Với người dân An Giang, cây thốt nốt là nét đặc trưng về văn hóa. Thốt nốt thuộc họ cọ, thân thẳng, cao khoảng 30 m, có đường kính thân cây khoảng 30 cm, lá xanh um mọc như lá dừa, lá cọ. Thốt nốt đơm hoa kết quả quanh năm nhưng nhiều nhất từ cuối năm cho đến tháng 3 năm sau.
Không chỉ mang dáng vẻ oai phong, thốt nốt còn được biết đến bởi rất nhiều công dụng. Lá cây dùng để lợp nhà, làm thảm, đan rổ, đan nón lá hoặc làm giấy. Thân cây dùng để làm củi, nhưng phần được sử dụng nhiều nhất là hoa, quả và rễ cây.
Vào mùa thốt nốt trổ hoa, hoa mọc từng chùm rất thơm nên thu hút nhiều ong. Người dân An Giang thường leo lên cây, buộc một ống nhỏ vào đầu mỗi cụm hoa. Ống này nối vào một ống tre hoặc bình chứa to hơn. Sau đó, họ dùng dao cắt một đoạn để nước trong đầu hoa chảy ra. Cứ sau mỗi đêm, nước ngọt tinh túy từ chùm hoa lại nhỏ xuống, được chừng hơn một lít. Đây là loại nước quý do có vị và mùi rất thơm.
Theo người dân địa phương, nước lấy từ hoa có thể uống ngay hoặc cũng mang đi nấu đến khi cô đặc sẽ được đường thốt nốt, loại đường thường để nấu chè có mùi thơm và vị ngọt trứ danh rất tiêu biểu của vùng đất An Giang. Một số người không uống ngay, cũng không nấu đường mà ủ với men để cho ra món rượu thốt nốt có vị ngọt thanh, thơm nồng, uống ngon mà cũng rất dễ say.
Vài tháng sau khi trổ hoa, thốt nốt bắt đầu kết quả. Trái thốt nốt non có màu xanh, mọc thành buồng (miền Nam gọi là quày), trái to bằng nắm tay, mỗi buồng có đến vài chục quả. Trái già ngả sang màu nâu cánh gián bóng nhẵn, bên trong mỗi quá có 4 - 5 múi trong và dầy như miếng rau câu, trong múi có nước ngọt như nước dừa nhưng mùi vị lại đặc biệt và rất riêng.
Không chỉ uống nước và ăn ngay phần "cơm" nằm trong trái, các đầu bếp gia đình còn sáng tạo phần "cơm" để nấu chè, hoặc vắt nước dừa thật béo, pha vào ít nước đường rồi trộn cùng với múi thốt nốt thơm dẻo để bán như món chè, rất được các cô cậu học trò ưa thích.
Chưa dừng lại ở "vai trò" thực phẩm, quả thốt nốt và rễ cây được xem là loại thảo dược quý trong việc hỗ trợ điều trị nhiều bệnh.
Theo lão lương y Nguyễn Văn Dậu, người được tổ tiên truyền lại bài thuốc quý từ thốt nốt và có hơn 30 năm nghiên cứu về loài cây này, thì trái thốt nốt và rễ là bài thuốc Nam hữu hiệu để giải độc, mát gan, hạ men gan. Không chỉ dừng lại ở đó, nếu kết hợp với một số vị thuốc khác, sâm làm từ quả thốt nốt còn có thể hỗ trợ điều trị cho một số chứng ung thư.
Mr True
* Thốt nốt là từ được dùng phổ biến, nhưng theo người dân địa phương tại An Giang, thốt lốt mới là cách gọi chính xác của loại cây này, được phiên âm từ tiếng Khơme. Thốt Nốt (tên riêng) là tên một quận tại thành phố Cần Thơ, Thốt Lốt (tên riêng) là tên một ấp thuộc xã Long Vĩnh, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh.