1-2 tháng nữa. Hiện chưa đo được cường độ của dư chấn vừa xảy ra, nhưng có khả năng vẫn diễn ra ở cùng tọa độ trận hồi sáng".
![]() |
Nhân viên tại trung tâm thương mại Diamon Plaza lục đục kéo nhau ra về sau dư chấn. |
Trận động đất lúc 0h15 sáng nay tại khu vực Nam Bộ đã được các trạm quan trắc Viện Vật lý địa cầu đo cường độ là 5,1 độ richter. Đến đầu giờ chiều nay, theo thông tin từ các trạm quan trắc thế giới, Viện Vật lý địa cầu kết luận sơ bộ: tọa độ trận động đất ở 10 độ vĩ Bắc, 108 độ kinh Đông, ngoài khơi Biển Đông cách bờ biển Vũng Tàu 100 km, nằm trong vùng giao nhau của các đới đứt gãy Nam Côn Sơn, Thuận Hải - Minh Hải - Cà Mau và đứt gãy kinh tuyến 110 ngoài khơi Biển Đông.
Trận động đất này ảnh hưởng rộng đến các tỉnh Nam Trung bộ và miền Đông Nam bộ (một vùng rộng lớn từ các tỉnh Phan Rang, Phan Thiết đến Đồng Nai, Vũng Tàu, TP HCM) với cường độ cao nhất trong các đợt động đất đã xảy ra ở khu vực từ trước đến nay. Tuy nhiên, sóng thần khó có khả năng xảy ra ở vùng Biển Đông do đặc điểm địa lý đáy biển không phù hợp.
Trưởng phòng Quan sát động đất 1 Viện Vật lý địa cầu Lê Tự Sơn cho biết, tất cả các trạm quan trắc động đất ở Việt Nam và thế giới đều đo được, song mỗi trạm thông báo về cường độ lại khác nhau. Có nơi đo được 4,9 độ nhưng cũng có trạm thông báo chỉ 4 độ richter. Giải thích điều này, ông Sơn cho rằng do cách tính quan trắc của mỗi quốc gia có khác nhau nên cho kết quả chênh lệch.
Sau khi áp dụng các biện pháp đối chiếu khoa học, Viện vật lý địa cầu chính thức thông báo cường độ trận động đất lần này là 5,1 độ richter. Song, ông Sơn cũng cho biết đến giờ vẫn chưa xác định được chính xác tọa độ của trận động đất nhưng ước đoán động đất đã xảy ra tại khu vực giao nhau giữa đới đứt gãy Nam Côn Sơn và đứt gãy đường kinh tuyến 110, nơi xảy ra các trận động đất hồi tháng 8. "Cấp động đất cũng chưa rõ ràng vì còn tùy thuộc vào dư chấn của từng khu vực địa chấn các tỉnh", ông Sơn cho biết.
Giáo sư Lê Minh Triết, Chủ tịch Hội đồng khoa học liên ngành Viện Khoa học và công nghệ Việt Nam khẳng định, sóng thần khó có khả năng xảy ra ở khu vực Biển Đông trong trường hợp động đất. "Điều kiện để xảy ra sóng thần là cường độ động đất trên 6 độ richter cộng với đáy biển phải có độ trồi sụt nhất định. Trong khi những động đất cao nhất đo được trong khu vực cho đến nay là 5,2 độ, tính toán khoa học cho thấy tối đa chỉ ở khoảng cường độ 5,5 độ richter nên sóng thần trên Biển Đông khó xảy ra", ông Triết giải thích.
So với những dư chấn của trận động đất xảy ra hồi tháng 8, theo nhiều người dân chứng kiến thì dư chấn lần này mặc dù ít đợt rung hơn nhưng cường độ lại mạnh hơn. Anh Trần Thanh Bình, ngụ chung cư Phan Đăng Lưu, quận Phú Nhuận cho biết, hộ gia đình anh ở tầng trệt chung cư nhưng cảm nhận về dư chấn rất rõ. "Mặt đất rung lên như có chiếc xe tải hạng nặng chạy qua mặc dù nhà tôi ở cách mặt đường lớn hơn 100m", anh Bình nói. Hoảng loạn cũng xảy ra tại các hộ dân chung cư Ngô Tất Tố, quận Bình Thạnh vì những dư chấn mạnh cũng ảnh hưởng đến khu vực này.
