Thứ sáu, 30/7/2021, 00:03 (GMT+7)

Mùa trám đen

Hà TĩnhQuả trám đen thu hoạch từ đầu tháng 7 đến cuối tháng 8, giá bán tại vườn 50.000 đồng/kg.

Huyện Hương Sơn được xem là thủ phủ cây trám đen của Hà Tĩnh. Tại đây có hàng trăm hộ dân sử dụng đất đồi núi trồng, tập trung nhiều tại các xã Sơn Ninh, Sơn Phú, Sơn Bằng... Một gia đình sở hữu từ 2-15 cây.

Trám đen không phải là cây phát triển kinh tế chủ lực của huyện, song vào chính vụ, một số gia đình trồng nhiều cây lớn thu lời 25-30 triệu đồng.

Trám đen có tên khoa học Canarium nigrum Engl, thuộc thân gỗ, cây cao nhất 30 m, thấp nhất hơn 10 m. Quả mọc ở trên các cành nhỏ, khi mới mọc ra màu trắng, sau đó chuyển sang màu xanh, lúc chín màu đen.

Vào mùa, nhiều người làm nghề buôn trám đến đặt vấn đề với các hộ dân mua nguyên một cây trám, sau đó thuê nhân lực thu hoạch.

Sáng 28/7, ông Trần Công An, 46 tuổi, trú xã Sơn Phú được chị Nguyễn Thị Huế (32 tuổi, người buôn trám, trú cùng xã) thuê đi hái tại vườn của một người dân ở thôn Vọng Sơn, tiền công mỗi ngày một triệu đồng.

Ông An là thợ hái trám lành nghề với hàng chục năm kinh nghiệm. Khi trèo lên cây, người thợ phải đeo đai thắt lưng dù vào người rồi quấn chặt vào cành cây để đề phòng rủi ro. Sau đó, ông dùng hai chiếc sào tre dài hơn 10 m, gắn liềm phía trước để ngoắc các cành có quả rụng xuống đất.

Phía dưới, lao động thời vụ được chị Huế thuê với giá 200.000 đồng một ngày dùng rổ nhặt trám.

Khi thấy một vài chùm quả chín, ông An đứng phía trên hô lớn, một phụ nữ đứng dưới đưa rổ nhựa lên quá đầu hứng nhằm tránh vỡ quả.

Chị Huế (giữa) hỗ trợ các lao động gom quả để đẩy nhanh tiến độ. Cây trám trên có tuổi đời hơn 80 năm, được chị Huế mua với giá 2 triệu đồng.

"Tôi cùng các lao động đi thu hoạch trám lúc 5h, đầu giờ chiều mới hái được hết 1,8 tạ quả trên cây", chị Huế nói.

Trung bình một cây trám cho hơn 1,5 tạ quả, có một số cây hơn 3 tạ.

Quả trám đen chưa chín vị chát, chín hẳn vị bùi và béo. Lúc om xong tách ra ruột có màu vàng, ngâm vài phút trong nước ấm rồi vớt ra để nguội sẽ chuyển sang màu tím.

Sau 3 tiếng dùng sào gắn liềm thu hoạch quả trám, ông Trần Công An tựa mình vào một cành cây lớn nghỉ ngơi vài phút, uống nước lấy sức.

"Cành trám khá giòn, dễ gãy, nếu ai ít kinh nghiệm thì không thể trèo và hái được hết quả trên cây", ông An nói.

Theo người đàn ông 46 tuổi, nghề này nguy hiểm, tiềm ẩn rủi ro nên ít người theo. Vào chính vụ trám, ông được nhiều thương lái thuê đi hái.

Tranh thủ lúc nghỉ ngơi, chị Huế rửa sạch một ít quả trám chín, đem om vào cốc nước để mọi người thưởng thức.

Nước om trám phải nóng 70 độ, khi bỏ trám vào sẽ nổi váng mỡ. Sau 15-45 phút quả sẽ chín, dùng tay bóp cảm giác mềm là có thể lấy ra ăn.

Ngoài bán cho các mối có sẵn, chị Huế còn chụp hình quả trám vừa thu mua tại vườn đăng lên Facebook để thu hút khách.

"Trung bình một ngày tôi mua và thu hoạch được 2-3 cây. Sau khi trừ hết các chi phí, lời khoảng 300.000 đồng", chị Huế cho hay.

Quả trám khi om chín có thể đem chế biến nhiều món ăn dân dã như: trám kho thịt lợn, trám muối, xôi trám, trám xào nhộng ong...

Quả trám được chị Huế bỏ vài bì tải, buộc chặt sau yên xe máy. Chị sau đó chạy hơn 50 km chở xuống thị xã Hồng Lĩnh đón xe khách gửi ra miền Bắc bán cho đối tác theo thỏa thuận từ trước với giá 1 kg 65.000 đồng.

"Năm nay do ảnh hưởng của Covid-19 nên giá trám rẻ hơn. Những năm trước tôi nhập 1 kg 70-75.000 đồng. Giá bán ra rẻ thì người sở hữu cây trám cũng bị ảnh hưởng thu nhập", chị Huế cho hay.

Đánh giá phiên bản mới