- Là ca sĩ hát nhiều trên sân khấu 2 miền Nam - Bắc, anh nghĩ thế nào về "thái độ" nghe nhạc của khán giả hai miền?
- Vốn dĩ 2 miền Bắc - Nam khác nhau về nhiều mặt chứ không phải ở riêng thị hiếu nghe nhạc. Trước đây, khi còn là sinh viên trường CĐ Nghệ thuật Quân đội, tôi đã hát rất nhiều trên sân khấu thủ đô. Khán giả miền Bắc có vẻ như thích nhạc trữ tình êm ái hơn khán giả trong Nam. Có lẽ vì vậy mà khán giả thủ đô ít bộc lộ cảm xúc, thường là ngồi yên lặng mặc dù họ rất thích. Trong khi đó, trong Nam, người ta thích nghe nhạc "bốc" hơn, thậm chí còn cùng tham gia hát với ca sĩ trên sân khấu nên không khí tại buổi biểu diễn sôi động hơn rất nhiều. Nhưng thời gian gần đây, người nghe nhạc thủ đô "xung" lên nhiều, không thua kém gì dân Sài Gòn. Thị hiếu nghe nhạc cũng gần nhau hơn, điều đó khiến ca sĩ chúng tôi dễ hát hơn.
Ca sĩ Kasim Hoàng Vũ. |
- Cũng như nhiều ca sĩ khác, chọn Sài Gòn là nơi lập nghiệp, Kasim có nhận xét gì về thị trường âm nhạc trong Nam?
- Ngày còn ở Hà Nội, tôi ca hát trong môi trường quân đội, không được đi hát nhiều do kỷ luật nhà trường không cho phép đi quá 9 giờ. Bây giờ vào Sài Gòn, công việc nhiều hơn, mọi việc dường như trôi nhanh hơn, không yên bình như ngoài Hà Nội. Một vài người bạn của tôi ngoài Bắc kể, một tuần họ chỉ có một hai buổi đi hát ở một vài quán bar lớn Hồ Gươm xanh, New Century..., còn đâu thì túc tắc. Ở trong Nam rất nhiều tụ điểm và sân khấu ngoài trời, đòi hỏi ca sĩ phải "nhạy" với thị trường âm nhạc. Ngoài Hà Nội lại là mảnh đất "mưa dầm thấm lâu" với các ca sĩ, nơi đào tạo Kasim như ngày hôm nay.
Tuy vậy, điều quan trọng không phải là lựa chọn mảnh đất nào thì tốt hơn, mà là mình hát như thế nào để dành được tình cảm của khán giả. Tôi muốn đem hết tâm nhiệt huyết để phục vụ khán giả cả nước.
- Anh nghĩ sao khi có nhiều ý kiến cho rằng anh hát thứ nhạc thị trường?
- Thực sự tôi cũng không hiểu thế nào là dòng nhạc thị trường. Mọi thể loại âm nhạc đều được viết bằng tiếng Việt bởi nhạc sĩ người Việt, vậy thì thế nào là nhạc chính thống và nhạc không chính thống như nhiều người vẫn gọi. Ngoại trừ những bài "đạo nhạc" mới bị coi là không chính thống. Còn tôi là ca sĩ miền Nam, hát nhạc miền Nam và có nhiều khán giả miền Nam, nếu là ca sĩ thị trường thì có lẽ tôi đã không được khán giả cả nước bình chọn trong Sao Mai - Điểm hẹn vừa rồi, và cũng sẽ không nhận được sự ủng hộ, tình cảm của các cô chú thương binh khi nghe tôi hát. Phải công nhận là có nhiều bài hát khán giả sẽ quên đi, nhưng nó cũng đã có một thời gian được người ta chọn là món ăn thư giãn, mọi người thấy thích, dễ chịu khi nghe. Ca hát là công việc làm dâu trăm họ, sự khen chê không thiếu, nhưng quan trọng là mỗi ca sĩ phải có tâm với nghề.
