Một nửa chân thành (The Half of It) là bộ phim thứ hai của nữ đạo diễn Alice Wu, sau khi cô rời khỏi vị trí cấp cao tại Microsoft để theo đuổi nghệ thuật thứ 7. Phim ra mắt năm 2020, lấy bối cảnh miền quê Squahamish ảm đạm ở Mỹ.
Nhân vật chính là Ellie Chu (Leah Lewis), nữ sinh nhập cư từ Trung Quốc, học giỏi, sống khép kín và mắc kẹt với người bố bất đắc chí sau cái chết của mẹ. Câu chuyện xoay quanh mối tình tay ba giữa Ellie với Paul (Daniel Diemer), vận động viên bóng bầu dục, con trai tiệm bán xúc xích gia truyền mấy đời và Aster (Alexis Lemire), cô nàng xinh đẹp, trầm lặng trong trường.
Không giống khuôn mẫu thường thấy của một phim Netflix về học đường hay LGBT, truyện phim tiến triển theo cách ít gặp. Chàng cầu thủ nhờ cô nàng nhập cư học giỏi viết thư tán cô gái bí ẩn, để rồi chính hai cô gái phải lòng nhau lúc nào không hay.

Chàng trai si tình nhờ cô gái mọt sách viết hộ thư tình. Ảnh: Netflix
Thư tình cũ kiếm tìm những điều mới
Ellie chưa bao giờ viết thư tình. Chính xác là cô chưa yêu ai. Vậy nên khi được Paul thuê, Ellie chống cự rất máy móc: "Giờ còn ai viết thư tình nữa?". Ấy thế mà chỉ vì 50 USD tiền điện, cô nữ sinh nhập cư nhắm mắt nhận liều. Cô nghĩ thư tình không khó, giống như công việc viết thuê bài luận cô vẫn làm bao năm qua. Ý nghĩ ấy càng có cơ sở khi chữ nghĩa cô tuôn dào dạt, sau lần tình cờ xem được một đoạn phim với lời thoại: "Mong mỏi tình yêu như con sóng tình dâng lên trong tôi".
Ai ngờ hôm sau Aster hồi âm, vạch trần cô đạo văn. Chuyện khiến Ellie không còn coi viết thư tình như một lần "hỏa tốc" kiếm tiền. Cô hiểu Aster không giống với những "người chấm bài" khác và cô không thể lừa dối cô gái này được. Ellie thú nhận mình không biết yêu, chỉ giỏi trích lại những lời văn thơ và thoại phim kinh điển.
Để nói chuyện được với Aster, Ellie bắt cả mình và Paul biết tất cả những gì Aster thích: văn học Đức, phim kinh dị, minh tinh Audrey Hepburn... Cô cũng bắt đầu dạy Paul "giao tiếp với con gái như chơi bóng bàn". Thật ra, Ellie cũng đọc được mấy lý thuyết này ở cuốn sách nào đó thôi!
Phi vụ thư tình khiến cuộc sống của Ellie thêm đa chiều và nhạy cảm. Những cảm xúc chưa từng có dần xuất hiện. Chưa bao giờ cô gái mọt sách suy tư về một cô gái khác nhiều như vậy. Thư tình là hình thức giao tiếp cũ hàng nghìn năm của những kẻ tương tư. Nhưng với Ellie và cả Aster, thư tình là nơi họ tìm ra một phần bản thân mình.

Ellie Chu cổ vũ Aster vẽ những bức tranh mới của riêng mình, dù có thể cuối cùng nó sẽ bị cuộc đời bôi xóa. Ảnh: Netflix
Chuyện trò với Ellie, Aster bày tỏ khao khát được khẳng định mình, làm nên những điều khác biệt nhưng luôn bị trói buộc trong khuôn khổ của thầy cô và cha mẹ. Ellie cổ vũ bạn tạo ra bức tranh của riêng mình. Không còn là những bức thư, họ hẹn nhau tại một tọa độ trong thị trấn, cùng vẽ lên bức tường bỏ không, phiêu lưu trong thế giới của người còn lại.
Chính Ellie cũng dần chuyển biến. Cô nói chuyện nhiều hơn với bố, với Paul, với cô giáo. Cô dám ôm đàn lên sân khấu hát trong đêm nhạc cuối cấp. Cô không còn khép kín trong vỏ bọc của một cô gái thông minh, mọt sách. Cô xem thêm nhiều phim, bắt đầu biết bình phẩm về phim. Trải nghiệm tình cảm rộng mở, Aster và Ellie dần nới lỏng những giới hạn vô hình ngăn trở bản thân.
Phá vỡ những khuôn mẫu tình yêu
Một nửa chân thành mở đầu bằng việc trích lại mệnh đề lãng mạn kinh điển của Plato về tình yêu: "Con người vốn dĩ có bốn tay và bốn chân, có đầu đối mặt nhau và từng rất hạnh phúc, hạnh phúc đến nỗi các vị thần luôn ghen tỵ và tìm cách chia tách ra. Từ đó, con người chịu định mệnh của sự cô đơn. Và tình yêu đích thực là việc tìm được một nửa của mình". Với mệnh đề này, đạo diễn gieo vào lòng người xem một tín hiệu về hành trình đi tìm một nửa của các nhân vật - một nửa phù hợp với mình hoặc đạt chuẩn của xã hội.
Phân đoạn Ellie phản đối Aster nhận lời cầu hôn của cậu chàng bảnh bao nhưng giả tạo là cao trào của phim. Ellie không còn trong bóng tối âm thầm chứng kiến người mình yêu phải nhắm mắt gật đầu yêu người khác. Cô tỏ rõ tiếng lòng: "Yêu không phải là đi tìm một nửa hoàn hảo, nó là sự cố gắng và thất bại. Yêu là sẵn sàng hủy hoại bức tranh đẹp của mình để có cơ hội tìm thấy bức tuyệt vời".

