- Đã lâu rồi không thấy chị còn thiết tha với biểu diễn. Nghỉ hát, chỉ giảng dạy thanh nhạc. Vậy vì sao lại có sự trở lại này?
- Tôi thấy chán mình, không có cảm giác sân khấu, đi hát giống như là một việc bắt buộc nên thôi. Trước đây, tôi thấy mình còn hời hợt với âm nhạc lắm. Tưởng chừng mình sẽ không bao giờ hát nữa... Nhưng có lẽ phải cái duyên số nào đó mà tôi gặp Thanh Lâm và hai đứa nghĩ rằng mình cần phải làm cái gì đó cho tử tế. Tôi chơi với Lâm cũng lâu rồi, thân và hiểu tính nhau, nhiều đồng cảm trong âm nhạc và đời sống. Cả hai cùng yêu nhạc của anh Đại nhưng chưa có cơ hội để thực hiện.
Lâm thì mê nhạc anh Đại lắm, cũng sáng tác và tự hát. Mà sáng tác "oách" là đằng khác. Có thể điều đó đã kích thích tôi trở lại với âm nhạc. Rồi hai đứa bắt tay vào tập, đó là thời điểm 8 tháng trước.
Đầu tiên chúng tôi tập với nhau đã thấy ngay là rất hợp. Nhiều lúc thấy bí về "đường đi" của bài hát cũng nản lắm. Nhưng đến khi tập bài Cây nữ tu, hai đứa mới thật sự tìm ra được con đường của mình, giống như một mốc đánh dấu, quyết định tư tưởng, tinh thần, phong cách của chúng tôi. Trong đó có tất cả đời sống, từ những gì giản đơn nhất, nhỏ bé nhất đến cao đẹp nhất, có khát khao con người nhất, có tình dục, nhớp nhúa, có thanh tao... Những gì "đời" nhất đều được đưa vào trong âm nhạc mà chúng tôi thể hiện.
Ca sĩ Linh Dung. |
- Khi chị và Thanh Lâm tự tập với nhau, nhạc sĩ Ngọc Đại có nhận xét thế nào?
- Anh Đại có biết chúng tôi tập với nhau như thế nào đâu. Chỉ đến khi chúng tôi tập được khoảng 4 bài thì gọi anh đến nghe. Tôi có cảm giác hình như anh hơi giật mình vì thấy chúng tôi bắt đầu "có vấn đề". Và chính vì cái "vấn đề" ấy đã níu anh ở lại để tạo nên bộ ba Ngọc Đại - Linh Dung - Thanh Lâm mà chúng tôi gọi tắt cho gọn là "Đại - Lâm - Linh".
- Chị bắt đầu tiếp xúc với âm nhạc của Ngọc Đại từ khi nào?
- Tôi bắt đầu hát nhạc của anh Đại cách đây 10 năm. Nhưng khi đó tôi chưa tự tin vào mình và chưa biết nhiều về con người cũng như âm nhạc của anh, chỉ mơ hồ thấy sao mình lại hợp và gần với nhạc của anh đến vậy. Và cho đến một ngày tôi tự khám phá được sức mạnh trong tôi, đó là lúc tôi cảm thấy tự tin nhất. Mọi sự tình cờ và như tôi vẫn cứ nói có lẽ là duyên phận đã đưa đẩy chúng tôi đến với nhau trong âm nhạc.
- Chị cảm nhận thế nào về âm nhạc của Ngọc Đại?
- Rất Việt Nam! Anh ấy là người thày của tôi trong âm nhạc. Cho đến bây giờ tôi mong muốn "cởi toang" âm nhạc của anh. Trên mảnh đất âm nhạc của anh Đại, tôi được tự do bay nhảy, phá phách và được là chính tôi.
Khi mới mon men vào thấy thích lắm nhưng càng vào sâu càng thấy khó. Có lúc cũng nản, bế tắc nhưng rồi lại có gì đó thôi thúc mình khám phá, tìm tòi, lao động... Nhạc của anh yêu cầu người hát phải có một trái tim nóng và một cái đầu lạnh. Cảm nhận bằng con tim, lý trí và biết tiết chế đúng chỗ. Vì khó như vậy nên khi đạt được một tinh thần nào đó thì thấy sướng lắm, cảm giác gai người, như lên đồng, hóa thân vậy. Nhiều lúc tôi hát xong mà không biết mình chảy nước mắt.
- Chị phải tập luyện thế nào để thổi được tinh thần của nhạc sĩ vào bài hát?
- Chúng tôi đưa tinh thần của mình vào bài hát đấy chứ! Cái khó đầu tiên là tìm ra hướng đi, tư tưởng chung và cách trình bày bài hát. Rồi sau đó tôi và Lâm cứ hát với nhau, mỗi người tự khám phá theo cảm nhận của mình trong lúc hát, thấy chỗ nào hợp với tâm lý, tưởng tượng thì giữ lại. Cứ như thế, rồi phân bè bối, điều chỉnh âm sắc. Khi tôi thăng hoa thì Lâm phải tiết chế và ngược lại. Nhưng có lúc cả hai đều phải tiết chế để tạo ra một âm thanh sắc nhọn như kim, hay hổn hển run rẩy...
