- Vì sao anh lại quyết định “chơi” với jazz, khi mà jazz đang còn rất xa lạ với người Việt?
![]() |
Nhạc sĩ Quyền Văn Minh. |
- Sau nhiều năm gắn bó với cây saxophone và Nhạc viện Hà Nội, năm 1997, tôi được nhận danh hiệu NSƯT. Khi đó tôi nảy ra hai sự lựa chọn, hoặc làm một chương trình độc tấu để khẳng định sau bao nhiêu năm tôi vẫn gắn bó với saxophone và trung thành với jazz, hoặc mở CLB Jazz. Nếu CLB Jazz hoạt động, tôi sẽ có cả một hệ thống nhạc sĩ trẻ cùng tôi gây dựng để nhạc jazz tự tin, trưởng thành ở Việt Nam. Sau nhiều đêm trăn trở, tôi quyết định thực hiện lựa chọn thứ hai.
- Nếu không nhầm thì lựa chọn ấy từng làm anh lao đao?
- Chính xác là đứng bên bờ vực phá sản. Mở Jazz Club trong tay tôi chẳng có gì cả, tôi đã phải thế chấp tài sản. Lúc đó, tôi đầu tư khoảng 200 triệu đồng. Không ngờ khai trương tháng 10, thì tháng 12 phải đóng cửa. Vấp ngã mới thấy mình chẳng có chút tài cán kinh doanh nào. Nhưng đam mê jazz thì vẫn ở mức độ “điên cuồng”, nên năm 1998 tôi lại khai trương Jazz Club ở 16 Lê Thái Tổ. Hy vọng cầm cự được 2 năm, nhưng chỉ được 8 tháng lại phải đóng cửa. Chỉ đến khi đưa Jazz Club về phố Lương Văn Can mới thật sự yên ổn.
- Công việc của anh bắt đầu “phất” từ đây?
- Không đâu! Địa điểm ở đây xe ôtô không vào được, khách Việt Nam vẫn không chuộng jazz lắm, nên chỉ có Tây “ba lô” ghé quán. Thu nhập bấp bênh. Hiện tại tôi vẫn đang nợ ngân hàng một khoản không nhỏ.
- Nhưng anh lại có tiền cho Quyền Thiện Đắc đi học đại học Berklee ở Mỹ?
- Đó là phấn đấu của Đắc. Trước khi đi, Đắc đang học trung cấp Nhạc viện Hà Nội, Đắc thi lấy học bổng của Berklee và đã trúng tuyển. Nhưng ngoài học bổng, còn phải chi phí cho việc đi lại, ăn ở. Nên năm học đầu tiên của Đắc, tôi đã phải gửi bạn bè nước ngoài bán giúp 5 cây kèn để cho con đủ tiền trang trải, mà tiêu pha vẫn phải tằn tiện.
- Các nghệ sĩ có “máu mặt” bây giờ thi nhau đầu tư cho con ra nước ngoài học cho bằng chị bằng em, đó cũng là lý do anh đầu tư cho Đắc đi du học?
- Không hiểu mọi người thế nào, còn tôi có lý do riêng của mình. Mấy chục năm gắn bó với saxophone, đến giờ tôi cũng mới chỉ có tấm bằng trung cấp đặc cách. Sau một thời gian tôi dạy học cùng các chương trình báo cáo, Ban giám đốc Nhạc viện ký cho tôi tấm bằng trung cấp để tôi phấn đấu dạy học. Để vươn lên, tôi học thêm đại học tại chức, các môn đều đã đủ điểm, nhưng vẫn chưa có thời gian làm chương trình báo cáo, nên vẫn chưa nhận được bằng. Nhưng với Đắc, tôi muốn có một con đường khác: Trong lúc cả thế giới phát triển thì phải tạo điều kiện để Việt Nam có những người cập nhật với thế giới, có như vậy mới mong kéo âm nhạc Việt Nam xích lại gần thế giới. Tôi cho Đắc đi học chính vì lý do đó.
- Vậy anh mong muốn con trai mình sẽ chơi jazz ở sân khấu nào?
- Trước hết là Jazz Club của tôi và các sân khấu Việt Nam. Biểu diễn trên sân khấu thế giới cũng là ước mơ của Đắc, nhưng cần phải có thời gian, không thể nóng vội. Tôi còn một mong muốn nữa là Đắc sẽ kế tiếp tôi, trở thành giảng viên bộ môn nhạc jazz Nhạc viện Hà Nội.
- Quyền Thiện Đắc có chịu ảnh hưởng của anh?
- Đắc ảnh hưởng tôi con đường chơi jazz, cá tính âm nhạc và tiếng kèn. Nhưng Đắc có hơi thở đương đại đối với jazz, cách làm cũng hiện đại hơn. Hai bố con đều muốn Việt hoá jazz, nhưng đường đi khác hẳn. Tôi vẫn đi con đường của tôi, nhưng tôi luôn ủng hộ con đường của Đắc. Tôi vẫn thường nói với con: “Jazz mới không có tội, con chơi làm sao để công chúng chấp nhận”.
- Anh đặt niềm tin gì ở Quyền Thiện Đắc?
- Hy vọng Đắc sẽ cùng với những người bạn của mình trở thành những nhạc sĩ chơi jazz chuyên nghiệp thực thụ, đưa jazz phát triển lên một đẳng cấp khác là jazz hiện đại kết hợp được cái thần của dân tộc. Và một ngày không xa nữa, chúng ta đủ tự tin và tự hào để nói: Đã có jazz Việt Nam.