Hai cô gái trẻ tìm dũng khí bước ra khỏi khuôn khổ quen thuộc để kiếm tìm 'một nửa chân thành'. Ảnh: Netflix
Xuyên suốt phim, đạo diễn sử dụng nhiều trích dẫn kinh điển về tình yêu đến từ các vĩ nhân trong lịch sử nhân loại: nhà tư tưởng - nhà hiền triết Plato, nhà văn Oscar Wilde... như một chất xúc tác làm cho câu chuyện nên thơ, nhưng cũng là một ẩn dụ ngầm cho việc văn hoa đại chúng đã dán nhãn cho tình yêu phải là thế này, phải như thế khác. Điều đó khiến người ta cứ loay hoay sao cho "đúng chuẩn".
Nhưng đến cuối phim, đạo diễn trích dẫn lại chính lời Ellie. Với sự đổi ngôi này, đạo diễn gửi gắm thông điệp: Hành trình yêu đương của mỗi người là khác nhau. Aster thích sách và sự hiểu biết. Paul thích những icon ngộ nghĩnh. Riêng Ellie không có ý định thích ai, cho đến khi cô nói chuyện đủ nhiều với Aster. Vì vậy, mỗi người đừng quá tin hay ép mình vào một khuôn mẫu tình yêu nào.
Những con đường mở
Cả phim, Ellie luôn ở trong những chiếc hộp: căn phòng bé tí, gác tàu chật chội, những góc hẹp của nhà thờ... Trong những không gian chật hẹp, thiếu ánh sáng ấy, cô gái luôn trong tư thế ẩn thân, đứng sau lưng một người, không dám đối diện với Aster lẫn ước mơ đại học. Từ giây phút lên tiếng về tình yêu và tạo ra một sự xáo trộn không nhỏ trong thị trấn, Ellie cũng chính thức "phá kén". Cô nộp hồ sơ vào trường đại học mình khao khát. Cô gặp Aster để nói lời xin lỗi, tỏ bày tình yêu và gửi lời hẹn ước.
Những nhân vật khác trong phim cũng có sự biến chuyển bởi tình yêu. Aster từ bỏ một tình yêu không xứng với mình và thử sức vào một trường mỹ thuật. Paul đề xuất mẹ đổi công thức xúc xích gia đình. Bố Ellie tập nói chuyện với Paul bằng tiếng Anh vì không muốn con gái mất đi người bạn duy nhất.

2/3 phim, đạo diễn luôn để Ellie Chu trong khung hình chiếc hộp. Ảnh: Netflix
Một nửa chân thành là tiếng nói nhẹ nhàng và sâu sắc về hành trình khám phá, phát triển bản thân của mỗi người. Chỉ bằng cách kể lại trung thực cách mỗi cá nhân nỗ lực tiến về phía người mình yêu và học cách hiểu thế giới nội tâm một người, đạo diễn đã chỉ ra cách tìm thấy tình yêu đơn giản nhất nhưng kỳ công nhất.
Tên phim là The Half of it là một sự chơi chữ thú vị. "It" vừa có thể hiểu là từng nhân vật, vừa mang nghĩa là tình yêu. Mỗi người đều mang một nửa thân phận chịu những định kiến, nửa còn lại phải tự đi tìm lấy chính mình. Và mỗi người mới chỉ có một nửa, cần nhẫn nại để hiểu nửa kia, để có được một tình yêu hoàn thiện.
Phim lấy đề tài tuổi mới lớn nên nhiều bạn trẻ có thể thấy mình trong câu chuyện. Nhịp phim chậm rãi, nhẹ nhàng và tinh tế, không phân biệt giới tính trong tình yêu, không lên gân trong truyền tải thông điệp về LGBT. Phim sử dụng nhiều chất liệu văn học, âm nhạc, hội họa, tôn giáo, cho thấy việc chúng ta lớn lên chịu nhiều ảnh hưởng của xã hội và văn hóa thế nào.
Trailer phim 'Một nửa chân thành'
Chuyên mục 'Mỗi tuần một phim hay' cập nhật bài viết tại mục Phim trên Ngôi Sao lúc 0h thứ 6 hàng tuần. Mỗi bài viết giới thiệu một phim nổi tiếng của Việt Nam hoặc quốc tế với chủ đề đồng nhất trong tháng. Khép lại tháng 6 Pride Month (Tháng tự hào LGBT) với "Những cuốn phim cầu vồng", Ngôi Sao mời quý độc giả chào đón tháng 7 của "Những chuyến chu du qua màn ảnh". |
Nguyễn Mai Phương