Cừu non được thí nghiệm trong tử cung nhân tạo
Mirror đưa tin các nhà khoa học Mỹ đã sáng chế ra tử cung nhân tạo, giúp trẻ sinh non có cơ hội sống sót cao hơn. Thiết bị được thiết kế có hình dạng một chiếc túi nhựa, chứa chất lỏng tương tự nước ối, em bé sẽ được cung cấp dinh dưỡng thông qua một hệ thống giống như dây rốn bên trong bụng mẹ.
Sáng chế này đã được kiểm tra và thử nghiệm thành công trên loài cừu. Theo kết quả nghiên cứu công bố trên tạp chí Nature Communications, một tháng trong tử cung nhân tạo, con vật có thể hít thở, nuốt, mở mắt, mọc lông, phát triển hệ thần kinh và cơ quan nội tạng hoàn thiện.
Theo thống kê, trẻ sinh non ở tuần tuổi thứ 23 thường nặng dưới 600 gram và có khả năng sống sót không cao. 90% trường hợp sinh non còn có khả năng mắc bệnh phổi mãn tính hoặc nhiều hệ quả khác do chào đời khi các cơ quan nội tạng chưa phát triển hoàn thiện. Tử cung nhân tạo được sáng chế nhằm ngăn chặn nguy cơ này, giúp tăng khả năng phát triển khỏe mạnh cho em bé sinh thiếu tháng.
Tiến sĩ Alan Flake, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu thai nhi thuộc Bệnh viện Nhi Philadelphia, Mỹ cho biết: "Hệ thống này có khả năng ngăn chặn các nguy cơ bệnh tật mà trẻ sinh non có thể gặp phải bằng cách đem đến công nghệ y học chưa từng có. Tử cung của người mẹ chính là cầu nối giữa thai nhi và thế giới bên ngoài, nếu chúng ta phát triển được một hệ thống tương tự, hỗ trợ cho quá trình phát triển, hoàn thiện các cơ quan nội tạng trong vài tuần, chúng ta có thể cải thiện phần nào sức khỏe cho trẻ sinh non".
Các chuyên gia cũng khẳng định không có công nghệ nào có thể thay thế tử cung người mẹ, sáng chế này không nhằm kết thúc thai kỳ sớm, mà đơn giản chỉ là tạo điều kiện chăm sóc tốt hơn cho trẻ sơ sinh thiếu tháng. Giáo sư Colin Duncan của Đại học Edinburgh, Anh, chia sẻ: "Nghiên cứu này không nhằm thay thế tử cung người mẹ, nó là cách mới để chăm sóc, điều trị trẻ sinh non".
Nghiên cứu này hiện vẫn chưa hoàn thiện, bởi giữa cừu non và trẻ sơ sinh có sự khác biệt đáng kể. Cừu non có kích thước gấp ba lần so với trẻ sơ sinh, đồng thời con vật cũng có thời gian phát triển nhanh hơn so với ở người. Các nhà khoa học tin rằng nó sẽ hoàn thiện và có thể ứng dụng cho trẻ sơ sinh vào năm 2020.
Thảo Nhi