![]() |
Có ít nhất 18 bệnh nhân bị chết ở Quảng Đông do dùng thuốc giả chứa diethylene glycol. |
Theo các nhân viên điều tra, năm ngoái, các hãng bào chế thuốc tây của Panama đã mua phải hóa chất giả xuất xứ từ Trung Quốc. Nhãn hàng hóa ghi là “glycerin”, một hóa chất hoàn toàn vô hại khá đắt tiền. Nhưng thực ra đó là “diethylene glycol”, một hóa chất rất rẻ tiền vô cùng độc hại đối với con người. Cả “glycerin” lẫn “diethylene glycol” đều tạo ra vị ngọt.
Do không biết mình bị lừa, các hãng bào chế đã trộn diethylene glycol vào 260.000 chai thuốc cảm. Hậu quả là hàng trăm người, phần lớn là trẻ em, đã chết vì ngộ độc sau khi uống loại thuốc này.
46 thùng chứa diethylene glycol đã đến Panama theo một đường dây vận chuyển trải dài qua nửa vòng trái đất. Từ các hồ sơ vận tải lưu trữ và các cuộc phỏng vấn với các quan chức, báo The New York Times đã lần ra được đường dây này. Ngược từ cảng Colon của Panama, đến các công ty thương mại ở Barcelona (Tây Ban Nha) và Bắc Kinh, cho tới tận nơi sản xuất ở đồng bằng sông Dương Tử, một nơi mà người địa phương gọi là “khu vực của hóa chất”.
Diethylene glycol (tức glycerin giả) đã di chuyển thông qua ba công ty thương mại của ba lục địa. Vậy mà không một công ty nào nghĩ tới chuyện kiểm tra xem loại hóa chất do mình tung ra thị trường có đúng như nhãn hàng hóa gắn trên đó không. Thậm chí, trên đường di chuyển, giấy chứng nhận xuất xứ còn bị cạo sửa; cuối cùng, tên của nhà sản xuất và cả hãng xuất khẩu ban đầu đều đã biến mất.
Hậu quả là các công ty dược phẩm mua loại hóa chất này mà không biết nó từ đâu đến và ai đã sản xuất ra nó.
Tháng 4/2006, một trong những bệnh viện hàng đầu của Hàng Châu (Quảng Đông, Trung Quốc) đã mua thuốc Amillarisin A và đưa vào chữa trị các bệnh liên quan đến túi mật. Chỉ trong vòng khoảng một tháng, đã có ít nhất 18 người qua đời sau khi dùng thuốc này.
Bệnh viện trên đã mua Amillarisin A của công ty Dược phẩm số 2 Qiqihar có nhà máy đóng tại tỉnh Hắc Long Giang. Và trong Amillarisin A có chất glycerin giả do một người tên là Wang Guiping phân phối. Một nhân viên mua hàng của công ty Dược phẩm số 2 Qiqihar đã đọc trang web của Wang, thấy giá rẻ, liền đặt mua.
Wang, nguyên là thợ may, đã rao bán glycerin giả trên Internet. Để đánh lừa người mua, ông ta đã làm giả bằng cấp và các giấy chứng nhận xét nghiệm. Nay thì Wang đã bị bắt.
Sau vụ uống thuốc gây chết người trên cùng việc khám phá ngày càng nhiều các vụ sản xuất thuốc tây giả, các nhà chức trách Trung Quốc đã cam kết sẽ tẩy sạch ngành dược phẩm nội địa (đương nhiên, họ làm việc này một phần do có các chỉ trích liên quan đến thuốc tây giả sản xuất tại nước này đã tràn ngập thị trường thế giới).
Hồi tháng 12/2006, hai cán bộ cao cấp của cơ quan điều phối tân dược Trung Quốc đã bị bắt với tội danh ăn hối lộ để ký giấy cho một số thuốc giả được lưu hành. Thêm vào đó, theo Tổ chức Y tế thế giới, 440 xưởng sản xuất thuốc tây giả ở Trung Quốc cũng đã bị đóng cửa.
