Trường THCS H.X.H. vốn là trường tiếng tăm của huyện Q. thuộc tỉnh Nghệ An. Nổi tiếng không chỉ vì điểm thi đầu vào của trường cao mà còn bởi vì GV trong trường đều thuộc dạng “tầm cỡ” của huyện. Vậy mà gần đây dư luận huyện Q. xôn xao bởi việc một nhóm HS nữ của trường tổ chức chích máu uống rượu ăn thề với nhau.
Những người dân địa phương không ngờ ở một ngôi trường tưởng như chỉ có HS “giỏi và ngoan” ấy lại có những em hành xử theo lối “anh chị” trong giới giang hồ như thế!
Một HS lớp 9 Trường THCS Hoàng Hoa Thám (TP Lào Cai, tỉnh Lào Cai) kể: “Không chỉ trường cháu mà trường nào cũng đều có những nhóm chơi. Nhóm nhỏ thì gọi là “phi đội”, nhóm lớn gọi là “tập đoàn”. Cũng có những bạn lúc mới vào nhóm thì ngoan, học khá nhưng sau một thời gian thì học kém dần”.
Nhóm thường tập hợp những HS không chuyên tâm vào việc học hành. Em P., HS lớp 9 Trường THCS Cổ Nhuế, Hà Nội (trường có vụ tự tử không thành của 7 HS lớp 7 giữa tháng 2 vừa rồi) kể: “Lớp của em cháu (lớp 8, cùng trường) có mấy bạn tụ tập thành một nhóm thường xuyên ngồi chát trên mạng. Vừa rồi mấy em ấy còn rủ nhau bỏ nhà đi xuống tận Quảng Ninh để gặp một anh các em làm quen qua chát. Mấy nhóm ở trường cháu thì hoặc là những bạn có hoàn cảnh gia đình giống nhau, hoặc hay bỏ học đi chơi, hoặc hay chơi điện tử, hoặc có cùng thần tượng... Chơi theo nhóm thường bị cuốn theo nhóm, kể cả điều tốt lẫn xấu, ai đó trong nhóm muốn cưỡng lại cũng khó”.
Ngoài việc hiện tượng kết nhóm thường xuất hiện ở HS lớp 7, lớp 8, các GV còn nhận thấy, các nhóm nữ hoạt động nổi trội, quyết liệt hơn các nhóm nam. Bên cạnh đó, nhóm của HS cấp THCS phức tạp hơn nhóm của HS cấp THPT. Cô giáo Phạm Hà Thanh, GV Trường THPT Lê Quý Đôn, Hà Tây, giải thích: “Tính cách, tư chất của HS cấp THPT thể hiện khá rõ: Em nào chuyên chú học hành, em nào ham chơi. Việc kết bạn của các em cũng sẽ theo xu hướng mà các em lựa chọn. Ngay cả khi kết bạn rồi, các em vẫn giữ được sự độc lập cho cá nhân mình. Còn với HS cấp THCS thì một em học giỏi vẫn có thể dễ dàng bị lôi kéo vào một nhóm bạn xấu nếu gia đình cũng như GV chủ nhiệm không kịp thời định hướng”.
Theo những GV có kinh nghiệm, chơi bè kết nhóm thường xảy ra hơn cả với HS lớp 7. Cô Phạm Thái Lê, GV Trường Phổ thông dân lập Mari Curie (Hà Nội), nhận xét: “HS lớp 6 chơi với nhau khá hòa đồng, thân ái. Bước sang lớp 7, các nhóm hình thành và phát triển đột ngột. Thậm chí các em còn cố tạo ra nhóm, vì một cớ rất nhỏ cũng lập nhóm. Lên lớp 8 các nhóm ít dần đi. Đến lớp 9 thì tự nhiên các nhóm tan rã, không cần phải có ai giải tán. Giữa các nhóm thỉnh thoảng lại có xung đột, cũng vì những cớ rất nhỏ. Trường chúng tôi quản lý HS rất chặt, các em ít có thời gian hoạt động tự do vì thế thường dập tắt được ngay xung đột giữa các nhóm khi nó mới hình thành. Nhóm nào cũng đều có một nhân vật gây ảnh hưởng tới cả nhóm. Để quản lý được nhóm, cần kiểm soát được nhân vật này".
Việc này rất khó. Chỉ cần có biểu hiện áp đặt là tác dụng ngược lại ngay. Vì thế đòi hỏi GV chủ nhiệm phải lặng lẽ tìm hiểu. Khi phát hiện có những biểu hiện tiêu cực của nhóm là phải lựa cách ngăn chặn. Nhưng phòng thì tốt hơn chống.
Trường của cô Lê có một cách để làm nhạt bớt khoảng cách giữa nhóm với các HS còn lại là tổ chức nhiều sinh hoạt tập thể để thu hút các em tham gia.
Theo nhiều GV, tính tích cực trong các nhóm có thể có (như giúp nhau học tập) nhưng ít thể hiện. Cái mà người ta nhìn thấy rõ ở các nhóm là tiêu cực. Tuy các em rất gắn bó, rất đoàn kết (cái đoàn kết mà cánh GV gọi là “bênh nhau”) nhưng lại dễ bị ảnh hưởng bởi cái xấu của nhau, cái xấu từ bên ngoài.
Tình bạn là tình cảm đẹp và cần thiết ở tất cả mọi lứa tuổi, đặc biệt là tuổi học trò. Tuy nhiên, hiện tượng kéo bè kết nhóm ở HS trong các trường phổ thông lại không được các nhà giáo hoan nghênh. Khi đã có nhóm, các em ít có nhu cầu chia sẻ với người lớn tuổi (vì đã có nhóm để chia sẻ).
Trong khi đó, quan hệ giữa các bậc cha mẹ với con em mình cũng như giữa GV với học trò luôn có khoảng cách. Mặt khác, khâu giáo dục nhân cách trong nhà trường hiện nay còn là khâu chưa tốt.
Cô giáo Lê Anh Hoa, Hiệu trưởng Trường THCS Cầu Giát, Quỳnh Lưu, Nghệ An, nói: “Môn GD công dân được coi là môn phụ. Điều này thể hiện qua tổ chức quản lý, cách soạn chương trình cũng như nhận thức của GV và HS. Đã vậy, dạy môn này là những GV kiêm nhiệm. Đã kiêm nhiệm thì phương pháp cũng như kiến thức chuyên sâu không tốt, hiệu quả GD không cao, HS không thích học”.
(Theo Tiền Phong)