
Khuôn mặt đầy máu của một người sống sót sau động đất ở Myanmar. Ảnh: AFP
Tướng Min Aung Hlaing, lãnh đạo chính quyền Myanmar, cho biết 144 người đã thiệt mạng và 732 người bị thương do động đất ở nước này. Theo Straits Times, ít nhất 9 người thiệt mạng trong vụ sập tòa nhà ở Bangkok, Thái Lan, và 117 nạn nhân bị thương vì động đất, nâng tổng số người chết ở Myanmar và Thái Lan lên 153, tính đến tối 28/3.
Cảnh đổ nát ở Myanmar sau thảm họa động đất.
Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) hiện đưa ra cảnh báo đỏ về số người chết và thiệt hại sau trận động đất xảy ra ở Mandalay, Myanmar trưa 28/3.
Theo USGS, Myanmar đã hứng chịu hai trận động đất. 12 phút sau trận động đất 7,7 độ richter, một trận động đất khác mạnh 6,4 độ richter đã xảy ra, tâm chấn nằm cách Sagaing 18 km về phía nam. Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ ước tính hàng nghìn người có thể đã thiệt mạng do hậu quả của hai trận động đất này. Trong khi đó, Giáo sư Ian Main, thuộc trường Khoa học Địa chất, Đại học Edinburgh, nhận định thiệt hại gần tâm chấn có thể "vô cùng nghiêm trọng".

Các nhân viên y tế ở Myanmar phải chăm sóc bệnh nhân ở trên đường phố do trong bệnh viện đã quá tải. Ảnh: AFP
Các quan chức tại một bệnh viện lớn ở Naypyidaw, thủ đô Myanmar, hiện tuyên bố đây là "khu vực thảm họa hàng loạt", với số người chết dự kiến còn tăng lên do nhiều tòa nhà đổ sập. "Tôi chưa từng thấy điều gì như thế này trước đây. Chúng tôi đang cố gắng xử lý tình hình. Tôi kiệt sức rồi", một bác sĩ nói với hãng tin AFP.
Bên cạnh đó, động đất cũng gây tàn phá trên diện rộng và lo ngại về nguy cơ sập đập gây lũ lụt thảm khốc, có thể dẫn đến cái chết của khoảng 10.000 - 100.000 người.

Một người đi xe máy tránh một vết nứt trên đường ở Naypyidaw, thủ đô của Myanmar. Ảnh: AFP
Tính tới 19h tối nay (theo giờ Hà Nội), chính quyền quân sự Myanmar cho biết có nhiều dân thường tử vong và bị thương nhưng không thông báo con số cụ thể. Trong khi đó, truyền thông khu vực đưa tin ít nhất 55 người Myanmar đã thiệt mạng và hàng nghìn người bị thương. Trong số này, ít nhất 10 người chết do sập nhà thờ Hồi giáo ở Mandalay, hai người tử vong và 20 người bị thương ở một khách sạn bị sập tại thị trấn Aung Ban. Hơn 20 trẻ em bị mắc kẹt trong một trường học ở thành phố Taungoo. Tháp kiểm soát không lưu sân bay quốc tế Nay Pyi Taw, cũng được cho là đã sập khiến toàn bộ 5 nhân viên bên trong thiệt mạng.
Tại một bệnh viện đa khoa 1.000 giường ở thủ đô, hàng dài người bị thương được điều trị bên ngoài khoa cấp cứu, một số người quằn quại đau đớn, số khác nằm bất động khi người thân tìm cách an ủi họ. Một bệnh viện khác ở Mandalay, thành phố lớn thứ hai của đất nước và gần tâm chấn, cũng trong tình trạng tương tự.

