Ở một phân đoạn trong Muôn kiếp nhân duyên, khi vợ chồng Nora nằm cạnh nhau trong căn phòng tối, người chồng Arthur nói vợ mình rằng cô luôn nói trong mơ bằng tiếng Hàn, ngôn ngữ mẹ đẻ của cô, chứ chưa bao giờ bằng tiếng Anh. Điều đó khiến Arthur sợ hãi, bởi anh nghĩ: "Em mơ bằng thứ ngôn ngữ anh chưa bao giờ hiểu cũng như có một thế giới sâu thẳm trong em mà anh không thể chạm tới vậy". Khi ấy, bóng tối của không gian căn phòng, bóng tối trong suy nghĩ của Arthur lẫn bóng tối của một nơi thẳm sâu trong tâm hồn Nora mà người chồng ngoại quốc không thể chạm tới, tất cả như hòa làm một.

'Muôn kiếp nhân duyên' được nhiều nhà phê bình đánh giá cao, được dự đoán là ứng viên Oscar 2024 ở các hạng mục 'Phim hay nhất', 'Đạo diễn xuất sắc' và 'Kịch bản gốc hay nhất'. Ảnh: A24
Muôn kiếp nhân duyên (tên gốc là Past Lives), tác phẩm điện ảnh đầu tay của đạo diễn người Canada gốc Hàn Celine Song, kể cho người xem về điều gì?
Một số người cho rằng đó là câu chuyện tình tay ba giữa biên kịch Nora Moon (Greta Lee đóng) với hai người đàn ông là cậu bạn thời thơ ấu Hae Sung (Teo Yoo đóng) và người chồng Arthur (John Magaro đóng). Tuy nhiên, thật khó nói đây chỉ là bộ phim lãng mạn đơn thuần khi cả hai nhân vật người Hàn Quốc chưa bao giờ xác nhận rõ mối quan hệ với nhau, và những cảm xúc giữa người bạn thanh mai trúc mã lẫn người chồng của Nora nhiều hơn sự ghen tuông thông thường.
Xuyên suốt phim, có thể thấy Celine Song thực chất chỉ xem câu chuyện gần giống "chuyện tình tay ba" này như cái cớ để từ đó, cô đối thoại với người xem về những vấn đề khác như duyên số, cách biệt văn hóa lẫn khao khát được biết những khoảng không trong tâm hồn của người mình yêu. Hae Sung tìm Nora như tìm lại một cô bạn, một mảnh quá khứ đẹp đẽ năm xưa. Nora gặp gỡ Hae Sung như gặp lại những gì cô đã bỏ lại quê nhà để thực hiện ước mơ. Người chồng Arthur gặp Hae Sung như gặp gỡ một phần đời của người vợ mà anh chưa biết đến. Tất cả tựa như những đợt sóng ngầm nhưng được phủ lên một sắc màu yên ả.
Khi ngôn ngữ là một phần của con người
Ngôn ngữ là thứ công cụ sử dụng để nhận thức, gọi tên thế giới. Ngôn ngữ làm nên con người, luôn song hành trong mọi đoạn đời của chúng ta, giúp tư duy và hiểu được chính mình. Nhưng sự phát triển đa dạng của ngôn ngữ trên thế giới đã làm nảy sinh những cách biệt khó có thể hòa giải.
Ở một trong những phân cảnh đầu phim, người xem thấy hai chị em Nora (hay lúc đó vẫn còn là Na Young) tranh cãi về việc chọn tên tiếng Anh khi chuẩn bị nhập cư. Chúng ta biết rằng có một cái tên ngoại quốc sẽ giúp việc sinh hoạt ở nước ngoài trở nên thuận tiện. Nhưng sâu xa hơn, việc có một cái tên mới với một ngôn ngữ mới cũng đồng nghĩa một khởi đầu mới. Cô bé Na Young năm ấy đã trở thành một Nora Moon, sẵn sàng chinh phục hành trình mới, nền văn hóa mới cùng trái tim đầy hoài bão. Cái tên nói riêng hay ngôn ngữ nói chung, ở điểm này, biểu trưng cho quá khứ và tương lai trước mắt.

