MBH giả nhãn hiệu honda được bán ở lề đường Điện Biên Phủ, TP HCM. |
Tại các cửa hàng bán MBH trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, Phạm Hồng Thái, Điện Biên Phủ (quận1, TP HCM), lượng người đến mua khá đông. Cô Tâm, chủ cửa hàng trên đường Điện Biên Phủ, cho biết mỗi ngày chỉ riêng bán lẻ đã được hơn 120 cái. Các sạp kinh doanh MBH ở các chợ đầu mối cũng nhộn nhịp đóng hàng bỏ sỉ về các tỉnh.
Tại Hà Nội, sáng 4/9, hầu hết các cửa hàng giới thiệu sản phẩm, cửa hàng cung cấp MBH chính hãng của Amoro, Protec... đều rơi vào tình trạng cháy hàng. Thậm chí, nhiều cửa hàng MBH lớn thuộc khu vực Phố Huế, chợ trời, Gia Lâm, hàng xịn có, giả có đều tiêu thụ nhanh bởi nhu cầu tăng đột biến. Mũ Amaro, Amoro nhái nhãn mác của Amoro, mũ nhái Lucky được bán với giá 50.000-90.000 đồng/chiếc tùy loại.
Thị trường Hà Nội cũng có loại mũ XMoto được giới thiệu là hàng Đài Loan, giá 180.000-200.000 đồng/chiếc. Theo giới thiệu của chị H., một chủ tiệm MBH tại phố Huế, mũ của Đài Loan đắt không chỉ do chất lượng mà còn là dòng mũ mới, khó làm giả nên không có cạnh tranh. Tuy nhiên, khi xem xét dòng mũ này, trên toàn bộ mũ đều không có tem nhập khẩu hoặc bảo đảm chất lượng theo tiêu chuẩn VN.
Còn tại TP HCM, ở Chợ Lớn (quận 5), chợ Tân Bình (quận Tân Bình), và nhiều điểm bán tự phát dọc những tuyến đường chính của thành phố, MBH kém chất lượng vẫn được bày bán nhan nhản.
Rất dễ tìm thấy các loại mũ hiệu Hongda, Yammuha... (giả nhãn hiệu Honda, Yamaha) được bán với giá 60.000-65.000 đồng/chiếc, thậm chí nhiều loại mũ không có nhãn hiệu, không tem CS (dấu công bố sản phẩm phù hợp với tiêu chuẩn VN)...
Các nhà sản xuất xe gắn máy cũng đang tích cực cung cấp mũ chính hãng cho người tiêu dùng. Công suất sản xuất của Hãng Honda VN hiện khoảng 1.500 chiếc/ngày.
Chiếc mũ nhái có hiệu Hongda này đã vỡ khi thả từ độ cao 0,8 m. |
Trong tháng tám, Honda VN đã bán ra thị trường 40.000 chiếc với giá 148.500-165.000 đồng/chiếc tùy từng loại. Đây là sản phẩm do Công ty Honda Access Thailand nhượng quyền sản xuất tại VN cho Công ty Supurware Srithai Thailand có nhà máy sản xuất tại Khu công nghiệp Sóng Thần, Dĩ An, Bình Dương.
Hiện sản phẩm không bán rộng rãi ra ngoài thị trường mà chỉ phân phối thông qua hơn 340 cửa hàng ủy nhiệm của Honda VN trên khắp cả nước.
Mặc dù chức năng chính của MBH là giúp giảm 90% tác động của các va đập bên ngoài, thế nhưng với một chiếc MBH giả chỉ cần một cú va chạm nhẹ đã nứt toác. Tại chợ Tân Bình, khi người mua hỏi về chất lượng, chị bán hàng nói chắc nịch: “Bao ném luôn đấy, hàng lúc vận chuyển va đập đến thế mà chả sao! Yên tâm đi”.
Chiếc MBH nhái hiệu Hongda được mua tại chợ Tân Bình (quận Tân Bình, TP HCM) với giá 65.000 đồng/chiếc. Khi được thả từ độ cao cách mặt đất chỉ có 0,8 m thì chiếc mũ đã nứt ra. Chiếc mũ nhái này đã vỡ khi được thả rơi tự do chứ không phải chịu lực va đập mạnh như trong trường hợp có tai nạn xảy ra.
