Kiểm tra thai phụ ở Hong Kong. |
Jimmy Chan là bố của một đứa bé bị ép sinh non 17 ngày: "Nó sẽ có nhiều tiền, chỉ trừ có một vận mười năm không được tốt lắm, còn lại cuộc đời của nó sẽ may mắn".
Sau khi tự tra cứu sách tử vi, Chan đã xanh cả mặt mày khi thấy rằng nếu để tự nhiên, thằng nhóc của anh sẽ chào đời ngày 20/2, ngày mà theo sách là "mạt hạng" cho bất cứ công dân nào trên hành tinh này.
Khi được chồng cho biết "giờ hoàng đạo" do một thày tử vi chọn, Cat - vợ của Chan - hồi hộp cho đến tận lúc sinh vì giờ ấy lại nằm ngoài thời kỳ an toàn cho việc sinh nở. Cũng may là bác sĩ đã kiểm tra trọng lượng đứa bé và quyết định phẫu thuật.
Tại Bệnh viện St Paul, năm 1999 có 51% ca sinh nở đã được phẫu thuật từ yêu cầu của khách hàng. Đến năm 2004, tỷ lệ này là 60%. Phát đạt hơn nhờ dịch vụ xem giờ, nhưng "thày" Edwin Ma Lai-wah cũng phải nhăn mặt ghê tởm: "Thật gớm ghiếc! Thật là chống lại tự nhiên!".
Giáo sư tâm lý học Winton Au Wing-tung đặt vấn đề phải chăng các bậc phụ huynh ngày càng thấy bấp bênh về tương lai của con em mình trong một thế giới ngày càng cạnh tranh gay gắt và đòi hỏi hơn, nên họ phải "chuẩn bị cho đứa nhỏ sớm hơn nữa".
Theo Tuổi Trẻ, không hiếm bậc cha mẹ bất bình với chuyện ép con chào đời trái tự nhiên. Lawrence Lee Len, trưởng một giáo phận, cho rằng cách này chỉ khuyến khích một xã hội ích kỷ vì nó đặt quá nặng lên hai chữ thành công: "Tương lai tươi sáng của một đứa trẻ là dựa vào nỗ lực và lòng tốt của nó, vào ảnh hưởng của cha mẹ, bạn bè và môi trường xung quanh - chứ không phải tùy thuộc vào giờ sinh!", ông nói.