Tàu thuyền của ngư dân huyện Vĩnh Linh tại cửa biển Cửa Tùng (sông Bến Hải). |
Sống ở biển bãi ngang xã Trung Giang, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, anh Phan Văn Hòa, năm nay mới 31 tuổi nhưng trông già hơn tuổi. Chuyện của anh thật buồn: Gia đình Hòa có 3 anh em trai đều làm nghề biển, nhưng vì điều kiện khó khăn, không mua sắm được ngư cụ nên thường xuyên phải đi làm thuê. Cách đây chừng 5 năm, trong một lần ra khơi làm thuê cho chủ thuyền Nguyễn Thặng (ở Cửa Việt, Gio Linh), lốc xoáy đã cướp đi sinh mạng của đứa em út.
May mắn sống sót trở về, anh Hòa bỏ nghề biển đổi sang nghề làm thuê trên bờ từ buôn cá, phụ hồ đến bán vé số mà vẫn không đủ ăn. Cầm cự chừng một năm, Hòa đành quay lại với nghề cũ và Nam tiến mãi tận vùng biển Bình Châu (Bà Rịa-Vũng Tàu) để làm thuê.
Ròng rã hơn 4 năm trời quăng quật tấm thân trên ngọn sóng xứ người, đồng tiền kiếm được, ky cóp gửi về cho vợ con cũng chẳng nhiều nhặn gì, bình quân chỉ được khoảng 2-3 triệu đồng/năm. Đã vậy, năm 2000 và năm 2002, anh Hòa đã hai lần suýt chết do bị lốc xoáy, phải lênh đênh trôi dạt trên biển gần 20 ngày, may mà cả hai lần đều được tàu của Bộ đội biên phòng tỉnh Bà Rịa –Vũng Tàu phát hiện và cứu sống.
Gần đây, anh Hòa về quê, nhờ bà con có kinh tế khá giả đứng ra thế chấp tài sản, vay vốn ngân hàng để mua ngư cụ. Nhưng đùng một cái vợ anh ngã bệnh nặng, phải bán hết tài sản để chạy chữa, thuốc thang và trả nợ ngân hàng.
Cũng ở vùng biển Trung Giang, câu chuyện của anh Trần Văn Lợi để lại không ít dư vị buồn và lo âu cho những người đi biển. Anh Lợi năm nay 33 tuổi, tháng 9/1998, anh cùng 5 người làm thuê khác đang đánh bắt trên vùng biển Bình Châu (Bà Rịa-Vũng Tàu) thì bất ngờ cơn bão lịch sử Linda ập xuống nhấn chìm hàng trăm thuyền lớn, làm chết hàng trăm người, chủ yếu là người làm thuê từ các vùng biển khác đến. Trôi dạt giữa biển cả mênh mông hơn 10 ngày, Lợi và một số người khác mới được cứu sống.
Tàu đánh bắt xa bờ ở cửa biển Cửa Việt – ước mơ của nhiều ngư dân vùng biển Quảng Trị. |
Không riêng gì anh Lợi, anh Hòa, những ngư dân sống ở các vùng biển bãi ngang Quảng Bình, Quảng Trị…đã kể cho phóng viên Sài Gòn Giải Phóng nghe “kiếp làm thuê trên biển”, thật lắm gian truân.
Anh Phạm Quốc Phú, quê ở vùng biển Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình cho biết, hàng năm có khoảng vài ngàn lao động trẻ làm nghề biển từ Nghệ An đến Quảng Trị đi làm thuê cho các chủ thuyền lớn, chủ yếu tại các vùng biển Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Thuận, Ninh Thuận, Kiên Giang và Hải Phòng.
Hình thức làm thuê là bán mình theo từng mùa trăng: nghĩa là người lao động thỏa thuận với chủ thuyền mỗi mùa trăng họ sẽ được trả một số tiền công đã định trước, sau đó ra khơi và làm tất cả mọi việc trên thuyền theo yêu cầu của ông chủ.
