Ở vùng quê đô thị hóa dang dở, người mẹ (Kim Hye Ja) một đời tảo tần nuôi nấng cậu con trai Do Joon (Won Bin). Bà làm đủ thứ nghề từ bán thuốc đông y đến châm cứu chui, để mót những đồng bạc lẻ nuôi sống hai mẹ con. Tuổi khoảng 60 nhưng bà chưa ngày nào được ngơi nghỉ, cả về sức lực và tinh thần. So với chuyện cơm gáo gạo tiền, an nguy của đứa con trai gần 30 tuổi nhưng tâm trí mãi như đứa trẻ càng làm người mẹ nặng trĩu lo âu.
Một ngày, cô nữ sinh trong vùng bị sát hại và Do Joon trở thành nghi phạm lớn nhất. Trước thái độ quan liêu của nhóm cảnh sát và dáng vẻ khinh người, hám vật chất của gã luật sư, người mẹ không còn lựa chọn nào khác ngoài trở thành thám tử bất đắc dĩ, lao mình vào cuộc chiến minh oan cho con.

Nghệ sĩ Kim Hye Ja hóa thân người mẹ chăm lo từng li từng tí cho đứa con trai kém trí do Won Bin đóng. Ảnh: Hancinema
Trong cuốn phim của mình, đạo diễn Bong Joon Ho chỉ đặt tên cho đứa con trai mà bỏ qua danh tính của người mẹ. Qua đó, ông đặt người mẹ vào định danh duy nhất của cả kiếp nhân sinh, ấy là làm mẹ. Dụng ý này cũng được thể hiện ngay từ tựa đề phim: Mother. Đối với người đàn bà trên màn ảnh, làm mẹ không chỉ là vai trò, trách nhiệm, đó đã trở thành một hệ tư tưởng.
Mối gắn kết bền chặt của hai mẹ con được khắc họa xuyên suốt hai tiếng phim, qua những cuộc đối thoại dẫu nhiều la mắng vẫn thấm đẫm tình thương; hình ảnh cậu con trai lớn tồng ngồng vẫn ôm mẹ ngủ, đưa tay sờ ngực mẹ như ngày thơ bé; những giây phút hai mẹ con bị ngăn cách bởi tấm kính của phòng tạm giam; và nhất là chuỗi ngày người đàn bà thân cô thế cô đội nắng, tắm mưa tìm cách cứu con khỏi ngục tù.
Như muôn vạn bà mẹ trên thế gian, người mẹ của Mother thương con vô hạn và Do Joon dẫu lớn bao nhiêu cũng mãi bé bỏng trong ánh nhìn, vòng tay mẹ. Lối suy nghĩ ấy dễ dàng được tìm thấy qua hai tình huống: Do Joon bị xe đụng ở đầu phim và Do Joon bị cảnh sát áp giải giữa phim.
Cả hai lần đều đang bận công việc làm ăn buôn bán nhưng người mẹ không thể rời mắt hay buông tâm trí khỏi con trai. Giật mình trước cảnh tượng Do Joon bị đâm ngã lăn ra đường, bà vô thức sập con dao cắt thuốc, cắt luôn vào ngón tay mình. Đợi mãi không thấy con về, bà đứng ngồi không yên - theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng - quên luôn ngón tay mình đang be bét máu. Thấy cảnh sát đến hỏi chuyện Do Joon, bà nhìn chằm chặp dù miệng vẫn đối đáp với người mua hàng. Không chỉ lột tả sự chăm lo và bảo bọc con thái quá của người mẹ, hai tình tiết ấy còn để lộ nỗi lo con trai có thể gây chuyện bất cứ khi nào.

Người con trai gần 30 tuổi vẫn ngủ chung giường với mẹ. Ảnh: Hancinema
Mother mở ra với hình hài của một phim trinh thám - hình sự. Nhưng thực chất, chủ đích bộ phim hướng đến không phải phá án. Đó chỉ là căn cớ để nhà làm phim đào sâu vào muôn kiểu sắc thái của tình mẫu tử cùng bản chất thiện - ác trong lòng người. Hành trình tra án được dẫn dắt qua cái nhìn phiến diện của người mẹ, mang nặng tư duy chủ quan: "Con tôi tuyệt đối không phạm tội". Trong vai thanh tra bất đắc dĩ, người mẹ chỉ tội sai người vì nhầm lẫn dấu son là vết máu. Bà cũng dễ chịu tác động từ người khác, ai mách hướng phá án nào cũng thử, chẳng hề có kỹ năng phân tích.
Trong khi, phía nhà chức trách gần như không có động thái gì. Những lần họ bắt giữ rồi thả người và kết tội đều đầy rẫy chứng cứ lỏng lẻo. Đến phút cuối, khi hung thủ được xác nhận, người xem vẫn chẳng thể hết nghi vấn đặt ra với kết luận này.
Vụ án rối rắm như tấm gương phản chiếu mê cung của tình mẹ. Với người mẹ, yêu thương, chở che, bảo vệ con đã trở thành quán tính, bản năng và nghĩa vụ. Ấy cũng là cách để bà chuộc lại lỗi lầm với con trong quá khứ, đồng thời là cách để bà xoa dịu nỗi niềm day dứt của chính mình.
Dẫu cho cả thế giới quay lưng với con, duy nhất mẹ vĩnh viễn một lòng tin con. Tình thương của mẹ kiên định, nhưng con đường tình thương ấy dẫn mẹ đi đôi khi trở nên vô định. Tình mẫu tử vốn thuần khiết nhưng đi qua cảm giác bất lực dần trở nên độc hại, đẩy người mẹ vào tình thế vô thức mắc sai lầm, không ngại hy sinh người khác để ưu tiên lợi thế cho con. Xem phim, người ta thật khó phân định cảm xúc, hành vi của người mẹ là đúng hay sai, chỉ biết tình thương của bà có lúc rơi vào bế tắc và mù quáng.