Nora và Hae Sung - hai nhân vật chính của phim. Ảnh: A24
Điều này có thể lý giải cho việc lần đầu nói chuyện với nhau qua Skype sau 12 năm xa cách, khi biết được tên mới của Nora, Hae Sung, với vẻ mặt có phần hơi ngượng, đã hỏi cô rằng "mình có thể gọi cậu là Na Young thôi được không?". Ký ức mà Hae Sung lưu giữ về Nora là hình ảnh cô bé 12 tuổi, hay nói cách khác là một Nora của quá khứ. Người xem dễ dàng nhận thấy cách anh gọi cô với tên tiếng Hàn vừa là sự ngỡ ngàng của Hae Sung khi lần đầu nhìn thấy cô bạn năm xưa giờ đã thay đổi, vừa để anh chắc chắn rằng Na Young của thuở ấu thơ vẫn còn đó.
Ngôn ngữ còn là phần sâu thẳm định hình căn tính con người mà dẫu dòng đời có biến thiên thế nào, ta cũng không thể chối bỏ hay khước từ nó. Điều này được biểu tỏ rõ nét qua chi tiết Arthur nói rằng Nora luôn ngủ mơ bằng tiếng mẹ đẻ. Mơ là phần vô thức của con người, chỉ hiển lộ ở phần sâu thẳm trong tâm hồn mà không ai khác có thể chạm đến. Việc Nora mơ bằng tiếng Hàn thể hiện rằng tận sâu bên trong cô, thứ ngôn ngữ ấy, phần đời mà cô đã bỏ lại ấy lẫn cậu bạn ngày xưa, chưa bao giờ thôi chảy trong máu cô. Nora có thể là một con người tràn đầy nhiệt huyết, luôn theo đuổi ước mơ và không ngại thay đổi nhưng không có nghĩa cô chối bỏ quá khứ. Như chính Nora đã khẳng định lúc ở quán bar, rằng cô gái nhỏ tên Na Young mà Hae Sung từng biết ấy, chắc chắn từng tồn tại.
Sự tồn tại của thế giới riêng tư bên trong Nora đã đánh thức nỗi bất an của Arthur - anh không bao giờ có thể chạm đến trọn vẹn vợ mình. Cách biệt ngôn ngữ dường như khiến Arthur sợ rằng anh sẽ không thể thấu hiểu được cô và có thể sẽ không thể giữ cô, không thể giữ lấy tình yêu của mình. Cách biệt ngôn ngữ còn khiến anh đặt ra những khả năng khác, liên tục đặt ra những câu hỏi nếu không phải như thế này thì thế nào?, nếu có một người khác giống hệt như anh đến với cuộc đời Nora thì sao? Bản chất của sự khác biệt ngôn ngữ hay cũng là khác biệt văn hóa là nó gây ra sự bất lực nơi con người. Đó là nỗi bất lực khi không thể nhận biết, không thể hiểu thấu, không thể chạm đến, ngay cả với người mình yêu thương nhất.

Một trong những cảnh đáng nhớ nhất trong phim, khi Nora ngồi cùng tri kỷ thời ấu thơ và chồng hiện tại. Ảnh: A24
Nỗ lực hiểu thấu và hòa giải
Tuy nhiên, dẫu không thể thay đổi số phận hay có thể vươn tới tận sâu tâm hồn một người, chúng ta vẫn có thể chọn cách đối mặt thực tế phũ phàng ấy một cách bình thản. Điều này có thể thấy rõ ở phần sau của phim, lúc Hae Sung và Arthur lần đầu gặp nhau. Khi gặp gỡ Hae Sung, người xem có thể tưởng tượng sự ngại ngùng lẫn chút ghen tuông nơi Arthur. Nhưng người chồng ấy chỉ lặng lẽ nở nụ cười và nói câu "Nice to Meet You" bằng tiếng Hàn trong sự ngỡ ngàng của người bạn Hàn.
Tại sao Arthur lại nói bằng tiếng Hàn trong khi anh có thể nói câu tiếng Anh phổ biến thông thường? Liệu nó chỉ đơn thuần là sự chào đón một vị khách ngoại quốc hay tiềm ẩn một ý nghĩa sâu xa hơn? Ở đoạn trước, người xem biết rằng Arthur luôn cố gắng học tiếng Hàn để chạm đến phần sâu bên trong Nora. Giờ đây, dù chỉ có thể bập bẹ đôi câu, anh đã có dịp thể hiện nó với người bạn năm xưa của vợ mình.