Một hình thức khác, người lao động cũng được thuê theo từng mùa trăng, nhưng sau mỗi chuyến ra khơi đánh bắt, sản phẩm thu được, bán đi, trừ mọi chi phí như xăng, dầu… ông chủ lấy 2/3, số còn lại những người làm thuê chia đều nhau.
Anh Phú cho biết thêm: “Vào tận miền Nam rồi, nhưng tìm cho được người chịu thuê mình cũng không phải chuyện dễ; chưa kể nhiều người khi mới đến nơi đã không còn tiền để làm thủ tục đăng ký tạm trú tại địa phương, phải năn nỉ với ông chủ cho ứng trước tiền. Nhưng không phải ông chủ nào cũng tốt bụng nên đôi khi anh em phải kiếm nghề “làm nóng” như phụ hồ, bốc vác để kiếm tiền nộp lệ phí làm các thủ tục cần thiết…Ngay cả khi được ra khơi, người làm thuê vẫn không yên tâm vì những lúc việc đánh bắt không gặp may, ông chủ lại “bán” người làm thuê cho một chủ tàu khác giữa biển rồi trở về chuẩn bị chuyến đi mới. Có người chỉ trong vài tuần đã phải bước sang từ 2 đến 3 tàu để làm thuê”.
Còn anh Phan Trọng Dực, quê biển bãi ngang Nghệ Tĩnh thì nói không chút giấu giếm: “Có lần tui phải đi ăn xin để kiếm tiền về, nhưng về quê, được vài bữa lại mượn tiền xe để vào Nam, chứ ở biển bãi ngang quê tui có chi mà làm. Con tôm, con cá đánh bắt gần bờ mãi cũng cạn kiệt. Đi làm thuê nghề biển khổ trăm đường rứa đó, nhưng cả năm ròng chỉ bòn mót được đôi, ba triệu bạc không đủ nuôi con nhỏ…”.
PV hỏi anh Dực: “Sao ở biển bãi ngang, vẫn có những gia đình không phải đi xa để làm thuê mà vẫn sống đầy đủ?”. Anh Dực trầm ngâm, “Cả trăm nhà mới có vài nhà. Làm nghề biển như bầy tui ai cũng siêng năng, chịu khó, có điều biển bãi ngang khó khăn lắm, thuyền lớn không thể vào bờ, thuyền bé đánh bắt gần bờ mãi lượng thủy hải sản trở nên khan hiếm.
Đã vậy việc đánh bắt cũng tùy theo mùa, tùy theo từng địa phận. Ví như, biển bãi ngang Nghệ Tĩnh, Quảng Trị chỉ làm được từ tháng 2 đến tháng 8. Biển bãi ngang Quảng Bình, Thanh Hóa chỉ làm được từ tháng 9 năm nay đến tháng 2 năm sau, nên thời gian còn lại phải vào tận các vùng biển phía Nam, hoặc bươn chải ra tận vùng biển phía Bắc để tìm việc.
Trên thực tế ở vùng biển miền Trung vẫn có thuyền lớn, nhưng muốn đi làm thuê ở biển quê mình cũng khó vì người làm thuê thì nhiều, thuyền lớn lại quá ít…”.
Ông Lê Văn Bình - Giám đốc Sở Thủy sản tỉnh Quảng Trị cho biết nguyên nhân của tình trạng trên là do các tỉnh miền Trung có số lượng tàu thuyền ít, công suất lại quá nhỏ so với nhu cầu. Trong khi đó việc đầu tư tàu xa bờ cho ngư dân thu hồi vốn rất nan giải, từ đó phần đông ngư dân khó có điều kiện vay vốn để đổi mới phương tiện đánh bắt, do vậy con đường đi làm thuê là khó tránh khỏi.
Vùng biển bãi ngang nhiều tỉnh miền Trung, nơi vẫn còn những khu nhà lợp cỏ tranh lụp xụp trên những cồn cát trắng đến lóa mắt. Những ngư dân nghèo sống kiếp làm thuê nay đây mai đó giữa biển cả, tính mạng lắm lúc mỏng manh như bọt sóng, trong khi ước mơ của họ thật giản dị: chỉ mong có được con thuyền vững chãi để ra khơi.