Hà Kiều My
(Bài dự thi 'Món ăn ngày Tết')
Hoa và đèn lồng đã giăng lên khắp các ngõ. Nét vội vã, tất bật của những ngày cuối năm hiện rõ trên từng khuôn mặt người. Giêng hai như cũng tròn đầy trong ánh mắt mong Tết.
Tạt ngang qua chợ, thấy người ra vào tấp nập chọn hoa, mua quà thật vui nhộn. Các quày hàng cũng đã thấy bày bán kiệu, hành củ, măng khô, nấm hương đượm hương Tết.
- Má ơi, sắp đến Tết rồi mà sao mà mình vẫn “im hơi lặng tiếng” quá vậy ta?
- Còn tới nửa tháng nữa mà con.
- Đâu mà nửa tháng, chính xác là còn 13 ngày nữa hà. Nhà mình phải mua đồ Tết nhanh nhanh không là hết đó nhen má.
Con nhỏ tôi tỏ ra lo lắng trước sự “hững hờ” đến Tết của ba má, nhưng thật ra, tôi đâu có biết là trong lòng ba má còn bộn bề tính từng ngày đến Tết hơn.
Cả tháng nay, hôm nào ba cũng dắt chiếc xe máy, đi sớm về khuya. Còn má, cứ lờ mờ sáng lại lục đục nấu cơm sớm để ba dỡ đi, rồi lại ngâm đỗ nấu chè để kịp gánh ra chợ bán. Từ ngày Nhà nước ban hành luật cấm xe ba bánh tự chế, ba chuyển nghề sang “xe ôm”, còn má thì phải trở lại những ngày quang gánh. Đời ba má, cứ thế, vất vả như những chuyến hàng rong.
- Má mua chi mà nhiều dừa quá hè? Vắt cốt dừa nấu chè cũng chỉ chừng hai ba trái là đủ mà má?
- Má mua về làm rim dừa. Tết sắp đến, vả lại anh Hai mày thích ăn cái này nhất. Má lấy cái liềm bổ trái dừa ra làm đôi và tỉ mỉ cắt gọt.
Từng sợi dừa trắng nõn được tỉa ngay ngắn. Má tôi vẫn cứ thế, năm nào, cũng vào độ này, bà lại hì hục đạp xe qua nhà ông bà ngoại “rinh” về mấy chục trái dừa. Rồi thì tỉ mỉ và tận tâm ngồi cắt thành sợi và bắt nước rim dừa cho đến khi đường vón thành từng cục bám lấy miếng dừa.
Từ ngày anh Hai tôi vào Nam học đại học, số lượng mứt dừa má làm thường tăng gấp đôi, nghĩa là sẽ khoảng ba bốn bì to tướng. Má bảo làm nhiều để ra Tết, anh Hai còn có thứ mà mang vào làm quà cho các bạn ở kí túc xá, vì đó là thứ “đặc sản” của riêng nhà mình sản xuất.
Mứt dừa của má làm rất vừa ăn, lại thoang thoảng mùi hương của vani và nước cốt. Nhớ đêm 28 Tết của những năm còn bé, trong gian bếp chật hẹp, nồng nàn mùi khói và nức mùi thơm của đường thắng tới, của lá dứa, của mứt vừa mới ra lò hai anh em tôi ngồi chầu hẫu đợi chảo mứt ra lò để tranh nhau mứt dừa vụn và chí chóe nói chuyện cười đùa, trong khi vẫn phải canh chừng bếp không được để non lửa hay già lửa. Má tôi mồ hôi bết lưng, ướt trán, âu yếm nhìn sắp nhỏ trong ánh lửa bập bùng, sẵn lòng chia ngay những miếng mứt gãy hay cháy cạnh cho hai đứa con háu ăn. Bà tôi, vừa quát đứa này lấy củi, rầy đứa nọ không được chạy quanh bếp kẻo bỏng, vừa nheo nheo mắt “nghiệm thu” từng phần cái công trình bếp núc của má tôi.
Lần nào đi học về, thấy má dụng công cắt từng sợi dừa, lo lắng cho sức khỏe của má, tôi cũng thủ thỉ:“Sao má không ra chợ mà làm chi cho mắc công dữ. Ngồi lâu đau lưng, mắt mờ và mỏi thêm”.
Lúc ấy, má sẽ cười, thật hiền: “Tại đang rỗi, mà làm cũng chẳng mệt nhọc gì. Niềm vui của má là được lo cho cả nhà những bữa ăn ngon và làm những món mà con má thích".
- Bé lấy cho má chai dầu. Đó má lại đau lưng nữa. Suốt ngày bán buôn tất bật nhưng hễ về nhà, thấy chuyện này chuyện kia, má lại ngồi không yên.
Đêm nay, ba lại chạy xe khuya để tranh thủ kiếm thêm vài đồng trang trải Tết đến, nên chỉ có má và tôi ở nhà. Thích được nằm gối đầu lên tay má như những ngày xưa. Và nếu là còn bé, tôi đã thầm hỏi một câu ngu ngơ: “Má ơi, sao lúc nào nằm bên má cũng ấm hết”. Còn bây giờ, đã đủ lớn để biết: tại vì má của con nhân hậu và bao dung đến nhường nào.
Vài nét về blogger:
Cuộc sống gia đình tôi không khá giả, nhưng tình yêu thương của ba má dành cho chúng tôi thì luôn tràn đầy. Giá mà cảm xúc có thể nén lại trong 1 file mp3, tôi sẽ thu thật nhiều cảm xúc, rồi chia sẻ với mọi người. Những cảm xúc, mong manh, đôi khi người ta chẳng nhớ, nhưng lại làm người ta lớn lên từng ngày.