Rảo một vòng quanh các khu vực chuyên kinh doanh xe máy cũ như Hoàng Văn Thụ (quận Tân Bình), Phan Đăng Lưu (quận Phú Nhuận), Lý Tự Trọng (quận 1), Nguyễn Tri Phương, An Dương Vương (quận 5), ai cũng có thể thấy xe tay ga đã qua sử dụng được trưng bày rất nhiều.
Bà Châu, chủ một cửa hàng kinh doanh xe cũ trên đường Phan Đăng Lưu, quận Phú Nhuận, cho biết mua bán xe số hiện nay không còn phù hợp, khó tiêu thụ, lời ít. Trong khi xe tay ga lại thịnh hành, giá xe mới rất cao còn xe cũ đôi khi chỉ bằng 1/3 giá xe mới nên được nhiều người tìm đến mua.
Đối với xe tay ga “bình dân” như Nouvo, Attila, đa số đều là xe còn “cứng” chỉ mới sử dụng vài ba tháng, thậm chí có xe còn chờ lấy “cà vẹt” cũng đã hiện diện ở cửa hàng. Đối với những loại xe này, giá chỉ thấp hơn giá xe mới một vài triệu đồng/xe. Sở dĩ giá xe cũ có giá bán khá cao nhưng vẫn được người mua là do không cần phải sang tên. Chẳng hạn, loại xe Nouvo đời 2004, có giá 23 triệu đồng/xe, Attila đời 2004: 25 triệu đồng/xe. Các loại xe cao cấp như Dylan, SH, @ đã qua sử dụng, tùy theo chất lượng thì có giá bán thấp hơn xe mới đến vài ngàn USD/xe. Xe hiệu Dylan đời 2003 giá 5.300 USD, SH đời 2002: 6.000 USD, Spacy đời 2003: 5.300 USD.
Sở dĩ các loại xe này có giá khá cao là do mẫu mã vẫn còn được ưa chuộng. Ngược lại, một số loại xe tay ga do mẫu mã không còn được ưa chuộng cho nên giá bán giảm mạnh như Avenis, giá bán rớt xuống còn 2.950 USD/xe, Epicuro còn 3.000 USD/xe. Thậm chí chiếc X9 (Piaggio) chỉ còn 35 triệu đồng/xe, Majesty còn 25 triệu đồng/xe (đời 2002), chỉ tương đương với giá xe số, tuy nhiên về chất lượng thì khó có thể đánh giá được còn bao nhiêu phần trăm.
Không ít người rơi vào tình trạng dở khóc dở cười như ông Lê Công Sơn, ngụ tại quận Bình Thạnh. Chiếc xe tay ga SH đời 2002 màu đen mà ông đã mua hồi trước Tết tại một cửa hàng trên đường Phan Đăng Lưu, quận Phú Nhuận với giá 6.500 USD (giá xe mới thời điểm này rất cao, trên 8.000 USD/xe). Xe mua về, chạy chưa hết tháng thì bắt đầu “trở chứng” với hàng loạt “bệnh” như đề không nổ máy, đang chạy tắt máy, máy nổ không còn êm. Ông Sơn tìm đến cửa hàng, thì cửa hàng này đã sang chủ mới. Ông Sơn đành mang xe ra điểm sửa chữa xe tay ga trên đường Trần Quang Khải, quận 1. Sau khi kiểm tra, thợ thông báo phụ tùng xe của ông đa số đều là hàng tân trang. Muốn thay lại hàng gin, sơ sơ cũng mất... 15 triệu đồng.
Khi mua xe tay ga đã qua sử dụng, chủ hàng đều trấn an người mua: “Xe tay ga làm gì có đồ lô, toàn là hàng gin”. Tuy nhiên, theo khảo sát của Người Lao Động, tại các chợ kinh doanh phụ tùng xe máy Tân Thành (quận 5), Ký Con (quận 1), người ta có thể thấy đủ loại phụ tùng xe tay ga từ hàng theo xe cho đến hàng loại 2, loại 3 được giới thiệu là hàng của Thái và cả hàng Trung Quốc. Còn đồ nhựa thì sản xuất tại... Chợ Lớn, muốn loại gì cũng có. Chẳng hạn, cùng một mặt hàng dây curoa có đến 3 loại giá 200.000 đồng, 750.000 đồng và trên 1 triệu đồng. Bộ nồi có giá từ dưới 1 triệu cho đến 3,5 triệu đồng/bộ, cục đề 250.000 đồng đến 2 triệu đồng, cặp phuộc trước 2-3,5 triệu đồng, cặp phuộc sau 700.000 đồng đến 2 triệu đồng.