Thứ sáu, 24/9/2021, 23:38 (GMT+7)

Mùa bưởi Phúc Trạch

Hà TĩnhBưởi Phúc Trạch thu hoạch từ cuối tháng 8 đến hết tháng 9, năm nay giá giảm một nửa do khâu vận chuyển gặp khó vì Covid-19.

Những ngày này đang là cuối vụ bưởi Phúc Trạch. Tại các vườn ở huyện Hương Khê, quả chín vàng, người dân bọc túi nylon để bảo vệ, chống cọc tre ở phía trên cành để quả không bị sà xuống đất gây thối, hư hỏng.

Bưởi Phúc Trạch là cây phát triển kinh tế chủ lực của huyện Hương Khê. Năm 2021, địa bàn có 2.700 ha, sản lượng khoảng 21.000 tấn. Các huyện trồng nhiều gồm Hương Trạch, Phúc Trạch, Lộc Yên...

Theo người dân, bưởi mọng nước, tép giòn, vị ngọt xen lẫn chua thanh, được xem là đặc sản quý, ngoài mua về ăn còn làm quà biếu.

Hàng ngày, người dân ra vườn dùng kéo cắt quả bỏ vào giỏ.

Năm nay, do ảnh hưởng của Covid-19 nên khâu vận chuyển gặp khó, các chủ vườn tiêu thụ bưởi theo nhiều kênh, ngoài bán trực tiếp thì còn qua các sàn thương mại điện tử do UBND tỉnh Hà Tĩnh kết nối.

Với giao dịch qua sàn thương mại điện tử, người dân sẽ thu hoạch bưởi để trong xe đẩy rồi chở về nơi tập kết là các nhà văn hóa thôn.

Gia chủ huy động nhân lực phân loại, đóng hộp và giao cho sàn thương mại điện tử để chuyển tới khách hàng. Dự kiến đến hết mùa, các sàn sẽ tiêu thụ khoảng 700-1.000 tấn.

Các cơ sở sản xuất, hợp tác xã, cửa hàng kinh doanh bưởi Phúc Trạch được tỉnh Hà Tĩnh cho phép dán tem chỉ dẫn địa lý lên quả để khẳng định thương hiệu. Tem do Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học Công nghệ) cấp, tích hợp mã QR truy xuất nguồn gốc sản phẩm...

Kênh tiêu thụ được lựa chọn nhiều là bán trực tiếp tại chợ đêm nằm bên quốc lộ 15A, thuộc thị trấn Hương Khê, huyện Hương Khê. Hàng ngày từ 14h đến 18h, người dân hái bưởi bỏ vào bao tải, lái xe máy chở đến tập kết tại chợ.

Chợ đêm được bố trí một bãi đất trống rộng hơn 4.000 m2, nhộp nhịp từ 19h đến 22h mỗi ngày. Trung bình một đêm có khoảng 500-700 người, bao gồm chủ vườn, thương lái, người dân địa phương tham gia mua bán bưởi.

Người dân trải tấm bạt cỡ lớn dưới đất trên diện tích 4-6 m2, sau đó đặt bưởi lên trên để mời chào khách mua.

Nhiều gia đình để bưởi trong thùng xe đẩy, buộc sào tre bên thành xe rồi treo đèn điện làm sáng không gian để khách dễ quan sát. Họ huy động 2-3 thành viên tham gia bán.

Giá bưởi giao động từ 7.000-25.000 đồng một quả tùy loại, giảm một nửa so với những năm trước.

Những năm trước, người dân tập kết hàng trăm bì bưởi đưa đến ga Hương Phố, cách chợ đêm khoảng 500 m để gửi tàu hàng đưa đi các tỉnh. Nay do Covid-19 nên tàu không chở, chỉ một số xe tải được cấp phép hoạt động chở nông sản. Ước tính một đêm, hàng chục nghìn quả được bán đi.

"Trước kia, một bì tải bưởi nặng 60-70 kg mất khoảng 60.000 đồng phí vận chuyển, nay phí tăng gấp đôi khiến nhiều người không mặn mà thu mua bưởi để bán ra các tỉnh vì sợ lỗ", một tiểu thương cho hay.

Ngoài bán trực tiếp, nhiều người chụp hình bưởi đăng lên mạng xã hội quảng cáo, rao bán nhằm kiếm thêm khách.

"Những năm trước, mỗi đêm tôi bán được gần 1.000 quả, năm nay chỉ bán được 500. Nguyên nhân do ảnh hưởng của Covid-19, nhiều tỉnh giãn cách xã hội, giá cước vận chuyển tăng nên nhiều thương lái không mặn mà thu mua. Vụ này tôi bán để gỡ gạc tiền công và phân bón chứ hầu như không có tiền lời", bà Nguyễn Thị Lan, trú xã Lộc Yên, nói.

Thời điểm này, toàn tỉnh Hà Tĩnh đã tiêu thụ hơn 15.000 tấn bưởi.

Hùng Lê

Đánh giá phiên bản mới