
Ảnh: Mindoc
Liệu mối quan hệ hoàn hảo có tồn tại? Câu trả lời là không. Bởi khi bạn gắng tìm, điều đó sẽ gây ra sự căng thẳng, trầm cảm và ngăn cản bạn có các kết nối thật sự.
Hầu hết chúng ta đều chấp nhận không có mối quan hệ nào là hoàn hảo và con người đều mắc sai lầm. Tuy nhiên, vẫn có một số người tin vào việc sẽ tìm được "người bạn đời hoàn hảo". Mặc dù bạn không sai khi kiên định tìm sự hoàn hảo, điều quan trọng là bạn cần kiềm chế các kỳ vọng. Khi nói đến các mối quan hệ, việc theo đuổi sự hoàn hảo có thể khiến bạn không hài lòng. Bởi thay vì đánh giá cao những gì mình đang có hoặc nỗ lực để cải thiện điều gì đó, xu hướng cầu toàn của bạn có thể cản trở cơ hội giúp bạn phát triển các mối quan hệ chân thành, đầy yêu thương.
Tiến sĩ Quratulain Zaidi, một nhà tâm lý học lâm sàng tại Hong Kong, cho biết những người theo chủ nghĩa hoàn hảo thường không nhận ra họ có vấn đề. "Trong hơn một thập kỷ làm việc, tôi không có một khách hàng nào mà trong lần đầu gặp gỡ lại không nhờ giúp để vượt qua chủ nghĩa hoàn hảo. Điều này là do hầu hết những người theo chủ nghĩa hoàn hảo không nhận ra bệnh lý kiếm tìm sự hoàn hảo có thể gây tổn hại cho cuộc sống của họ. Nó cũng có thể là nguồn gốc của những đêm mất ngủ, gây căng thẳng mãn tính, lo lắng, trầm cảm hoặc tất cả những điều trên", cô nói. Chủ nghĩa hoàn hảo được coi là một phần quan trọng trong bản sắc của những người này và được coi là sức mạnh cốt lõi con người họ. Sự cầu toàn ngấm sâu vào máu tới mức người cầu toàn không nhận ra điều ấy khiến họ suy yếu như thế nào.
Cô cho biết chủ nghĩa hoàn hảo là con dao hai lưỡi vì nó có thể thúc đẩy bạn, nhưng cũng có thể khiến bạn bị mắc kẹt trong vòng quay của sự trì hoãn. Người cầu toàn mắc căng thẳng mãn tính, bắt nguồn từ nỗi sợ hãi và bất an - điều mà nhiều bệnh nhân phải đấu tranh với bản thân để thừa nhận.
"Là người cầu toàn rất khác so với việc một người cố gắng làm tốt nhất việc của mình hoặc đặt ra tiêu chuẩn cao để thử thách bản thân. Những người có thể chịu đựng những sai lầm hoặc thất bại mà không tự phê bình gay gắt có thể được coi là một người cầu toàn thích ứng. Mặt khác, một số người theo chủ nghĩa hoàn hảo cảm thấy khó chấp nhận thất bại và dễ chùn bước. Suy nghĩ này là không phù hợp, đặc biệt khi bạn tập trung vào nhu cầu được coi là hoàn mỹ và sống theo các tiêu chuẩn không thể đạt được hoặc không thực tế", cô cho hay. Cô phân tích nhóm người này thường hướng tới sự hoàn hảo một cách không chủ đích và thường không nhận thức được những ảnh hưởng của việc này đến bản thân hoặc người khác.
Việc một người có suy nghĩ cầu toàn thường bắt nguồn từ những tổn thương thời thơ ấu, khiến họ khó từ bỏ việc kiếm tìm sự hoàn hảo. Kể cả khi một người không cầu toàn trong cuộc sống thường ngày, người đó có thể đòi hỏi sự hoàn hảo với các mối quan hệ lãng mạn, theo tiến sĩ Zaidi.
Có hai kiểu chủ nghĩa hoàn hảo trong các mối quan hệ tình cảm gồm: chủ nghĩa hoàn hảo theo định hướng khác và chủ nghĩa hoàn hảo tự định hướng. Chủ nghĩa hoàn hảo trong các mối quan hệ có thể tạo ra những kỳ vọng không lành mạnh và không thực tế, cản trở sự kết nối đích thực, hạnh phúc cá nhân. Một khi bạn nhận ra mình là một người cầu toàn trong mối quan hệ, việc điều chỉnh kỳ vọng, niềm tin vào quan hệ tình cảm sẽ dễ dàng hơn nhiều.
Nhóm người thuộc chủ nghĩa hoàn hảo theo định hướng khác tức là tự họ xây dựng cơ chế để bảo vệ mình khỏi những tổn thương hoặc thất vọng tiềm tàng. "Bằng cách tránh mở lòng với những người kém hoàn hảo, nhóm này sẽ có nguy cơ tránh luôn các mối quan hệ đích thực", tiến sĩ nói.
Người cầu toàn tự định hướng bản thân thậm chí còn phức tạp hơn. "Tiêu chuẩn của riêng bạn và kỳ vọng của bạn về người khác khó có thể thay đổi. Nhưng cách bạn đo lường mức độ hoàn hảo của chính mình có thể thay đổi rất nhiều tùy thuộc vào người bạn đang hẹn hò. Nhóm người này có thể dễ dàng đánh mất bản thân và bản sắc của mình khi hành động như một người hoàn hảo trước mặt nửa kia", cô cho hay.
Nếu bạn mắc chứng sợ bị từ chối bẩm sinh, tức là bạn uốn mình theo tiêu chuẩn của người khác. Nhưng nếu bạn đang tìm kiếm sự ghi nhận từ người khác bằng cách cố gắng phù hợp với tiêu chuẩn của họ, bạn sẽ không bao giờ thực sự cảm thấy đủ tốt trong mối quan hệ.

Ảnh: Nytime
Vậy một người cầu toàn sẽ khó tìm được người yêu? Tiến sĩ Zaidi nói rằng những người theo chủ nghĩa hoàn hảo có xu hướng tập trung vào những gì cần sửa chữa và phủ nhận mọi thứ tốt đẹp. Tin tốt là có những giải pháp khi sự cầu toàn cản trở hạnh phúc, sự hài lòng trong mối quan hệ hoặc mục tiêu cá nhân của bạn. Điều rất khó nhưng thực sự tuyệt vời nếu bạn đạt được là từ bỏ việc trở nên hoàn hảo.
Zaidi cho biết bước đầu tiên là buông bỏ nỗi ám ảnh trở nên hoàn hảo. "Bạn có thể thúc đẩy bản thân thay đổi bằng cách tìm hiểu lợi ích của việc chấp nhận sai lầm và nhận ra động cơ thúc đẩy hành vi tích cực của bạn", cô cho hay.
Bước kế tiếp là bạn hãy hình dung kết quả đủ tốt cho những thời điểm bạn không thể đáp ứng tiêu chuẩn cao và chấp nhận kết quả này để hoàn thành nhiệm vụ. Và hãy nhớ rằng, hành trình từ bỏ chủ nghĩa hoàn hảo không thể diễn ra gấp gáp. Hãy cho phép bản thân phạm sai lầm và rút kinh nghiệm, thay vì thực hiện những hành vi gây tổn hại như tự phê bình bản thân. Và nếu cần, hãy tự nhủ rằng bạn có thể nhờ đến sự trợ giúp của chuyên gia trong quá trình từ bỏ chủ nghĩa hoàn hảo.
Hằng Trần (Theo SCMP)