![]() |
Nem chua có nguy cơ nhiễm sán. |
Cuối năm 2005, chị Hồng bắt đầu thấy đau đầu, lên cơn động kinh, phù mặt, mắt bị lồi rồi mất thị lực. Đi khám nhiều nơi, chị được chẩn đoán là bị bệnh tim, thận, rối loạn tuần hoàn não. Đến khi chụp cắt lớp, nguyên nhân thật mới được phát hiện. Những nang sán khu trú trên não lâu năm đã khiến chị bị giãn não thất. Bệnh nhân đã bán đi nửa gia sản và 3 sào đất để chữa bệnh, đến nay đã qua 9 đợt mà bệnh vẫn chưa mấy cải thiện.
Chị Hồng cho rằng ấu trùng sán vào cơ thể chị qua món nem thính, đặc sản Bắc Giang. Miếng thịt nạc ngon được chần qua nước sôi, có nơi để sống, thái mỏng, bóp gia vị hành tỏi đầy đủ và trộn thính. Hiện đây vẫn là món ít khi vắng mặt trong mâm cỗ ngày hiếu hỉ hay tiếp khách ở quê hương chị.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Đề, Bộ môn Ký sinh trùng Đại học Y Hà Nội, cho biết, ngoài mù mắt, sán còn gây nhiều tai biến như động kinh, co giật, liệt, nói ngọng, thậm chí tử vong. Chẳng hạn, ông Phạm Hồng Đông (57 tuổi, Giao Thuỷ, Nam Định) phát hiện ra bệnh khi các nang sán đã nằm trong não. Lúc đầu, ông bị co quắp không đi được, tiếp sau là mất trí nhớ, phù nề, co giật, động kinh. Theo lời kể của bệnh nhân, nhiều năm nay ông rất mê món nem thính.
Ngay cả người dân thủ đô cũng không tránh khỏi tình trạng nhiễm sán lợn, ông Cường, 64 tuổi, là một ví dụ. Ông vốn rất "nghiện" nem chua và tiết canh. Gần đây, ông thấy đau mắt, nhức răng mới đi khám và phát hiện nhiễm sán.
Hiện bệnh nhân ấu trùng sán lợn đã được phát hiện tại 50 tỉnh, thành. Bác sĩ Đoàn Thị Hạnh Nguyên, Trưởng khoa Khám bệnh, Viện Sốt rét - ký sinh trùng và côn trùng Trung ương, cho biết, số bệnh nhân mắc ấu trùng sán lợn tăng cao trong mấy năm qua. Khu vực miền Bắc hầu như tỉnh nào cũng có bệnh nhân; trong đó nhiều nhất là ở Bắc Giang và Bắc Ninh.
Viện từng làm một khảo sát tại thôn Tỳ Điện, xã Phú Hoà, huyện Lương Tài, Bắc Ninh - nơi có tập quán ăn "nem thính" thịt lợn sống.
Trong số 230 người được hỏi, có tới 171 người (tức là 74%) có thói quen này. Hơn 50% người dân không có thói quen rửa tay sau khi đi vệ sinh. Trong vòng 1 năm, các bác sĩ đã phát hiện gần 50 người bị bệnh ấu trùng sán lợn, đã có người đã tử vong vì căn bệnh này.
Theo bác sĩ Hạnh Nguyên, những người có thói quen ăn thịt chưa chín mà không thấy biểu hiện bệnh không nên chủ quan. Ấu trùng sán lợn có thể phát bệnh sau 7-8 năm, thậm chí 20 năm sau khi xâm nhập cơ thể.
(Theo Lao Động)