Tình thương của mẹ kiên định nhưng con đường tình thương ấy dẫn mẹ đi đôi khi vô định. Ảnh: Hancinema
Đạo diễn Bong Joon Ho duy trì không khí trầm buồn, ảm đạm với tone màu nhợt nhạt xuyên suốt phim. Lâu lâu, khung hình bất chợt được điểm xuyết bằng màu đỏ của máu, cũng là thứ màu của yêu thương nồng nhiệt, của cơn giận, của sự xốc nổi.
Sắc tím vài lần xuất hiện đầy ngụ ý, qua chiếc áo người mẹ mặc hay bờ tường nơi hai mẹ con đứng ngoài đường. Trong ngôn ngữ điện ảnh, màu tím phản ánh tính kỳ ảo, thần bí, gợi cảm. Trong khuôn khổ tác phẩm này, thứ sắc màu ấy vừa gắn liền vụ án đầy góc khuất, vừa biểu thị vẻ huyền hoặc của tình mẹ, vừa cho thấy tâm trí như điên dại của mẹ, khi chứng kiến người dưng cư xử lạnh lùng, tàn nhẫn với con mình.
Ngụ ý này không thể tách rời với cảnh mở đầu và kết thúc. Mother tạo nên một trong những cảnh mở đầu kinh điển của điện ảnh Hàn Quốc đương đại, với cú one-shot (một cú máy) hơn ba phút, thu trọn hình ảnh người mẹ nhảy nhót nhẹ nhõm nhưng vô tri như hóa điên giữa đồng cỏ.
Đối thoại với tạp chí Electric Sheep của Anh, đạo diễn Bong Joon Ho lý giải ông muốn đặt "cảnh báo" với khán giả ngay từ đầu phim: "Liệu người đàn bà này có hóa điên trên hành trình của bộ phim?". Cảnh nhảy trên xe buýt kéo dài hai phút rưỡi cuối phim kết nối chặt chẽ với cảnh mở đầu như một lời hồi đáp và càng tô đậm vẻ man dại của tình mẫu tử.

Sắc tím mang nhiều ngụ ý kể chuyện. Ảnh: Hancinema
Qua những góc máy dịu dàng và nhiều tính nữ, Mother mở ra khung cảnh thơ mộng, êm dịu nhưng tiềm ẩn nhiều bạo lực, giận dữ, máu me. Nhiều lần, nhà quay phim Hong Kyu Pyo bắt khung cảnh toàn rộng với hình ảnh người mẹ bé nhỏ lọt thỏm giữa khung hình, lột tả nỗi cô đơn, sự yếu thế của bà giữa thế gian nhiều tăm tối, đồng thời cũng nêu bật sức mạnh nội tại của một người mẹ thương con.
Trong vai người mẹ, nghệ sĩ gạo cội Kim Hye Ja mang đến lối diễn đầy quyến rũ của một bậc cây đa, cây đề trong làng phim Hàn. Thoát khỏi vẻ ngọt ngào, lãng tử thường thấy, Won Bin khắc họa chân dung chàng ngốc Do Joon ngây thơ nhưng xù xì, với những khát khao dục vọng ẩn sau vẻ ngoài con trẻ, với phần con đôi khi vượt khỏi tầm kiểm soát của phần người.
Bộ phim là một trong những dấu ấn làm nên tên tuổi của đạo diễn Bong Joon Ho, sau Memories of Murder và trước Snowpiercer, Parasite (Ký sinh trùng). Ra mắt tại Liên hoan phim Cannes 2009, Mother tạo nhiều tiếng vang. Tác phẩm thắng "Phim xuất sắc" của nhiều sự kiện điện ảnh như Giải thưởng phim Buil, Giải thưởng Hội phê bình phim Busan, Giải thưởng Daechung, Giải thưởng Rồng Xanh (Blue Dragon), Giải thưởng phim châu Á... Ngoài ra, phim mang về cho nghệ sĩ Kim Hye Ja nhiều cúp "Nữ diễn viên chính xuất sắc".
Trailer phim 'Mother'
Phong Kiều
Chuyên mục 'Mỗi tuần một phim hay' cập nhật bài viết tại mục Phim trên Ngôi Sao lúc 0h thứ 6 hàng tuần. Mỗi bài viết giới thiệu một phim nổi tiếng của Việt Nam hoặc quốc tế với chủ đề đồng nhất trong tháng. Tháng 5 với Ngày Của Mẹ (Mother's Day) dành cho loạt phim "Muôn sắc tình mẹ". |