Doanh thu thị trường mỹ phẩm Việt Nam năm 2005 dự kiến đạt khoảng 3.000 tỷ đồng, với mức tăng trưởng khoảng 12-14% so với 2004, thấp hơn các năm trước, luôn trên 20%, do số lượng người mua tăng ít mà chủ yếu là số tiền mua sắm tăng theo giá trị sản phẩm, theo số liệu của một công ty nghiên cứu thị trường.
Mùa hè chính là cơ hội để kem chống nắng, sữa rửa mặt, kem dưỡng da tiêu thụ mạnh hơn, nên các nhà sản xuất đều tăng tốc độ tung sản phẩm mới. Cùng với khuynh hướng thời trang "đẹp tự nhiên", người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng việc săn sóc giữ làn da mịn, trắng, không bị khô... và hạn chế dùng mỹ phẩm màu. Mỹ phẩm trang điểm hiện chiếm khoảng 38,5% doanh thu so với mỹ phẩm chăm sóc da chiếm đến 61,5%, theo số liệu của công ty LG Vina.
Mức tiêu thụ kem chống nắng ở Việt Nam đã tăng khoảng 30%/năm trong hai năm qua. Năm 2004, ước tính người tiêu dùng cả nước tiêu thụ khoảng 35 tỷ đồng kem chống nắng các loại, nhiều nhất là kem có độ chống nắng SPF (Sun Protection Factor - một chỉ số chống nắng) từ 15 đến 35. Các công ty sản xuất hy vọng mức tăng trưởng của thị trường kem chống nắng năm 2005 có thể đạt đến 50%, riêng nhóm các loại kem chống nắng chỉ số từ 35 SPF có khả năng tăng gấp đôi.
Song song đó, các dòng sản phẩm chăm sóc da, đa tác dụng cũng được đẩy mạnh theo khuynh hướng sắc đẹp đi đôi với sức khoẻ. Ở đây, việc giảm căng thẳng, mệt mỏi do thời tiết nóng bức, diệt vi khuẩn bám trên da ngừa mụn nhọt, diệt khuẩn tạo mùi hôi... được nhà sản xuất lưu tâm khá kỹ. Hầu hết các loại sữa tắm mới đều kết hợp hương thơm tạo cảm giác mát mẻ, sảng khoái với chất làm sạch, dưỡng ẩm da, làm trắng mịn da...
Tạo cảm giác "che chắn" an toàn hơn cho những người thường phải đi lại nhiều ngoài đường, một số loại kem dưỡng thể mới hiện nay chứa chất chống tia UVA, UVB dùng hàng ngày thoa tay, chân chống khô, chống nắng như một loại găng tay. Thậm chí, có nhà sản xuất tung ra những bộ mỹ phẩm 5-7 loại gồm kem rửa mặt, kem dưỡng da ban ngày, kem nền, phấn phủ... mà loại nào cũng có tính chất chống nắng, làm trắng da!
Theo số liệu từ một trong những nhà sản xuất dầu gội hàng đầu của Việt Nam hiện nay, năm 2004, người tiêu dùng cả nước đã chi xài khoảng 330 tỷ đồng cho dầu gội đầu.
Dầu gội cao cấp nhập từ Italy, Pháp, Đức, Mỹ... về bán ở các cửa hàng, tiệm cắt - uốn tóc có nhiều loại, nhưng tổng giá trị tiêu thụ chỉ khoảng 12 tỷ đồng. Chiếm thị phần lớn nhất hiện nay là các loại dầu gội có mức giá từ trung bình đến khá (khoảng 11.000 - 59.000 đồng/chai) và gần 90% miếng bánh này thuộc về các "đại gia" như Unilever, P&G, LG Vina, Unza, Kao, ICP...
Theo Sài Gòn Tiếp Thị, thị trường dầu gội năm 2005 này ước tăng không nhiều vì người tiêu dùng gần như đã sử dụng dầu gội thường xuyên và không thể dùng nhiều hơn. Cuộc cạnh tranh giữa các công ty là giành thị phần lẫn nhau, nâng cấp sản phẩm và dùng các chiêu thức kinh doanh để khuyến khích người mua chấp nhận trả mức giá cao hơn cho chai dầu gội đầu họ vẫn xài.
Các nhà sản xuất tạm chia dầu gội thành hai nhóm chính: nhóm có chứa chất trị gàu và nhóm dưỡng tóc. Các nhà sản xuất đánh giá, khá nhiều người tiêu dùng hiện đang gặp phải các vấn đề về gàu, ngứa, rụng tóc... nên các dòng sản phẩm trị gàu thường bán chạy hơn các sản phẩm dưỡng tóc.