Thủ tướng Ôn Gia Bảo cũng đã ra lệnh điều tra về các vụ tử vong do dùng thuốc tây trong nước. Ông nói: “Thị trường dược phẩm thật quá hỗn loạn”.
Việc xem xét vụ ngộ độc chết người năm ngoái tại Panama và tại Trung Quốc gần đây cho thấy các quy định về an toàn của Trung Quốc đã lạc hậu so với vai trò ngày càng lớn của nước này trên tư cách nhà cung ứng đủ loại mặt hàng giá rẻ cho thế giới.
Điếu đó cũng cho thấy việc kiểm tra, giám sát xuất nhập khẩu từ nước này qua nước khác tồi tệ như thế nào, và vì vậy đã để lọt lưới đủ các loại thuốc tây giả; nhờ thế chúng đã tràn ngập thị trường thế giới.
Khi các nhân viên điều tra Trung Quốc tìm hiểu vai trò của các công ty Trung Quốc trong vụ chết người vì chất glycerin giả xuất xứ từ Trung Quốc thì họ không thấy có sự vi phạm luật lệ nào từ các công ty này. Các quy định về thuốc chữa bệnh ở Trung Quốc là một lỗ hổng lớn, theo một thương nhân giấu tên. Thương nhân này từng làm ăn với CNSC Fortune Way, một công ty thương mại có trụ sở tại Bắc Kinh. Theo các nhân viên điều tra, đây là công ty đã đóng vai trò chủ chốt trong đường dây buôn bán chất glycerin giả dẫn tới vụ ngộ độc ở Panama.
Fortune Way đã mua phải glycerin giả của Nhà máy Taixing Glycerine trụ sở tại Hengxiang, một thị trấn nhỏ trong vùng đồng bằng sông Dương Tử. Thị trấn này chỉ có độc một con đường được tráng nhựa.
Fortune Way đã cho dịch ra tiếng Anh các giấy tờ liên quan đến một số lô hàng glycerin giả của Nhà máy Taixing Glycerine, nhưng đã thay tên nhà máy bằng tên mình (ghi trên tiêu đề của các giấy tờ này). Sau đó, Fortune Way xuất các lô hàng này qua cho Rasfer International, một công ty ở Barcelona. Công ty này lại thay tên Fortune Way bằng tên của mình trên tiêu đề, rồi xuất tiếp lô hàng sang Panama, giao cho Medicom Business Group. Medicom đã phân phối chất glycerin giả này trong nước, gây ra các vụ ngộ độc thuốc chết người. Cho tới nay, lãnh đạo của Fortune Way, Taixing Glycerine lẫn Rasfer International và Medicom vẫn chưa hề bị các cơ quan pháp luật cho người đến hỏi thăm.
Hồi đầu tháng 5, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Tân dược Mỹ (FDA) đã khuyến cáo các công ty bào chế thuốc tây và các nhà cung ứng ở Mỹ là “cần phải đặc biệt cảnh giác” theo dõi kiểm tra chất diethylene glycol. Khuyến cáo này không nêu đích danh Trung Quốc. Nhưng FDA đã cho xét nghiệm tìm chất diethylene glycol đối với tất cả các lô hàng glycerin nhập vào nước Mỹ. Cơ quan này cho biết mình đang “tìm hiểu xem thử có bao nhiêu lô hàng glycerin đã bị nhiễm độc”.
Trước đó, các nhà chức trách Mỹ đã lên tiếng tố cáo các nhà xuất khẩu Trung Quốc, cho rằng họ đã xuất sang Mỹ hơn 100 sản phẩm thức ăn gia súc có chứa melamine độc hại làm chết hàng loạt chó, mèo tại các bang của Mỹ. Nay thì các sản phẩm này đã bị tịch thu và bị cấm nhập.
(Theo Sài Gòn Giải Phóng)