Chị Tố Như tâm sự: "Tôi thường xuyên sử dụng mỹ phẩm như son, phấn, kem tẩy trang, sữa rửa mặt, kem dưỡng da... Nói chung là lúc nào da mặt tôi cũng được "bao phủ" một lớp mỹ phẩm. Cho đến một hôm, da mặt bị sưng phù và nổi mụn đến mức không dùng mỹ phẩm được nữa. Bác sĩ cho biết tôi bị viêm da do lạm dụng mỹ phẩm".
Còn chị Mỹ Duyên cũng bị "tác dụng ngược" do sử dụng mỹ phẩm mà đấy lại là nhãn hiệu nổi tiếng do người thân mang về từ nước ngoài với câu dặn dò "hàng chính hãng, công dụng tốt lắm, bảo đảm 100%. Chị xài đi bảo đảm sẽ xoá hết các vết thâm trên mặt". Công dụng đâu chưa thấy, mà tác dụng ngược đã nhãn tiền, 3 ngày sau da mặt chị bị nổi mụn. Chị nói: "Ban đầu nghĩ là chắc người bị nóng nên tôi tăng cường ăn rau, trái cây và vẫn xài tiếp loại kem này. Sau đó mặt bắt đầu sưng, ngứa… Thì ra da mặt của tôi không hợp với mỹ phẩm này".
Chị Ngọc Hà từ nhỏ đến lớn chưa bao giờ sử dụng bất kỳ một mỹ phẩm nào. Thế nhưng trong một lần chị được một đối tác làm ăn rủ đi chăm sóc da mặt "vừa làm vừa bàn công việc luôn". Khởi đầu chị được rửa da, rồi tẩy tế bào chết, làm sạch da, đắp mặt nạ… "Sau đó vài tháng da mặt xuất hiện đốm nâu. Đến nay, các đốm nâu này không hề nhạt đi! Sau này tôi mới biết sau khi chăm sóc da, nhất là tẩy tế bào phải tránh đi nắng, trong khi đó tôi thường ra đường toàn giữa trưa", chị Hà cho biết.
Nhu cầu sử dụng mỹ phẩm để làm đẹp ngày càng nhiều nên việc dị ứng mỹ phẩm cũng trở nên phổ biến. Bác sĩ Vũ Hồng Thái và Trần Ngọc Anh, Bệnh viện da liễu, đã thực hiện nghiên cứu trên 140 bệnh nhân đến khám tại bệnh viện do dị ứng mỹ phẩm. Chẩn đoán bệnh cho thấy: viêm da dị ứng ( 28,93%), phát ban mụn (27,04%) , mụn (11,32%), lão hoá (8,81%), sạm da (8,18%), chàm tiếp xúc (6,29%), khô da (5,03%)…
Nhận xét đầu tiên của các bác sĩ là đa số người sử dụng có rất ít thông tin về loại mỹ phẩm đang sử dụng, chủ yếu thấy người thân xài tốt bắt chước xài theo hoặc nghe lời người bán giới thiệu hoặc được tặng... Cũng qua nghiên cứu này, với những tổn thương dạng cấp tính (mề đay, viêm da dị ứng…) thường khỏi sau khi ngưng dùng mỹ phẩm và dùng thuốc điều trị thích hợp. Với các trường hợp bị khô da, viêm nang lông, phát ban mụn, trứng cá… lại rất khó điều trị, thời gian hồi phục lâu và thường tái phát.
Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy những trường hợp bị "tác dụng ngược" từ mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, thành phần dễ gây phản ứng. Nhóm này ngoài những triệu chứng nhất thời còn gây lão hoá (nhăn da, đốm nâu, khô, nhám, tăng sừng), sạm da mà khả năng điều trị rất khó. Mới đây, ngày 27/10, thanh tra Sở Y tế cho biết đã phát hiện tịch thu và tiêu hủy nhiều mỹ phẩm không rõ nguồn gốc!
Theo các nghiên cứu từ trước đến nay, thành phần gây dị ứng trong mỹ phẩm nhiều nhất là chất tạo mùi, chất bảo quản. Riêng trong nghiên cứu của Bệnh viện da liễu, các mỹ phẩm mà bệnh nhân khai báo sử dụng cũng phong phú: từ hàng hiệu đến hàng trôi nổi. Tạm liệt kê các sản phẩm bao gồm: phấn phủ, kem lót, kem chống nắng, kem giữ ẩm, kem dưỡng ban ngày, ban đêm, kem làm trắng da, kem trị mụn, kem dưỡng chống nhăn, sữa dưỡng da, sữa rửa mặt… Do vậy, theo các bác sĩ chuyên về da liễu, dùng mỹ phẩm ngoài việc cần các thông tin về thành phần, nguồn gốc, cách sử dụng… còn phải biết sản phẩm đó có phù hợp với mình hay không cũng là điều quan trọng.
Theo Sài Gòn Tiếp Thị, hầu hết những người sử dụng đều không thử trước khi dùng và đều cho rằng mỹ phẩm chỉ làm đẹp chứ không hoặc rất ít gây dị ứng. Trong khi đó trên thị trường có rất nhiều mỹ phẩm từ nhiều nguồn gốc, chất liệu, giá cả khác nhau...
Do vậy, để tránh những hậu quả tai hại, các bạn gái cần nắm rõ hai điều trước khi dùng mỹ phẩm: biết rõ nguồn gốc, nhà sản xuất để khi "gặp sự cố" còn có cơ sở để điều trị, khắc phục và phải thử trước khi dùng.