Trên Tạp chí Ngôn ngữ số 2 năm 2001, có bài “Dạy từ láy cho học sinh trung học cơ sở” của Thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Hà. Không hiểu sao, cuốn sách “Những vấn đề dạy và học trong nhà trường, Phương pháp dạy và học tiếng Việt ở bậc trung học cơ sở”, (NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, tháng 5/2001) của tác giả Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Tồn lại “bê” nguyên xi bài báo của Thạc sĩ Hà vào (chỉ thay đổi tí chút ở đầu đề) rồi chú thích “Bài viết có sự cộng tác của Nguyễn Thị Thanh Hà, nghiên cứu sinh Viện Ngôn ngữ học”.
Trong khi, bài báo của Thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Hà được công bố trước khi cuốn sách của Phó giáo sư, Tiến sĩ Tồn ra đời, lại không hề ghi tên ông này.
Phải chăng, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Tồn là Tổng Biên tập Tạp chí Ngôn ngữ, nơi đăng bài của thạc sĩ Hà nên có quyền lấy bài người khác đưa vào sách của mình và biến tác giả của nó thành một “kẻ ăn theo” bằng dòng chữ “có sự cộng tác”?
Một cuốn sách khác của Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Tồn có tên: “Tìm hiểu đặc trưng văn hóa - dân tộc của ngôn ngữ và tư duy ở người Việt - Trong sự so sánh với những dân tộc khác” (NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, năm 2002), khi so sánh với Luận án Phó tiến sĩ khoa học Ngữ văn của tác giả Nguyễn Thúy Khanh đề tài: “Đặc điểm trường từ vựng ngữ nghĩa tên gọi động vật”, bảo vệ năm 1996 tại Viện Ngôn ngữ học (Luận án này ông Nguyễn Đức Tồn là người hướng dẫn khoa học), nhận thấy gần như toàn bộ nội dung chính Luận án của tác giả Nguyễn Thúy Khanh đã trùng với nội dung cuốn sách của ông Nguyễn Đức Tồn.
Thật bất ngờ là ngoài phần mở đầu và tài liệu tham khảo, luận án Phó tiến sĩ của tác giả Nguyễn Thúy Khanh có 96 trang chính, thì có tới 82 trang trùng với sách ông Nguyễn Đức Tồn. Đáng nói là, phần lớn số trang trùng nhau đều chính xác đến từng dấu chấm, dấu phẩy.
Vì Luận án của tác giả Nguyễn Thúy Khanh được công bố trước khi cuốn sách của ông Nguyễn Đức Tồn xuất bản, hơn nữa khi làm luận án khoa học người thực hiện phải cam kết “đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi, không có sự trùng lặp, sao chép từ bất kỳ một đề tài luận án hay công trình nghiên cứu khoa học nào của các tác giả khác”, cho nên người đọc hoàn toàn có thể đặt câu hỏi: Phải chăng Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Tồn đã “mượn” của nghiên cứu sinh?
Chưa dừng tại đó, gần đây nhiều cán bộ Viện Ngôn ngữ học còn cho biết, trong cuốn sách vừa kể của ông Nguyễn Đức Tồn, còn có nhiều đoạn trùng khớp với luận văn tốt nghiệp đại học có nhan đề: “Đặc điểm định danh và ngữ nghĩa trường từ vựng tên gọi thực vật trong tiếng Việt” của tác giả Cao Thị Thu, chuyên ngành Ngôn ngữ học, khóa 36, niên khóa 1991-1995 thuộc trường đại học Tổng hợp Hà Nội.
Ngoài phần mở đầu (5 trang) và tài liệu tham khảo (2 trang), luận văn của tác giả Cao Thị Thu có 3 chương (74 trang) thì chương thứ hai (từ trang 20 đến trang 49) bao gồm kết quả nghiên cứu như: tư liệu, bảng biểu thống kê, ý tưởng khoa học và nhiều trang nhiều đoạn, được in nguyên xi trong sách của Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Tồn (chẳng hạn các trang 41,42,43 luận văn giống với các trang 144, 145, 146, 147... trong sách của ông Nguyễn Đức Tồn...).
Riêng chương ba của Luận văn (từ trang 50 đến trang 75) thì xuất hiện gần như nguyên bản vào chương thứ tám trong sách của ông Nguyễn Đức Tồn (từ trang 235 đến trang 264).
Chỉ một cuốn sách của Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Tồn (Tìm hiểu đặc trưng văn hóa- dân tộc của ngôn ngữ và tư duy ở người Việt - Trong sự so sánh với những dân tộc khác), đã thấy có hơn một nửa trùng với các luận án và luận văn công bố trước đó của nghiên cứu sinh, sinh viên (6/11 chương). Thật khó lý giải với “công trình khoa học” của một vị Phó giáo sư, Tiến sĩ.
(Theo Tiền Phong)