Đây là lần thứ 3 trong năm, động đất xảy ra ở các tỉnh phía Nam và dư chấn lan truyền đến TP HCM, sau trận động đất tháng 8 và ngày 18/10. Lý do liên tiếp xảy ra động đất trong khu vực thời gian qua, trong khi nhiều năm nay danh từ này còn khá xa lạ với người Nam Bộ, Giáo sư Lê Minh Triết cho biết, có khả năng các đới đứt gãy phía Nam đang trở lại chu kỳ hoạt động.
"Tuy nhiên tôi không khẳng định điều này vì những nghiên cứu động đất ở phía Nam chỉ mới có thời gian ngắn và còn ít ỏi nên chưa đủ số liệu để khẳng định về quy trình mỗi chu kỳ", ông Triết nói. Viện trưởng Viện vật lý địa cầu Nguyễn Ngọc Thủy cũng cho rằng, yếu tố đầu tiên được các nhà khoa học nghĩ đến là do các đới đứt gãy vào chu kỳ tái hoạt động. "Nhưng muốn khẳng định điều này thì đòi hỏi phải có những công trình nghiên cứu khoa học trong khi kinh phí hiện nay chưa cho phép", ông Thủy phân trần.
Nhìn lại 3 trận động đất vừa xảy ra trong vòng 4 tháng qua và dư chấn ảnh hưởng đến TP HCM, ông Triết cho rằng với những rung chấn đã xảy ra thì động đất chỉ ở dưới cấp 5. "Cấp 5 sẽ gây chấn động mạnh hơn, người trong nhà và cả đang đi ngoài đường hay ngủ đều cảm nhận được. Vật nuôi trong nhà cũng có thể nhận biết trước được và động đất cấp này sẽ làm sập nhà xây không kiên cố", ông Triết nhận xét. Động đất cấp 6 mới gây nên những hư hại lớn cho khu vực như cây cối đổ, sập nhà, nứt đất... Tuy nhiên ông Triết cho rằng: "Căn cứ vào những trận động đất đo được trong lịch sử miền đất phía Nam, đồng thời trên bản đồ phân vùng động đất Việt Nam và thế giới thì cũng khó xảy ra động đất trên cấp 5 tại các đới đứt gãy phía Nam".
Ông Lê Tử Sơn cũng nhấn mạnh có khả năng đang xảy ra một chuỗi động đất tại các đới đứt gãy phía Nam và dư chấn ảnh hưởng đến các tỉnh trong khu vực. "Đây là hiện tượng động đất cường độ không lớn nhưng xảy ra liên tục 1 thời gian có thể vài tháng hay 1 năm rồi hết. Loại động đất này không đáng lo do năng lượng đã lan tỏa dần nên khó xảy ra tác động mạnh, so với động đất "nằm im" không có dấu hiệu rồi bất chợt nổi lên mạnh mẽ như ở Pakistan vừa qua", ông Sơn nhấn mạnh. Ông Sơn cũng cho rằng, mặc dù Việt Nam chưa thể dự báo được động đất nhưng ước đoán có thể còn tiếp tục xảy ra nhiều trận động đất khác với cường độ tương đương 3 đợt động đất vừa qua tại các đới đứt gãy phía Nam.
Theo Giám đốc Sở Khoa học công nghệ TP HCM Đào Văn Lượng, Đề án nghiên cứu phân vùng động đất nhỏ tại TP HCM đã được Sở trình UBND thành phố nhưng đến nay vẫn chưa được phê duyệt. Nếu được duyệt, đề án này sẽ "vẽ" nên một bản đồ phân vùng động đất cho từng khu vực tại TP HCM và mức độ ảnh hưởng của địa chấn đến từng khu vực. "Đây là điều cực kỳ quan trọng đối với các công trình xây dựng cao tầng, công trình ngầm tại thành phố khi tính đến mức kháng chấn trong thiết kế và thi công công trình", Giáo sư Nguyễn Minh Triết nhận định. Theo đề án, có ít nhất 3 trạm vi địa chấn sẽ được xây dựng tại phía Nam để ghi lại những trận động đất nhỏ, làm cơ sở tính toán khả năng diễn ra những trận động đất lớn. Theo giáo sư Triết, những trạm vi địa chấn sẽ chỉ hoạt động trong thời gian ngắn, sau đó nhường chỗ cho các trạm quan trắc địa chất hoạt động lâu dài và ổn định. |
(Theo VnExpress)