- Được coi là một trong những ca sĩ đắt "sô" của năm 2004, trong năm nay anh lại đầu tư nhiều hơn trong lĩnh vực quảng cáo. Dự tính cụ thể của anh trong năm thế nào?
- Đúng là tôi nhận được nhiều lời mời quảng cáo trong năm nay từ các hãng lớn... Tôi cũng nhận lời làm quảng cáo độc quyền một năm cho hãng Pepsi (sau ca sĩ Mỹ Tâm). Nhưng đó chỉ là một trong số những kế hoạch của năm nay. Còn phần lớn thời gian tôi sẽ đầu tư trong lĩnh vực chính của mình. Cuối tháng 3 tôi cho ra mắt vol 2 Vì đâu và tham gia vào các chương trình ca nhạc.
- Anh nghĩ sao về một liveshow cho riêng mình như nhiều ca sĩ khác?
- Vừa qua, một công ty tổ chức biểu diễn đặt vấn đề làm liveshow cho tôi vào cuối tháng 6 này. Nhưng tôi sẽ từ chối, bởi nếu nhận lời lúc này thì đó là việc làm rất cẩu thả. Tôi thấy mình chưa đủ chín về giọng hát, phong cách biểu diễn.... Mỗi live show là mốc ấn định cho thành công của mỗi ca sĩ, và tôi cảm nhận được lúc nào là thời điểm thích hợp cho mình. Như thế sẽ tốt hơn cho tôi và cho cả khán giả.
- Vừa qua trong chương trình "Giai điệu bạn bè", có một vị khách đặc biệt hát cùng với anh. Dường như mỗi thành công của anh đều gắn với hình ảnh mẹ. Anh nghĩ sao về mẹ?
- Tôi thật may mắn khi có mẹ, may mắn hơn khi được thừa hưởng rất nhiều từ mẹ. Mẹ là người đi trước lại cùng nghề, mặc dù bây giờ mẹ dành thời gian, công sức cho việc kinh doanh nhiều hơn nhưng mẹ luôn là người bạn, người thày trên mỗi bước đường đời của tôi. Có nhiều điều từ thời của mẹ, tôi vẫn coi đó là kim chỉ nam để học tập, để noi theo.
- Anh nghĩ gì về hình ảnh người phụ nữ ngày nay?
- Tôi tiếp xúc rất ít với phụ nữ và cũng không hiểu ai nhiều bằng mẹ. Nhưng tôi ngày càng thấy phụ nữ giỏi hơn, năng động hơn. Có những việc mà theo quan niệm trước chỉ có nam giới mới có thể làm được thì ngày nay phụ nữ làm rất giỏi. Ví như cô bạn tôi, làm giám đốc, điều hành cả một công ty có rất nhiều nam giới khi mới 27 tuổi. Tuy nhiên, cũng có nhiều người lại quá lạm dụng hình thức, đẹp nhưng lại đánh mất cái duyên, nên khi tiếp xúc tôi thấy rất vô vị.
Có cô bạn kể cho tôi nghe, cả ngày họ có thể ngồi trong quán cà phê tán ngẫu, hay ngủ nướng hết buổi sáng, dành quá nhiều thời gian chăm chút hình thức... Tôi không hiểu khi mất đi vẻ đẹp ngoại hình thì họ sẽ làm được gì? Cũng có những cô bạn gái dường như đánh mất cả thiên chức cần phải có ở người phụ nữ khi dồn quá nhiều thời gian, công sức cho công việc, không cân đối công việc với gia đình, điều đó không hẳn đã tốt. Không phải tôi phong kiến, nhưng người đàn ông nào khi cưới vợ đều muốn vợ của họ phụ nữ một chút, chứ không muốn có 2 người đàn ông trong gia đình. Riêng với tôi, nếu như gặp được người con gái giống như mẹ, mẫu người hòa quyện giữa hiện đại và phong kiến, có lẽ đó là món quà may mắn nhất.