Bề mặt phía ngoài của vỏ, lớp sơn bong ra từng mảng, sần sùi. Dưới chiếc vỏ nhựa mỏng là lớp mút xốp cứng màu trắng, không có độ đàn hồi. Xung quanh viền mút, lớp keo trong dùng để dán lớp đệm phía trong mũ rất cẩu thả. Đặc biệt, các ốc vít đều làm bằng sắt lồi lên rất nguy hiểm cho người sử dụng.
Theo anh Tình, một lái buôn từ Cần Thơ, hầu hết mũ này đều nhập thô từ Trung Quốc, nghĩa là không có nhãn, mác, thương hiệu và trong tình trạng bộ phận rời (dây đeo, khóa kiếng, đệm lót, nón...), sau đó nhập về các cơ sở lẻ, nhỏ ở VN rồi được dán đềcan vào.
Giá sỉ chỉ 25.000-30.000 đồng/chiếc, giá tăng lên gấp đôi khi tung ra thị trường. Một nguồn hàng khác nữa là của các công ty nhựa trong nước, trước cơ hội béo bở của thị trường MBH, nhiều công ty cũng “nhập cuộc” dù không đủ điều kiện sản xuất MBH.
Đến nay vẫn có khá nhiều người tiêu dùng chọn MBH giả. Một người bán hàng tại chợ Tân Bình cho biết hầu hết người mua MBH loại này là dân lao động, các bà nội trợ không có nhu cầu dùng thường xuyên đã mua để đội đối phó, giá chỉ 60.000-65.000 đồng/chiếc.
Để bảo vệ uy tín, các nhà sản xuất MBH đã tính chuyện mua bảo hiểm trách nhiệm sản phẩm. Công ty TNHH Amoro vừa ký kết với Công ty bảo hiểm phi nhân thọ Bảo Việt VN về việc mua bảo hiểm cho sản phẩm của công ty với trị giá 2 tỷ đồng.
Theo đó, tất cả những người sử dụng MBH của Amoro khi tham gia giao thông nếu xảy ra tai nạn và có những chấn thương liên quan đến đầu mà nguyên nhân được xác định là do chất lượng mũ không đảm bảo đều được bồi thường thiệt hại. Mức bồi thường cho từng trường hợp do công ty bảo hiểm giám định và chi trả tùy theo mức độ chấn thương của người sử dụng với mức bồi thường cao nhất là 100 triệu đồng/vụ.
Tuy nhiên, số nhà sản xuất MBH tham gia loại hình BH này không nhiều. Ông Phạm Quế Phong, trưởng phòng bảo hiểm tài sản và kỹ thuật của Tổng công ty cổ phần Bảo Minh, cho biết công ty chưa cấp hợp đồng bảo hiểm nào trong lĩnh vực này. Một số công ty khác cũng cho biết rất ngại tham gia vì độ rủi ro được đánh giá là khá cao.
Theo ông Nguyễn Hoàng Anh, Phó Tổng Giám đốc Công ty thiết bị sản phẩm an toàn VN, nhà sản xuất MBH nhãn hiệu Protec, trên thị trường hiện có ba loại nguyên liệu dùng để sản xuất vỏ ngoài của MBH, gồm “PVC, ABS và composite. “Người tiêu dùng đang ưa chuộng loại MBH có vỏ ngoài làm bằng PVC do ưu điểm nhẹ, trong khi loại sử dụng nguyên liệu ABS hay composite dù bền hơn, chắc chắn hơn nhưng có nhược điểm là nặng nên ít được chuộng”, ông Hoàng Anh nói. Tuy nhiên, điểm cốt lõi là dù vỏ MBH bên ngoài làm bằng chất liệu gì đi chăng nữa, nhưng lớp xốp bên trong mới là phần bảo vệ chính của MBH. Lớp xốp càng có tỷ trọng cao thì khả năng hấp thụ xung động khi bị va đập hoặc té ngã càng được an toàn. |
(Theo Tuổi Trẻ)