Nguồn tin của Reuters cho biết các cuộc đàm phán giữa luật sư của "công chúa Huawei" Meng Wanzhou (Mạnh Vãn Châu) và Bộ Tư pháp Mỹ diễn ra sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ một tháng trước, nhưng vẫn chưa rõ liệu thỏa thuận nào có thể được thực hiện.
Trong khi đó, tờ Wall Street Journal dẫn một nguồn tin thân cận cho biết Bộ Tư pháp Mỹ đang cân nhắc một thỏa thuận nhận tội đối với bà Meng. Cụ thể bà Meng sẽ được rời Canada để về Trung Quốc nếu thừa nhận hành vi sai trái trong các cáo buộc mà Mỹ đưa ra.

Meng Wanzhou rời biệt thự riêng ở Vancouver, nơi bà bị quản thúc ở Canada để đến tòa vào tháng trước. Ảnh: AP.
Trước đó bà Meng, 48 tuổi, bị bắt tại Canada vào tháng 12/2018 theo lệnh của Mỹ. Bà đối mặt với cáo buộc gian lận tài chính, lừa đảo ngân hàng HSBC về các giao dịch kinh doanh của Huawei tại Iran, quốc gia vốn phải chịu lệnh trừng phạt từ Mỹ. Hiện bà bị quản thúc tại biệt thự gia đình ở Vancouver, Canada, sau khi nộp khoản tiền bảo lãnh tại ngoại 7,5 triệu USD.
Bà Meng không nghĩ rằng "mình đã làm bất cứ điều gì sai trái", do đó nếu miễn cưỡng thừa nhận hành vi sai trái theo yêu cầu của Mỹ là không đúng, nguồn tin của Reuters cho biết.
Huawei từ chối bình luận về thông tin mới nhất liên quan đến con gái nhà sáng lập Ren Zhengfei (Nhậm Chính Phi). Người phát ngôn Bộ Tư pháp Mỹ Marc Raimondi cũng không lên tiếng. Văn phòng Thủ tướng Canada Justin Trudeau và Bộ ngoại giao Canada không đưa ra bình luận nào.
Các cuộc đàm phán trên diễn ra sau khi chính quyền Tổng thống Trump tổng tấn công vào hoạt động kinh doanh của Huawei trên toàn thế giới trong nỗ lực ngăn cản tham vọng cung cấp mạng 5G của gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc. Khi gây áp lực buộc các nước khác loại bỏ thiết bị Huawei khỏi mạng viễn thông, Mỹ lo ngại thiết bị của công ty Trung Quốc có thể bị Bắc Kinh sử dụng để làm gián điệp. Huawei nhiều lần bác bỏ cáo buộc này.
Trong vài tuần gần đây, nhóm luật sư của "công chúa Huawei" đã thảo luận với giới chức từ Bộ Tư pháp Mỹ với hy vọng đạt được "thỏa thuận hoãn truy tố". Bà Meng sẽ trở lại Tòa án Tối cao British Columbia vào đầu tuần tới để chiến đấu trước phiên tòa chống dẫn độ sang Mỹ.
Sơn Nam (Theo Reuters)