Koichiro Fujita, bác sĩ, nhà miễn dịch học người Nhật 81 tuổi, cho biết 70% tế bào miễn dịch cư trú trong ruột. Vì vậy, chúng ta nên ăn những thực phẩm giúp cải thiện môi trường đường ruột. Ông cho hay những thực phẩm được khuyên dùng để sống lâu và khỏe mạnh bao gồm rau, thực phẩm lên men và nước hầm làm từ thịt, xương cá.
Ưu điểm của việc ăn những thực phẩm này dưới dạng súp là cơ thể dễ dàng hấp thụ, ngay cả khi bạn cảm thấy không khỏe hoặc đã già. Dưới đây là một số công thức món súp tốt cho sức khỏe được bác sĩ đề cập trong cuốn sách Súp trường thọ được nhà miễn dịch học uống mỗi ngày. Từ khi ăn các món súp này ở tuổi ngoài 50, bác sĩ Fujita đã cải thiện được bệnh gút, gan nhiễm mỡ, không mắc các bệnh hiểm nghèo lẫn cảm lạnh.
1. Súp chanh cá mòi
Thời gian nấu: 10 phút
Năng lượng: 118 kcal
Protein: 10,4 g
Carbohydrate: 2,8 g
Muối: 0,5 g
Cá mòi rất giàu selen, có tác dụng kích hoạt tuyến thượng thận, làm tăng hormone kéo dài tuổi thọ DHEA. Chanh không chỉ khử mùi tanh của cá mòi mà còn bổ sung vitamin C có đặc tính chống oxy hóa.
Nguyên liệu (cho hai người): hai con cá mòi (260 g), hai lát chanh, 2,5 cốc nước, 1/4 cốc rượu trắng, tỏi (nghiền), tảo bẹ, một thìa nước cốt chanh, muối, tiêu trắng xay thô, rau mùi tây.
Cách làm: Cho nước, rượu, tỏi, tảo bẹ vào nồi và để khoảng 20 phút, đun sôi lửa vừa. Tiếp theo, cho cá mòi vào, đun tới khi sôi thì để nhỏ lửa và loại bỏ cặn. Thêm lát chanh, đun nhỏ lửa 30 phút, loại bỏ cặn. Nêm nước cốt chanh, muối, tiêu cho vừa ăn rồi dọn ra bát, rắc rau mùi tây cắt nhỏ.
2. Súp sữa đậu nành cải chua thịt bằm
Thời gian nấu: 10 phút
Năng lượng: 220 kcal
Chất đạm: 14 g
Carbohydrate: 4,9 g
Muối: 1,2 g
Rau cải muối cũng thuộc nhóm thực phẩm lên men, rất giàu vi khuẩn axit lactic thực vật. Nó tăng vi khuẩn tốt và giữ cho đường ruột khỏe mạnh. Bên cạnh đó, sữa đậu nành có các dưỡng chất như lecithin, saponin và isoflavone nên nó có nhiều lợi ích sức khỏe.
Nguyên liệu nấu súp cho hai người gồm: Cải chua muối 30g, thịt lợn băm 100 g, 1/2 tép tỏi (nghiền), dầu mè, rượu sake, nước nóng, 1/4 cốc sữa đậu nành không đường, muối, tiêu.
Cách nấu: Cải chua thái nhỏ. Đun nóng dầu mè trong nồi với lửa vừa rồi cho thịt băm và tỏi vào xào chín. Cho ít rượu sake, thêm nước nóng, đun sôi. Thêm sữa đậu nành vào đun sôi rồi nêm muối, tiêu và tắt bếp ngay.
3. Súp cà chua và thảo mộc
Thời gian nấu: 10 phút
Năng lượng: 75 kcal
Protein: 2,4 g
Carbohydrate: 7,7 g
Muối: 0,6 g
Lycopene trong cà chua không chỉ có tác dụng chống oxy hóa mạnh mà còn làm tăng quá trình trao đổi chất và ức chế sự gia tăng chất béo trung tính (được tạo thành từ axit béo, glycerol). Các loại thảo mộc tạo hương vị và loại bỏ oxy hoạt tính. Húng tây và lá oregano cũng rất hợp với cà chua.
Nguyên liệu (dành cho hai người): một quả cà chua (250 g), hành lá (80 g), 1/2 tép tỏi (nghiền), 1/4 thìa cà phê húng tây khô, lá oregano khô, dầu olive, muối, bạc hà, nước dùng ninh từ xương.
Cách nấu: Thái một quả cà chua thành miếng vừa ăn. Xắt nhỏ hành lá. Đun nóng dầu olive và tỏi trong nồi trên lửa vừa, sau đó thêm hành lá, lá oregano, húng tây và xào. Khi hỗn hợp đã dậy mùi thơm, cho cà chua vào xào chín. Thêm nước dùng, đun sôi và nêm muối. Đổ ra một cái bát và trang trí với bạc hà.
4. Súp gà
Thời gian nấu: 30 phút
Năng lượng 142kcal
Protein 3,8 g
Carbohydrate 11,6 g
Muối 0,8 g
Nguyên liệu: 4 cánh gà, 1/4 cây bắp cải, 1/2 củ cà rốt, hai cây nấm hương, 6 quả cà chua bi, một nhúm muối, tiêu và giấm.
Cách nấu: Xắt bắp cải thành miếng lớn vừa ăn. Cắt cà rốt làm đôi theo chiều dọc và thái chéo, còn thái mỏng nấm hương. Cho cánh gà vào nồi, đổ nước vào đun sôi. Cho rau vào, đun nhỏ lửa trong khoảng 20 phút, khi rau mềm thì nêm muối, tiêu và một chút giấm.
Nếu không có sẵn các nguyên liệu trên, bạn có thể dùng các loại thịt khác và đun nhỏ lửa. Hương vị của rau, thịt dậy lên dần dần nên bạn có thể nêm súp với muối và hạt tiêu. Thêm giấm vào cuối giúp món súp dễ ăn hơn và nó kết hợp với chất xơ hòa tan trong nước giúp đường ruột khỏe mạnh.
Bác sĩ Koichiro Fujita nói thêm, đây là những công thức tốt nhất với ông và được ông yêu thích về hương vị. Khi áp dụng, bạn có thể lựa chọn các công thức khác theo sở thích, miễn là kết hợp thực phẩm hợp lý, tốt cho hệ miễn dịch và tiêu hóa, ít đường, dầu mỡ và dễ nấu.
Koichiro Fujita, sinh năm 1939, tốt nghiệp Đại học Y và Nha khoa Tokyo, Trường Cao học Y khoa tại Đại học Tokyo và có bằng Tiến sĩ Y khoa. Sau khi theo học tại Đại học Texas, ông làm giáo sư tại Đại học Y Kanazawa, Trường Y thuộc Đại học Nagasaki, Đại học Y và Nha khoa Tokyo, sau đó trở thành giáo sư danh dự tại Đại học Y và Nha khoa Tokyo. Ông chuyên về ký sinh trùng, y học nhiệt đới và miễn dịch truyền nhiễm. Năm 1983, ông nhận được giải thưởng Koizumi của Hiệp hội Ký sinh trùng Nhật Bản vì phát hiện ra chất gây dị ứng bên trong ký sinh trùng. Năm 2000, ông nhận được Giải thưởng Thành tựu Văn hóa và Xã hội của Hiệp hội Xúc tiến Văn hóa Nhật Bản và Giải thưởng Danh dự Văn hóa Quốc tế cho nghiên cứu về con đường lây truyền virus ATL ở người.
Hằng Trần (Theo Diamond JP)