Cách Arthur nói tiếng Hàn thể hiện thái độ trân trọng cũng như sự cố gắng của chính anh trong khao khát được biết đến thế giới của Nora trước khi gặp anh. Trong câu chào tưởng chừng vụn vặt ấy còn tiềm ẩn cả sự can đảm của Arthur khi đối diện phần quá khứ của vợ mình, vượt lên trên nỗi bế tắc của việc không thể biết, không thể chạm đến. Bởi dường như anh chưa bao giờ ghen với Hae Sung, anh chỉ ghen khi với phần quá khứ của Nora mà Hae Sung là một mảnh ghép và cũng là một người lưu giữ mà thôi. Và rồi, người bạn Hàn Quốc ấy cũng đã đáp lại bằng câu "Nice to Meet You" trong tiếng Anh, như một cách cúi chào cuộc sống hiện tại của cô bạn năm xưa.
Nhưng liệu có thể diễn ra sự hòa giải và thấu hiểu toàn vẹn hay không? Một phân đoạn ở quán rượu, Nora đi vệ sinh, để hai người đàn ông lại một mình. Cả Hae Sung lẫn Arthur đều không sõi tiếng mẹ đẻ của đối phương nên họ gặp rất nhiều khó khăn trong giao tiếp. Ngôn ngữ một lần nữa là rào ngăn cách hai nền văn hóa, ngăn cách quá khứ và hiện tại. Tuy nhiên, đã có một khoảnh khắc mà cả hai đã gắn kết với nhau, đó là khi Hae Sung hỏi Arthur có biết câu chuyện về "inyeon" (duyên kiếp) - câu chuyện mà Nora từng kể với chồng mình lúc hai người mới yêu.

Khoảnh khắc Hae Sung gặp lại Nora sau 24 năm và cùng trò chuyện về quãng thời gian đã qua, cũng như cuộc sống hiện tại của mỗi người. Ảnh: A24
Câu chuyện về khái niệm nhân duyên trong triết học Hàn đóng vai trò là sợi chỉ nối kết cả Hae Sung lẫn Arthur. "Inyeon" là điểm gặp gỡ, là sự lý giải và hòa giải về quá khứ lẫn hiện tại của cả ba con người ấy. Nhân duyên đưa Nora gặp Arthur và kết đôi vợ chồng. Nhân duyên đưa Nora và Hae Sung gặp lại nhau sau hơn 20 năm. Khi cả hai người đàn ông khẳng định "anh và tôi cũng chính là 'inyeon' đấy", khoảnh khắc ấy đã đánh dấu tất cả những khả thể được cất đi một bên, chỉ còn lại sự chấp nhận thực tại một cách nhẹ nhàng. Nhân duyên đưa Arthur và Hae Sung gặp nhau, mỗi người mang theo mình một mảnh ghép lớn để hoàn thiện chân dung người phụ nữ họ cùng yêu quý. Không ai có thể thay đổi những gì diễn ra, ta chỉ có thể cố gắng chấp nhận, sống cùng với nó một cách an nhiên.
Muôn kiếp nhân duyên, tựu chung, là cuộc hành trình của những con người cố gắng giải đi những cách biệt về văn hóa cũng như đối mặt những gì được xem là "định mệnh" hay "số phận". Càng bất an bao nhiêu về những gì đang diễn ra, ta lại càng đề ra những khả năng, những "what if?" (nếu như). Tuy nhiên, cách làm ấy lại dễ lung lay khi nó không giúp ta thoát khỏi nỗi bất lực hay thay đổi những gì đang diễn ra.
Nhưng điều đó liệu có quan trọng không? Ở phân cảnh đầu phim, khi hai đứa trẻ Na Young và Hae Sung chơi đùa ngoài công viên, chúng đã nấp đằng sau bức tượng mặt người đối diện nhau. Điểm đáng chú ý là hai bức tượng ấy bị phân cách bởi một thân cây cao to ngang giữa hay cũng chính là những khoảng cách về văn hóa, về tâm hồn mà bộ phim đã truyền tải.
Dẫu vậy, bất chấp thân cây chắn ngang một cách vô tình ấy, hai đứa trẻ vẫn nhìn nhau, tươi cười với nhau. Vậy nên có biết bao khoảng cách đi chăng nữa, con người ta cũng hãy điềm tĩnh đối diện và chấp nhận nó, như hai đứa trẻ vẫn hồn nhiên nhìn nhau năm nào.
Trailer phim 'Muôn kiếp nhân duyên'
Lê Hồ Nam