Cảnh đổ nát bên trong Sân bay Quốc tế Mandalay. Ảnh: X
Về tài sản, ở Mandalay, trận động đất đã làm hư hại một phần cung điện hoàng gia cũ và các tòa nhà, theo video và hình ảnh được đăng tải trên mạng xã hội. Ở vùng Sagaing, phía tây nam Mandalay, một cây cầu 90 năm tuổi đã bị sập và một số đoạn đường cao tốc nối Mandalay và Yangon, thành phố lớn nhất Myanmar, cũng bị hư hại. Tại thủ đô Naypyidaw, động đất gây hư hại cho các đền thờ tôn giáo và một số ngôi nhà.

Một tòa nhà bị hư hại sau trận động đất ở Mandalay, Myanmar. Ảnh: Reuters
Trận động đất xảy ra khi Myanmar đang đối mặt với cuộc nội chiến kéo dài 4 năm. Thảm họa này đã khiến chính quyền quân sự Myanmar phải đưa ra lời kêu gọi viện trợ quốc tế hiếm hoi, đồng thời tuyên bố tình trạng khẩn cấp trên 6 khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Tòa nhà ven Hồ Inle ở phía đông Myanma bị hư hại sau động đất. Ảnh: Telegraph
Tại Thái Lan, trận động đất cũng gây ra nhiều thiệt hại. Một tòa nhà 34 tầng đang xây dựng ở Bangkok "hóa tro bụi" chỉ trong giây lát, khiến 3 người chết, hàng chục người bị thương và 81 công nhân vẫn còn mắc kẹt. Thủ tướng Thái Lan đã ban bố tình trạng khẩn cấp tại Bangkok, gọi đây là vùng thảm họa. Sở giao dịch chứng khoán Thái Lan đã tạm ngừng tất cả các hoạt động giao dịch. Nhiều video được lan truyền cho thấy các tòa nhà bị sập và nước chảy ra từ các bể bơi trên sân thượng ở thủ đô Thái Lan.

Hai công nhân bật khóc sau động đất ở gần hiện trường vụ sập tòa nhà 34 tầng tại Bangkok. Ảnh: Reuters
Trận động đất cũng buộc Bangkok phải tạm dừng một số dịch vụ tàu điện ngầm và đường sắt trên cao trong thành phố. Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra cho biết bà đã phải tạm dừng chuyến thăm chính thức đến đảo Phuket ở miền nam để tổ chức một "cuộc họp khẩn" sau trận động đất.

Đội cứu hộ làm việc tại hiện trường vụ sập tòa nhà 34 tầng ở Bangkok để giải cứu những người còn mắc kẹt. Ảnh: AFP

Một công nhân bị thương trên đường được đưa đi chữa trị. Ảnh: AFP
Theo cơ quan động đất của Bắc Kinh, trận động đất cũng được cảm nhận ở tỉnh Vân Nam, tây nam Trung Quốc, với cường độ đo được là 7,9 độ. Tại Việt Nam, người dân ở các đô thị lớn như TP HCM và Hà Nội cảm nhận rõ rệt rung lắc lúc 13h20.

Người dân Bangkok đổ ra đường sau khi cảm nhận rung lắc trong các tòa nhà trưa 28/3. Ảnh: AFP
Động đất tương đối phổ biến ở Myanmar, nơi 6 trận động đất mạnh từ 7,0 độ trở lên đã xảy ra từ năm 1930 đến năm 1956, theo USGS. Một trận động đất mạnh 6,8 độ ở cố đô Bagan, miền trung Myanmar từng khiến ba người thiệt mạng vào năm 2016, làm đổ sập các ngọn tháp và làm sụp đổ các bức tường đền thờ tại điểm du lịch này.
Tốc độ phát triển chóng mặt ở các thành phố của Myanmar, cùng với cơ sở hạ tầng xuống cấp và quy hoạch đô thị kém, cũng khiến các khu vực đông dân cư nhất của đất nước dễ bị tổn thương trước động đất và các thảm họa khác. Ngoài ra, quốc gia Đông Nam Á này có hệ thống y tế còn hạn chế, đặc biệt là ở các bang nông thôn.
Tùng Anh (Theo Telegraph)