Chúng tôi tập luyện cực kỳ vất vả, nghiêm túc và muốn mọi người thấy được mình lao động thật sự, chứ không phải là làm những cái khác thường để "náo loạn thiên hạ".
- Vậy chị nói sao về cái đầu trọc của mình?
- Có nhiều người bảo chúng tôi làm 3 cái đầu trọc, rồi hát méo mó đi để cho quái dị... Nhưng không phải! Không phải vì hát nhạc Ngọc Đại mà tôi cắt trọc. Trước đây, hồi năm 1999 tôi cũng để đầu trọc một lần rồi. Có điều hồi đó tôi ít xuất hiện nên mọi người không biết.
Trước khi cắt ngắn tôi cũng có một mái tóc dài rất đẹp, muốn thay đổi nên cắt ngắn đi một chút. Vì không ưng ý nên cứ cắt dần đi. Những kiểu tóc đó cũng đẹp nhưng cầu kỳ quá, suốt ngày phải gội và vuốt keo. Tôi thì rất ghét những cái gì cầu kỳ, thế nên cắt trọc đi cho tự nhiên, đỡ phải chăm sóc nữa. Tôi nghĩ, cắt tóc trọc như thế này cũng là đỉnh cao của sự đơn giản, xét về thẩm mỹ tôi thấy nó quá đẹp.
Khi thấy tôi để đầu trọc đẹp, anh Đại cũng cắt luôn, rồi Lâm cũng vậy. Ba người chúng tôi thấy rất hợp và quyết định để như thế.
- Cắt đầu trọc như vậy thì chị phải "đầu tư cho khuôn mặt" như thế nào?
- Nếu để trọc mà không trang điểm thì trông tôi giống con trai lắm. Tôi thì không phải thay đổi gì về cách trang điểm vì từ trước tôi vẫn có thói quen đánh mắt đậm. Mà tôi chỉ trang điểm mắt, không phấn, không son, không má hồng.
- So với hồi để tóc dài, việc chăm sóc tóc của chị có gì thay đổi?
- Mọi thứ đều nhanh chóng và đơn giản hơn. Giờ phải gọi là rửa đầu chứ không phải là gội đầu như trước nữa. Còn một điều nữa là ít tốn kém hơn. Từ 7 đến 10 ngày tôi lại đi cắt một lần ở hàng tóc nam quen gần chỗ tập với giá chỉ có 10.000 đồng (cười).
- Những ca sĩ trước đây hát nhạc Ngọc Đại đều có chút "quái" trong tính cách, còn chị thì sao?
- Tôi rất hiền, không hề "quái" một tí nào. Sống tự nhiên, cởi mở và đơn giản. Tuy nhiên nếu một người "tưng tửng" thì sẽ không hát được nhạc của anh Đại đâu. Phải đặc biệt đam mê, nhạy cảm và có bản năng mạnh mới thể hiện được.
- Vậy phải như thế nào mới gọi là hát đúng tinh thần của nhạc Ngọc Đại?
- Nhạc anh Đại quá hay nhưng chúng tôi phải coi nhạc của anh như là một thứ vật liệu. Cũng như giọng hát, âm sắc của chúng tôi cũng là một vật liệu. Để cuối cùng nhào nặn ra một sản phẩm mang tinh thần Đại - Lâm - Linh.
Chúng tôi phải design giọng hát của mình, không phụ thuộc vào kỹ thuật âm thanh điện tử. Chúng tôi muốn đưa tất cả những âm thanh của đời sống vào âm nhạc của anh như tiếng trẻ con nũng nịu, tiếng tụng kinh, tiếng thét, tiếng thì thào của tình yêu, tình dục, rồi những âm thanh như đưa người ta vào cõi tâm linh...
Có lúc tôi và Lâm cãi nhau bằng âm thanh, rượt đuổi nhau. Bạn cứ tưởng tượng chúng tôi tập đến độ hát nhanh được như khi bạn tua băng. Chúng tôi cũng dùng nhiều thủ pháp trong âm nhạc cổ điển để "sắp đặt" cho bài hát như mô phỏng, đảo ảnh hay phức điệu... Rồi cách hát nói trong âm nhạc dân gian. Nhưng cuối cùng thì điều quan trọng nhất là chúng tôi phải "say" và "lên đồng" từ trong mình đã thì mới cuốn hút và lan truyền cảm xúc từ trong mình sang người nghe được.
- Vậy chị nghĩ thế nào về những điều tâm linh trong đời sống?
- Tôi sống tự nhiên, nhưng tôi tin rằng trong đời sống có sự xoay vần âm dương.
- Cánh mày râu phản ứng như thế nào khi thấy chị cắt tóc trọc?
- Tôi cũng không quan tâm lắm! Nhưng hình như những người "yếu bóng vía" thì họ lảng đi. Chỉ còn một số người hay thì họ lại muốn đến gần. Mà như thế thì mình đỡ "mệt"!
Mỹ Dung thực hiện